Từ thương vụ mua cổ phần Bệnh viện FV, nhìn lại làn sóng M&A lĩnh vực chăm sóc sức khỏe những năm qua
Theo thông cáo báo chí ngày 12/7, Thomson Medical Group đến từ Singapore sẽ trả trước khoảng 359,6 triệu USD và trả thêm 21,8 triệu USD nếu Bệnh viện FV thỏa mãn các điều kiện về thành tích. “Bệnh viện FV sẽ giúp chúng tôi có vị thế chiến lược ở Việt Nam”, ông Kiat Lim, Phó Chủ tịch Thomson Medical chia sẻ.
Bệnh viện FV được thành lập vào tháng 8/2008 bởi bác sĩ Jean-Marcel Guillon cùng một nhóm bác sĩ người Pháp với mục tiêu mang dịch vụ y tế tiêu chuẩn quốc tế vào Việt Nam. FV là bệnh viện tư nhân 100% vốn nước ngoài với số vốn điều lệ ban đầu là 224 tỷ đồng.
Tháng 6/2017, quỹ Quadria Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu châu Á chuyên đầu tư vào lĩnh vực y tế đã hoàn tất đầu tư vào FV và trở thành cổ đông lớn của bệnh viện này. Số tiền đầu tư không được tiết lộ. Đến tháng 10/2021, Bệnh viện FV đã tăng vốn điều lệ lên thành 520 tỷ đồng (27 triệu USD).
Năm 2022, Bloomberg đưa tin Quadria Capital có ý định bán cổ phần tại Bệnh viện FV. Nếu thương vụ diễn ra, Quadria có thể thu về khoảng 300 triệu đến 400 triệu USD (số tiền 381,4 triệu USD mà Thomson Medical Group đồng ý mua cổ phần FV nằm trong khoảng này).
Bệnh viện FV gồm 220 giường bệnh và 950 nhân viên bác sĩ, điều dưỡng, điều hành một phòng khám ngoại trú tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM. Năm 2023, Bệnh viện FV cho biết đưa vào hoạt động thêm một phòng khám đa khoa và trung tâm chẩn đoán ở trung tâm TP HCM. Năm 2025, bệnh viện này dự định khánh thành thêm một tòa nhà 7 tầng ở quận 7, TP HCM đồng thời dự kiến mở thêm các phòng khám tại các tỉnh thành khác.
Nhìn lại tình hình mua bán và sáp nhập (M&A) ngành y tế, trong quá khứ, một tổ chức khác đến từ Singapore là Quỹ đầu tư GIC đã rót 30 triệu USD vào Chuỗi phòng khám Nhi đồng 315. Hệ thống khám chữa bệnh này đang có khoảng 60 phòng khám nhi (gồm cả sản) trên địa bàn TP HCM. Nguồn vốn huy động sẽ dùng để đầu tư mở rộng các dịch vụ chăm sóc, phòng khám và bệnh viện trên toàn quốc.
Vào 2020, GIC cũng từng đầu tư 204 triệu USD vào Vinmec của Vingroup. Thị trường M&A còn từng ghi nhận một số thương vụ đáng chú ý khác như VinaCapital đầu tư vào Bệnh viện Thu Cúc, CVC Capital Partners (Luxembourg) mua 60% cổ phần Bệnh viện Phương Châu, Tập đoàn Keimeikai (Nhật Bản) đầu tư vào Bệnh viện Hoàn Mỹ, Navis Capital đầu tư Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội năm 2016….
Tại thương vụ mua cổ phần Thu Cúc năm 2020 , ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital từng nhận định: "Thu Cúc được nhiều người đánh giá là một trong những bệnh viện tư nhân hàng đầu tại Hà Nội, và họ đạt vị thế đó trong một thời gian tương đối ngắn".
Trước đó vào năm 2009, VinaCapital cùng DWS Vietnam Fund của Deustche Bank chi 20 triệu USD để nắm giữ 44% vốn của Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ. Sau đó, VinaCapital đã thoái vốn tại Hoàn Mỹ. Ông Andy Ho từng cho biết, trong mảng y tế, Vinacapital không chỉ đầu tư vào các bệnh viện như Hoàn Mỹ hay CTCP Y khoa Tâm Trí mà còn tham gia vào CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) hay CTCP Xuất nhập khẩu y tế DOMESCO (Mã: DMC).
Khi đầu tư vào lĩnh vực y tế, VinaCapital đã đưa ra một số mục tiêu: Thứ nhất là thoái vốn trong tương lai với số tiền thu về cao hơn so với đã đầu tư; thứ hai là trong quá trình đầu tư phải cùng hỗ trợ phát triển hạ tầng, con người, sản phẩm mới, hệ thống phân phối.
Tựu trung lại, hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vẫn xoay quanh các thương vụ chuyển nhượng bệnh viện và phòng khám tư nhân. Tổ chức nước ngoài thường tìm kiếm cơ hội thực hiện những khoản đầu tư vào một số bệnh viện đa khoa tư nhân tại Việt Nam, trong đó, nhiều bệnh viện có biên lợi nhuận tốt, dòng tiền ổn định và tỷ lệ lấp đầy cao. Các bệnh viện thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp với chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế có nhiều khả năng thu hút thêm lượng bệnh nhân trong nước - những người trước đây thường chọn sang nước ngoài điều trị…
Điều này cho thấy các nhà đầu tư ngoại đã và đang nắm bắt được xu hướng và nhu cầu ngày một tăng cao của người dân Việt Nam đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Một số chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực y tế không hoàn toàn nhằm mục đích có thể thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên với tiềm năng to lớn, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vẫn kỳ vọng lĩnh vực này này sẽ tạo ra cơ hội gắn bó lâu dài tại một thị trường mới nổi như Việt Nam.
Tại Báo cáo Các xu hướng M&A Toàn cầu năm 2023, PwC dự báo y tế và sức khỏe là một trong các lĩnh vực sẽ chứng kiến M&A sôi động năm nay (bên cạnh công nghệ, truyền thông & viễn thông, sản xuất công nghiệp, ô tô, năng lượng và tiêu dùng). Đơn vị kiểm toán hàng đầu thế giới đánh giá, thị trường M&A sẽ có khả năng tăng trưởng nửa sau của 2023 khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp cân bằng được rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn.
Trong đó, những lĩnh vực liên quan đến công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển sản phẩm y tế (CRO/CDMO), Medtech, các giải pháp chăm sóc sức khỏe hướng tới người tiêu dùng và số hóa y tế dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Theo báo cáo vào đầu năm 2023 của VIRAC, đơn vị chuyên lĩnh vực nghiên cứu thị trường, chi tiêu cho sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế tại Việt Nam tăng trưởng mạnh qua các năm với CAGR 10 năm (2011-2021) là 11%, nhờ dân số già, thu nhập ngày một gia tăng và chính sách y tế của Chính phủ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam có tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tính theo phần trăm GDP cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Campuchia. Tuy nhiên, tình hình đã có sự chững lại khi tốc độ tăng trưởng trong năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng từ COVID-19 khiến giảm thiểu chi tiêu cho dịch vụ y tế, đặc biệt do ảnh hưởng giãn cách xã hội khiến người dân ở nhà nhiều hơn làm giảm số ca tai nạn hay việc đến khám bệnh bị hạn chế do dịch bệnh.
Cũng theo VIRAC, người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng tìm đến sự tiện lợi và đơn giản hơn trong việc sử dụng dịch vụ; nhu cầu chuyển từ chăm sóc nội trú sang ngoại trú; sự đổi mới công nghệ; sự gia tăng biến chứng trong các loại bệnh; tỷ lệ mắc một số bệnh cao hơn do lối sống ít vận động; kỳ vọng có một tuổi thọ lâu dài hơn…
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện mới chỉ có hai bệnh viện đưa cổ phiếu vào giao dịch gồm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) và Bệnh viện tim Tâm Đức (Mã: TTD), với vốn điều lệ đạt lần lượt gần 519 tỷ đồng và 156 tỷ đồng. Cổ phiếu TTD rất kém thanh khoản trên sàn UPCoM, kết phiên 14/7 tại 73.100 đồng/cp. Trong khi đó, tại sàn HOSE, TNH ghi nhận tăng 11% qua một quý gần đây, kết phiên 14/7 tại 27.500 đồng/cp; khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 220.000 đơn vị.