|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cách thức hoạt động tinh vi của các website chiếu bóng đá lậu: Chỉ mất 5 phút để đổi IP, tên miền khi bị chặn

13:46 | 11/09/2023
Chia sẻ
Theo Bộ TT&TT, chỉ tính riêng 4 vòng đấu đầu mùa của giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải mới, đã có tới 239 trang web thực hiện livestream trái phép các trận đấu, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Mới đây, tại buổi họp báo của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến trên không gian mạng, đặc biệt là vi phạm bản quyền về các trận đấu bóng đá ở các giải lớn như giải Ngoại hạng Anh và các trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham dự.

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn để có các giải pháp ngăn chặn các hành động vi phạm bản quyền này.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực trạng khi các doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn trang web lậu thì gần như ngay lập tức, các trang này lại đổi địa chỉ IP, tên miền nhanh chóng, chỉ mất khoảng 5-10 phút.

Ông Tự Do dẫn chứng, trong 4 vòng đấu đầu tiên giải Ngoại hạng Anh mùa này, có 239 trang web đã tổ chức livestream trái phép các trận đấu, 3.213 đường link cung cấp miễn phí 39 trận của 4 vòng đầu tiên, chủ yếu lấy từ nguồn mà các doanh nghiệp được cấp phép chính thống.

Trong số này, website vi phạm nghiêm trọng nhất là "Xoilac TV" với 20 tên miền khác nhau. Tính riêng trong trận cầu "đinh" giữa Chelsea và Liverpool tại vòng 1 Ngoại hạng Anh mùa giải mới, đã có tới 140.000 lượt xem trên các website của Xôi Lạc TV. 

Theo ông Tự Do, sau khi phối hợp với cơ quan công an, các doanh nghiệp viễn thông tìm hiểu thì thấy họ vận hành rất chuyên nghiệp. Cứ chặn trang này lại lập ra trang khác Vì vậy, tới đây vi phạm này không dừng mức xử lý hành chính mà ở mức xử lý cao hơn.

Trước đó, vào năm 2018, Xoilac TV cũng từng là 1 trong 18 trên miền quốc tế đã bị các nhà mạng chặn truy cập theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Các trang web này bị chặn vì vi phạm bản quyền ASIAD 2018, đơn vị sở hữu bản quyền là VOV/VTC đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử để nghị hỗ trợ ngăn chặn hành vi vi phạm. Dù vậy, chỉ ít lâu sau, Xoilac TV đã công bố trên Fanpage của mình (vào thời điểm năm 2018) sẽ trở lại với tên miền mới là live.banhkhuc.xx (Bánh khúc TV).

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ TT&TT đã chặn 162 trang web vi phạm bản quyền và chặn hàng nghìn trang web thay đổi tên miền. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa ngăn chặn hoàn toàn được tình trạng vi phạm bản quyền.

Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ: "Chúng tôi đang nghiên cứu cùng với các doanh nghiệp viễn thông để tìm ra các giải pháp công nghệ, nhằm tìm ra hướng giải quyết bài toán này hiệu quả hơn".

Ông Tự Do cho rằng, nếu người dân tiếp tục ủng hộ các trang web lậu, doanh nghiệp được cấp phép chính thống sẽ không mua bản quyền phát sóng các giải đấu nữa và khi đó, chính người dân sẽ chịu thiệt thòi. Do đó, người dân cần nâng cao nhận thức trong chống vi phạm bản quyền.

Về cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng để chặn các web lậu, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho hay: "Các quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ. Việc chặn không khó, bài toán khó là khi họ thay đổi tên miền IP, phải có nguồn nhân lực trực chiến để chặn tên miền. Vấn đề liên quan đến cơ chế phối hợp, nguồn lực, kinh tế, các cơ quan liên quan cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất phối hợp".

Anh Nguyễn