Từ kết luận vụ Grab mua lại Uber của Singapore: Trông chờ gì ở kết luận của Việt Nam?
Đến thời điểm hiện nay, thương vụ sáp nhập đã được Grab và Uber hoàn tất trên toàn thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Thành Hoa. |
Sức mạnh thị trường từ lợi thế về hiệu ứng mạng lưới
Kết luận cuối cùng của CCCS cho rằng thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber có khả năng làm giảm mức độ cạnh tranh đáng kể trên thị trường cung cấp dịch vụ nền tảng đặt xe ở Singapore. Kết luận này được đưa ra sau khi CCCS xem xét đến nhiều yếu tố.
Thứ nhất, với khả năng thống lĩnh của mình, Grab sau vụ sáp nhập có khả năng kiểm soát được giá dịch vụ, và trên thực tế Grab đã tiến hành tăng giá. Thứ hai, các bằng chứng CCCS thu thập được cho thấy việc rút lui của Uber không đảm bảo rằng sức cạnh tranh của thị trường Singapore tiếp tục được duy trì ở mức gần bằng với sức cạnh tranh trung bình của thị trường khi không có thương vụ này. Bằng chứng rõ ràng nhất là các kế hoạch hợp tác của Uber với các hãng vận tải của Singapore đã không được Grab xúc tiến tiếp tục.
Nhưng quan trọng hơn cả chính là nhận định của CCCS về những rào cản thị trường mà chính mô hình kinh doanh của Grab hay Uber đã tạo ra. Theo CCCS, sức cạnh tranh của các đối thủ trên thị trường dịch vụ đặt xe trước Grab/Uber hiện nay là rất thấp, ít hơn 15% thị phần. Đáng nói là rào cản gia nhập thị trường của các tay chơi mới là rất cao. Điều này xuất phát từ lợi thế về tác động mạng lưới mạnh mẽ của mô hình kinh doanh (mô hình kinh doanh lưỡng diện) mà Grab/Uber đang nắm giữ.
Một cách cụ thể, đó chính là lợi thế về mạng lưới người dùng rộng lớn mà Grab/Uber đã gầy dựng và có được. Chính số lượng hành khách đăng nhập “ứng dụng” (app) của họ hấp dẫn sự tham gia của lực lượng tài xế không chuyên nghiệp; và ngược lại, chính xác suất “đặt” được xe rất cao (với giá thấp) do có nhiều tài xế dùng “ứng dụng” sẽ tiếp tục hấp dẫn hành khách.
CCCS cho rằng, với các nhà cung ứng dịch vụ đặt xe không hoạt động theo mô hình này, việc chiến đấu lại với Grab gần như là không thể. Trong khi đó, những nhà cung cấp khác tham gia thị trường, nếu muốn phát triển theo mô hình lưỡng diện như Grab hay Uber, thì buộc phải đầu tư khá nhiều thời gian và tài chính, và đây chính là rào cản đối với họ.
Cho nên, khả năng Grab thống lĩnh thị trường trong tương lai là rất lớn. Và, hoàn toàn có cơ sở để kết luận Grab có đủ sức mạnh để khống chế tỷ lệ chiết khấu với tài xế, các hãng xe đối tác, và thậm chí cắt giảm chất lượng dịch vụ.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam
Như thông tin lâu nay, ngoài Singapore, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng tuyên bố rà soát vụ việc, trong đó có cả Việt Nam. Thực tế rà soát thương vụ sáp nhập này cho thấy, vẫn có trường hợp cơ quan cạnh tranh các nước đưa ra các nhận định khác nhau. Cho nên, trong các thương vụ sáp nhập xuyên biên giới, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan rà soát vụ việc có ý nghĩa quan trọng.
Người tiêu dùng Việt Nam đang chờ đợi thông tin kết luận cuối cùng của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VCCA). Có nhiều khả năng, xu hướng tác động hạn chế cạnh tranh của vụ việc sẽ được ghi nhận, cho dù cách tiếp cận hiện tại của Việt Nam hoàn toàn dựa vào tiêu chí thị phần. Nếu như vậy, một tình thế tiến thoái lưỡng nan có thể sẽ xảy ra với VCCA.
Rõ ràng, cho đến thời điểm hiện nay, thương vụ sáp nhập đã được Grab và Uber hoàn tất trên toàn thị trường Đông Nam Á. Với Singapore, CCCS đã sử dụng biện pháp khắc phục để yêu cầu Uber bán lại một phần hay toàn bộ công ty con Lion City Rentals cho một đối thủ tiềm năng cũng như đặt ra nhiều ràng buộc khác bắt Grab phải tuân thủ, như duy trì mức giá cũ, gỡ bỏ những áp đặt nghĩa vụ quá mức đối với tài xế... Nếu các giải pháp này không đủ sức cải thiện môi trường cạnh tranh thì CCCS sẽ yêu cầu Grab và Uber khôi phục lại tình trạng ban đầu. Kinh nghiệm rà soát sáp nhập của các nước cho thấy, tình huống này khó có thể xảy ra với các nước.
Tại Việt Nam, cơ quan rà soát vụ việc chỉ có một lựa chọn là yêu cầu các bên chấm dứt việc sáp nhập vì hiện tại Luật Cạnh tranh của Việt Nam không có quy định về áp dụng biện pháp khắc phục. Đây là một lựa chọn vô cùng khó khăn khi mà Uber và Grab đã đặt mọi thứ vào tình huống... đã rồi.
Đương nhiên cơ quan rà soát vụ việc Việt Nam được quyền xử phạt. Thậm chí, chế tài ở Việt Nam còn có thể nặng hơn cả ở Singapore. Cụ thể, sau khi có kết luận chính thức, VCCA có thể sẽ phạt Uber và Grab hai hành vi. Thứ nhất là hành vi tiến hành vụ sáp nhập mà không tuân thủ thủ tục thông báo ra trước cơ quan này. Thứ hai là hành vi tiến hành vụ sáp nhập bị ngăn cấm. Trong khi, thông báo của CCCS cho thấy, cơ quan này sẽ chỉ phạt tiền đối với Uber/Grab ở hành vi thứ hai, cho dù CCCS có lưu ý rằng họ đã nhắc nhở Uber và Grab thông báo cho họ từ rất sớm, trước khi thông tin vụ việc được công bố, nhưng cả hai công ty vẫn cố tình bỏ qua.
Cũng cần phải nói thêm, tất cả những trở ngại nói trên của cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã được Luật Cạnh tranh sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua giải quyết. Tuy nhiên, các quy định mới này chỉ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2019.
Xem thêm |