|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 1 - 5/11: Tổ chức trong nước chưa ngừng xả cổ phiếu hóa chất, tâm điểm bán ròng gần 550 tỷ đồng DCM

08:05 | 08/11/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index diễn biến khởi sắc, tổ chức trong nước tiếp tục xả cổ phiếu nhóm hóa chất với giá trị bán ròng gần 600 tỷ đồng. Thống kê từ Fiinpro cho thấy trong ba tuần gần đây, tổ chức nội đã rút ròng hơn 1.200 tỷ đồng cổ phiếu ngành hóa chất.

Dù trải qua những diễn biến tăng giảm đan xen, VN-Index vẫn kết thúc tuần với mức tăng mạnh và tiếp tục vươn tới mức đỉnh cao mới. Cụ thể, sau khi thử thách không thành công mốc 1.450, chỉ số chỉ giao dịch tương đối giằng co trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.440 trong phiên thứ Hai (1/11), trong bối cảnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận áp lực điều chỉnh giảm sau những phiên tăng khá mạnh trước đó như VHM, VIC, GAS,…

Trong các phiên liền sau (2 - 4/11), trước diễn biến tích cực của nhiều chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ, lực cầu mạnh ở thị trường trong nước được kích hoạt giúp VN Index ghi nhận những phiên tăng điểm khá tích cực và chủ yếu giao dịch quanh mốc 1.450 điểm.

Phiên thứ Sáu cuối tuần (5/11), phe mua tiếp tục tỏ ra dứt khoát đã giúp chỉ số tăng điểm mạnh và đạt mức đỉnh cao mới khi kết tuần. Thanh khoản tuần này cũng gia tăng khá mạnh so với tuần trước cả về khối lượng và giá trị giao dịch.

Đóng cửa tuần, VN-Index đạt mức 1.456,51, tăng 0,85% so với tuần trước đó. Có phần khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 3,77% lên 427,64 điểm.

Khép lại tuần giao dịch với các kỷ lục được thiết lập, giao dịch của NĐT cá nhân đóng vai trò nâng đỡ thị trường, đối ứng với lực cung từ tổ chức trong nước, tự doanh và khối ngoại.

Tuần 1 - 5/11: Tổ chức trong nước chưa ngừng xả cổ phiếu hóa chất, tâm điểm bán ròng gần 550 tỷ đồng DCM - Ảnh 1.

Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức nội chưa ngừng gom cổ phiếu vua ngân hàng

Theo thống kê của Fiinpro, tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng 504 tỷ đồng, tuy nhiên nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ bán ròng 197 tỷ đồng.

Là nhóm ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index tuần qua, cổ phiếu của các nhà băng đặc biệt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 370 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm được tổ chức nội gom ròng mạnh nhất trong hai tuần gần đây, bất chấp áp lực rút vốn từ cá nhân trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.

Việc xuống tiền gom cổ phiếu ngân hàng của tổ chức nội diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu vua khởi sắc trở lại sau quá trình đi ngang tích lũy. Tuần qua, chỉ số giá ngành này có nhịp tăng 2,57% cùng với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 1,93% so với tuần trước đó.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm cổ phiếu dẫn dắt như bất động sản với quy mô giải ngân giảm 24% so với tuần trước đó, còn 348 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào nhóm xây dựng & vật liệu với 38 tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế giao dịch của tổ chức trong nước ở nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp xây dựng & vật liệu, họ trở lại mua ròng thay vì bán ròng 32 tỷ đồng tuần trước đó.

Tuần 1 - 5/11: Tổ chức trong nước chưa ngừng xả cổ phiếu hóa chất, tâm điểm bán ròng gần 550 tỷ đồng DCM - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức trong nước theo nhóm ngành trong tuần 1 - 5/11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, tổ chức trong nước chưa ngừng xả cổ phiếu nhóm hóa chất với giá trị bán ròng gần 600 tỷ đồng. Thống kê từ Fiinpro cho thấy trong ba tuần gần đây, khối tổ chức nội đã rút ròng hơn 1.200 tỷ đồng cổ phiếu ngành hóa chất.

Áp lực bán ra cũng chiếm ưu thế tại nhóm dịch vụ tài chính, hàng & dịch vụ công nghiệp với giá trị lần lượt là 277 và 144 tỷ đồng.

Tập trung xả hơn 500 tỷ đồng mã DCM

Nổi bật trong giao dịch của tổ chức trong nước tuần qua là việc bán ròng hơn 536 tỷ đồng cổ phiếu DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau. Giao dịch đột biến nhiều khả năng liên quan đến việc thoái vốn của cổ đông lớn.

Mới đây, CTCP Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCB Capital) thông báo hoàn tất bán ra hơn 6,12 triệu cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) trong ngày 26/10.

Theo đó, PVCB Capital đã giảm lượng sở hữu tại Đạm Cà Mau từ hơn 32,43 triệu cổ phiếu xuống còn gần 26,31 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,13% xuống 4,97% vốn và không còn là cổ đông lớn. Trước đó vào ngày 19/10, quỹ này cũng bán ra hơn 1,77 triệu cổ phiếu DCM để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Giao dịch của PVCB Capital diễn ra giữa lúc cổ phiếu DCM liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm và xác lập các đỉnh cao mới. Kết phiên 5/11, thị giá cổ phiếu dừng tại 35.100 đồng/cp.

Ngoài ra, tổ chức trong nước cũng bán ròng các mã TSC (160,7 tỷ đồng), TVB (141,4 tỷ đồng), VND (114,4 tỷ đồng) và TLG (103,3 tỷ đồng).

Tuần 1 - 5/11: Tổ chức trong nước chưa ngừng xả cổ phiếu hóa chất, tâm điểm bán ròng gần 550 tỷ đồng DCM - Ảnh 3.

Top5 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 1 - 5/11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Top10 mã thu hút dòng vốn tổ chức trong nước, giao dịch NVL dẫn đầu với giá trị vào ròng đạt 204,3 tỷ đồng. Sau pha 'breakout' cuối tuần trước, cổ phiếu NVL của Novaland chịu áp lực điều chỉnh và hiện đã về lại vùng giá tích lũy quanh 105.000 đồng/cp.

Như đã đề cập bên trên, cổ phiếu của các nhà băng đứng đầu về giá trị mua ròng trong giao dịch của NĐT tổ chức trong nước tuần qua. Thống kê cho thấy, trong Top5 mã bị tổ chức nội rút vốn, có tới 3 đại diện đến từ nhóm ngân hàng gồm ACB (129 tỷ đồng), SSB (112,6 tỷ đồng) và VCB (88,4 tỷ đồng).

Thu Thảo

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).