|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tư duy giá sàn

08:59 | 07/04/2017
Chia sẻ
Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) vừa tổ chức lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định đang có hiệu lực.
Vietjet Air đã cho rằng việc áp giá sàn là vi phạm Luật Cạnh tranh, không phù hợp với thông lệ quốc tế...Ảnh: TLTBKTSG

Tuần rồi, góp ý cho dự thảo này, không chỉ đồng ý với việc tăng giá trần của vé hiện nay lên 7-16% theo đề xuất của Cục Hàng không, Jetstar Pacific Airlines (JPA) còn đề xuất áp cả... giá sàn với mức từ 29-34% giá trần. Vietnam Airlines (VNA) cũng hưởng ứng ý tưởng này và đề xuất giá sàn của các chuyến bay nội địa là... 1,54 triệu đồng. JPA lập luận nếu không có giá vé sàn, các hãng buộc phải đua nhau giảm giá vé để cạnh tranh sẽ khiến cho hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững của ngành không được đảm bảo. Bên cạnh đó, giá vé máy bay rẻ hơn giá vé đường sắt, đường bộ sẽ làm... mất cân đối giữa ngành hàng không với các ngành vận tải khác. Quan điểm tương tự JPA, VNA còn tính nếu tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn như đề nghị của mình thì ước tính doanh thu của hãng sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỉ đồng sau một năm thực hiện.

Chuyện này tưởng đã rõ là... tầm phào trong suy nghĩ nhiều người, nhất là sau ý kiến phản đối mạch lạc của Vietjet Air - một hãng hàng không giá rẻ sinh sau đẻ muộn nhưng đã có thị phần đuổi kịp hãng hàng không quốc gia VNA, với lập luận chủ yếu là áp giá sàn sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh (hạn chế cạnh tranh về giá), không phù hợp thông lệ quốc tế, khó khả thi về mặt kỹ thuật tính toán và tước cơ hội được đi máy bay của người có thu nhập thấp. Bởi lẽ, chẳng phải ngành hàng không đã được mở cửa cho đầu tư, cạnh tranh, hội nhập... hướng đến kinh tế thị trường đúng nghĩa hay sao? Trong quá trình đó, lợi ích của người tiêu dùng, thể hiện quan trọng qua giá vé, chẳng phải là mục tiêu chính yếu ư?

Nhưng chuyện tầm phào này lại trở thành chuyện “vơ-đét” trên các mặt báo. Có thể hiểu sự “quen thói” của các doanh nghiệp có gốc độc quyền, gốc sở hữu nhà nước như VNA hay JPA trong các lập luận để lobby chính sách giá sàn. Họ vốn chưa thoát khỏi tư duy được Nhà nước bao bọc và trên thực tế cũng chưa có khả năng tự kinh doanh hiệu quả mà vẫn dựa vào các quyết định mang tính hành chính về giá, thuế, tín dụng, đất đai để lấy sự móc túi người dân, ngân sách... làm lời. Cũng dễ thấy chủ nghĩa “nhân danh”, như nhân danh phát triển bền vững ngành hàng không, đứng trước, che chắn cho động cơ lợi ích của họ.

Nhưng thôi kệ, đó là chuyện của doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền đề xuất, người tiêu dùng còn có thể thông qua đó bỏ phiếu bằng hành động móc hầu bao của mình cho ai. Vấn đề là Bộ GTVT - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và vẫn còn là cơ quan đại diện chủ sở hữu VNA và JPA - sẽ quyết định thế nào. Trả lời báo chí trong và sau cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3-4-2017, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết bộ đang xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng đề xuất áp giá sàn và “Trước khi có quyết định, bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến”. Tuy nhiên, nguyên tắc điều tiết giá cũng được ông thứ trưởng nêu ra, gồm “đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường”, “đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh”, “người tiêu dùng được quyền tiếp cận với dịch vụ vận chuyển hàng không giá cả hợp lý”, nghe qua đều hợp lý cả.

Song ở đây có chút lo lắng. Lo lắng không biết sự “phát triển ổn định và bền vững của thị trường” có bị bộ nhìn dưới lăng kính “hàng không “vét” hết khách của đường sắt” vì giá quá rẻ như đã từng hay không (hiện VNA, JPA và Tổng công ty Đường sắt đều là... con của Bộ GTVT). Lo lắng đảm bảo sự cạnh tranh của con cái trong gia đình đã khó, liệu bộ có đảm bảo nổi với cả con nhà người khác hay không. Lo lắng bài toán giá - hài hòa lợi ích người tiêu dùng sẽ được giải như thế nào, khi mà thời gian qua lời giải trong các lĩnh vực xăng dầu, ô tô... được cho là nghiêng về phía doanh nghiệp trong nước.

Lo lắng nhưng cũng có hy vọng, từ bên ngoài, với sức ép thực hiện các cam kết mở cửa, hội nhập kinh tế, với sự xuất hiện của các vị trọng tài vô hình trong các hiệp định thương mại tự do. Chúng ta không thể đơn phương ra các quyết định chính sách về thuế, giá, xuất - nhập khẩu mà không đặt nó trong mối liên quan với sân chơi chung, luật chơi chung mà mình đã gật đầu tham gia.

Ví như đề xuất áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với ô tô nhập khẩu mới đây để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, khó khăn không chỉ ở chỗ ta có đủ căn cứ pháp lý hay không mà còn ở chỗ ta dễ dàng bị các nước có quyền lợi bị ảnh hưởng trả đũa thương mại. Cũng mới đây, sau khi ta có lệnh tạm ngừng nhập khẩu một số nông sản của Ấn Độ do nguy cơ nhiễm mọt cao, ngay lập tức, Ấn Độ có lệnh tạm ngưng nhập khẩu một số nông sản của ta. Trong quá trình thương lượng để Ấn Độ hủy lệnh này, ta cũng phải đồng ý điều chỉnh lại lệnh của mình.

Có ai đặt câu hỏi vì sao VNA, JPA không đề xuất áp giá sàn vé máy bay với các chuyến bay quốc tế khi mà hai hãng này cùng Vietjet Air đều đã khai thác thị trường quốc tế hay không? Hãy thử hình dung thế giới sẽ phản ứng như thế nào! Được biết hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng của Malaysia là Air Asia có kế hoạch liên doanh với một hãng trong nước để kinh doanh tại thị trường Việt Nam theo mô hình hàng không giá rẻ. Quyết định đầu tư này sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu Việt Nam áp dụng chính sách giá sàn vé máy bay, hoặc dưới góc nhìn bi quan hơn, nếu Việt Nam chỉ mới... thảo luận về nó?

Thật ra, hiện nay, vấn đề (nếu có) của ngành hàng không có thể được giải quyết bằng các giải pháp căn bản hơn nhiều so với việc áp giá sàn lên vé mà lý thuyết kinh tế chỉ ra là sẽ bảo vệ nhà sản xuất - kinh doanh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và tính chung lại, khiến tổng phúc lợi xã hội giảm. Cạnh tranh giảm giá là tốt cho người tiêu dùng, nó chỉ không tốt nếu vì cạnh tranh giảm giá mà bỏ qua yếu tố chất lượng, an toàn. Cơ quan quản lý có thể kiểm soát yếu tố chất lượng, an toàn thông qua các quy định về hạ tầng, phương tiện, nhân sự, quản trị, thực hiện cam kết theo hợp đồng với khách hàng và quy trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Còn nếu có doanh nghiệp cạnh tranh giảm giá theo kiểu... phá giá thì đã có Luật Cạnh tranh điều chỉnh.

Trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và hội nhập thực sự cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Tư duy “giá sàn” không thể giúp hoàn thành trách nhiệm này.

Nguyên Lê