Từ Văn Toàn, Công Phượng đến Hùng Dũng: Kiếm tiền khủng nhờ kinh doanh thương hiệu thời trang riêng và mở chuỗi cà phê
Bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ vàng với tố chất và thể lực tốt. Thế hệ cầu thủ hiện tại đang giúp bóng đá Việt Nam đạt được những thành tích chưa từng có trong lịch sử thể thao nước nhà. Dù vậy, bên cạnh đá bóng giỏi, nhiều cầu thủ còn có khả năng kinh doanh với các dự án "tay trái".
Văn Toàn kinh doanh thương hiệu thời trang riêng
Ngoài việc được biến đến trong vai trò tiền đạo của đội tuyển Việt Nam, Văn Toàn còn có nghề "tay trái" kinh doanh mặt hàng thời trang. Thương hiệu VATO9 ra đời từ tháng 9/2020 của anh chuyên cung cấp các mặt hàng như áp hoodies, áo thun, áo sweater, mũ hay sơ mi cho nam giới.
Theo chia sẻ của Văn Toàn, VATO9 ra đời từ chính những trải nghiệm của anh. Nam cầu thủ chia sẻ anh từng tốn khá nhiều tiền để mua đồ từ những thương hiệu nước ngoài song chưa chắc đã tìm được món đồ ưng ý. Trong khi đó, giá thành sản phẩm lại khá cao.
"Vì thế, tôi tự nghĩ tạo sao lại không tự thiết kế những chiếc áo cho chính bản thân và những bạn trẻ yêu thích thời trang của Việt Nam", anh nói.
Văn Toàn cũng tỏ ra là một người khá nhanh nhạy trong kinh doanh. Mới đây, khi cú ngã của anh trong vòng cấm địa của đội tuyển Malaysia mang về cho thầy trò ông Park Hang Seo quả phạt penalty gây tranh cãi, Văn Toàn nhanh chóng tận dụng hiệu ứng thị trường để "quảng cáo" cho thương hiệu của mình.
Trên Instagram cá nhân, nhận thấy có nhiều người hâm mộ quốc tế đang "nhòm ngó", Văn Toàn nhanh trí đăng bài bằng Tiếng Anh để giới thiệu VATO9. Bên cạnh đó, anh còn ra mắt thêm một mẫu áo có hình ảnh cú ngã của mình cùng thông điệp "It's Real" (tạm dịch: "Nó là thật đấy").
Bên cạnh VATO9, đầu tháng 4 năm nay, Văn Toàn mở một cửa hàng cà phê Ông Bầu tại Hải Phòng.
Công Phượng quan tâm đến ngành F&B
Dự án kinh doanh đầu tiên của Công Phượng là chuỗi cà phê CP10 Coffee với cửa hàng đầu tiên được mở tại Pleiku (Gia Lai) vào năm 2017. Đến tháng 5/2018, CP10 Coffee mở rộng ra Hà Nội. Dù vậy, đến tháng 10/2020, Công Phượng được cho là đã bán hết cổ phần quán cà phê tại Hà Nội.
CP10 Coffee không phải dự án duy nhất của Công Phượng ở mảng F&B. Theo đó, Công Phượng còn hợp tác với Đông Triều để mở nhà hàng bánh tráng, thịt heo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cửa hàng này còn được kết hợp với mô hình cà phê Ông Bầu mà Công Phượng triển khai dưới hình thức nhượng quyền.
Đầu tháng 7/2019, Công Phượng cũng mở một công ty có tên Công ty TNHH Thương mại Tiếp thị Thể thao PM mà anh đứng tên là người đại diện theo pháp luật. Theo đăng ký kinh doanh, công ty này hoạt động trong mảng F&B, quảng cáo và hoạt động thể thao.
Bùi Tiến Dũng mở quán cà phê
Bùi Tiến Dũng hiện đang có một quán cà phê mang tên gọi FiveStar ở khu vực quận Hà Đông, Hà Nội. Không gian quán cà phê của Bùi Tiến Dũng mang đậm chất bóng đá với nhiều và có một mảng tường vẽ hình ảnh những danh thủ bóng đá nổi tiếng thế giới.
Dù vậy, Bùi Tiến Dũng thừa nhận mình không trực tiếp quản lý quán cà phê này. Anh uỷ quyền cho anh trai và người thân có kinh nghiệm quản lý đảm nhiệm cửa hàng và chỉ ghé qua mỗi khi không có lịch thi đấu, tập trung luyện tập.
Lương Xuân Trường mở trung tâm phục hồi chấn thương
Xuân Trường là một trường hợp khởi sự kinh doanh khác biệt so với các đồng đội ở đội tuyển Việt Nam khi anh là đồng sáng lập và chủ đầu tư của cả một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế.
Theo chia sẻ của Lương Xuân Trường, trung tâm phục hồi chấn thương này được thành lập dựa trên các mô hình tương tự thành công ở Hàn Quốc và trên thế giới. Trung tâm này được Xuân Trường thành lập cùng một bác sỹ người Hàn Quốc.
Hùng Dũng có thương hiệu giày riêng
Hùng Dũng có một thương hiệu giày riêng mang tên gọi Giày Dũng Chip. Trên trang Facebook của thương hiệu, Giày Dũng Chip được giới thiệu có nhiều điểm nhấn đáng chú ý như thiết kế giấu dây tăng diện tích tiếp xúc bóng, form giày ôm chân, tăng lực sút tối đa và bảo hành keo trọn đời. Giày Dũng Chip còn có một số dòng sản phẩm khác như tất chống trơn hoặc dệt kim.