|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ chối deal nửa triệu đô, startup Sổ Bán Hàng bắt tay với Shark Lê Hàn Tuệ Lâm và Erik

08:05 | 28/11/2023
Chia sẻ
Chấp nhận chơi ván 'cược' định giá, hai Shark của Shark Tank Việt Nam bắt tay đầu tư cho startup Sổ Bán Hàng.

Startup nổi danh trong giới khởi nghiệp - Sổ Bán Hàng của hai anh em Bùi Hải Nam, Bùi Hải Long bất ngờ xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 để "chào hàng" các Shark đề nghị đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên theo hình thức vốn vay chuyển đổi và chiết khấu tới 20% khi doanh nghiệp có định giá.

Startup Sổ Bán Hàng là ứng dụng quản lý bán hàng dành cho các chủ kinh doanh nhỏ từ 20 – 45 tuổi trong lĩnh vực F&B, tạp hóa, bán lẻ, đổ sỉ... Đây là quán quân của cuộc thi về khởi nghiệp Techfest Vietnam 2022. 

Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, Sổ Bán Hàng ra đời từ giữa đại dịch với mô hình freemium cung cấp tính năng cơ bản, miễn phí sử dụng và sau hai năm hoạt động, dự án khởi nghiệp này đã có hơn 500.000 người dùng.

Từ tháng 2/2023, Sổ Bán Hàng bắt đầu áp dụng thu phí thuê bao tháng từ 100.000 - 300.000 đồng với các tính năng cao cấp, chuyên sâu hơn cho từng ngành nghề. Nhờ phát triển đội ngũ bán hàng, ứng dụng này đã có gần 10.000 người dùng trả phí, ghi nhận mức doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.

Đại diện Sổ Bán Hàng cho biết chiến lược là tập trung vào các khách hàng tiềm năng chứ không mời chào đại trà, tức là đội ngũ sale chỉ tiếp cận với nhóm đối tượng khách hàng thực sự có nhu cầu trả tiền để nâng cấp dịch vụ.

 Bộ đôi nhà sáng lập của Sổ Bán Hàng. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Nói rõ hơn về hiệu quả kinh doanh, nhà sáng lập Bùi Hải Nam cho biết Sổ Bán Hàng vẫn ở trong giai đoạn đầu tư và mỗi tháng startup này vẫn đang lỗ khoảng 700 triệu đồng. Đại diện Sổ Bán Hàng cho biết họ vẫn bù đắp được số lỗ này nhờ kêu gọi được nguồn vốn vay chuyển đổi tư các nhà đầu tư.

Cụ thể, Sổ Bán Hàng đã gọi vốn vay chuyển đổi hai vòng từ nhiều nhà đầu tư với tổng số tiền là 4 triệu USD và đã tiêu hết 3/4. Với doanh thu đang tăng lên từ 10% đến 15% hàng tháng, dự kiến 3 tháng tới startup sẽ dừng “đốt tiền” có dòng tiền dương. 

Trước khi tham dự Shark Tank, Sổ Bán Hàng đã hoàn tất hai vòng gọi vốn. Vòng đầu tiên vào tháng 8/2021 với giá trị là 1,5 triệu USD và vòng sau đó diễn ra vào tháng 2/2022, gọi được 2,5 triệu USD. Các quỹ đầu tư tham gia gồm FEBE Ventures, Class 5, Alley Corp và Trihill Capital.

Sổ Bán Hàng lên sóng Shark Tank Việt Nam với mong muốn được "cộng sinh" cùng hệ sinh thái của các Shark  để mang thêm nhiều sản phẩm giá sỉ cho các chủ kinh doanh. Ngược lại, các Shark cũng có thể tiết kiệm chi phí bán hàng khi cùng startup bán sản phẩm, dịch vụ tới tệp khách hàng này.

Shark Bình tỏ ra băn khoăn với deal từ Sổ Bán Hàng khi đây là giai đoạn "mùa đông gọi vốn", do đó thước đo cho khoản đầu tư thành công dựa trên định giá doanh nghiệp là khá rủi ro. "Chỉ số của sự thành công ở thời điểm hiện nay là doanh thu và lợi nhuận”, Chủ tịch NextTech nêu quan điểm. 

Tuy vậy, đại điện Sổ Bán Hàng vẫn thể hiện niềm tin rằng doanh nghiệp đang đi trên con đường dài, từ 8 - 10 năm và khái niệm thành công mà startup hướng tới là trở thành một "kỳ lân".

Shark Bình từ chối deal này vì ông đã có một số thương vụ đầu tư vào startup cùng lĩnh vực. Một người nữa cũng từ chối tham gia là Shark Minh Beta vì ông không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Shark Tuệ Lâm cho biết bà đã từng nghiên cứu về lĩnh vực này ở cả Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Nữ "cá mập" đề nghị đầu tư khoản vay chuyển đổi là 100.000 USD, chiết khấu 20% hoặc trên cơ sở định giá là 15 lần doanh thu của 12 tháng tính từ thời điểm rót vốn.

Một đại diện quỹ đầu tư khác là Shark Erik cũng bày tỏ sự hứng thú với Sổ Bán Hàng. Do đó, ông đề nghị cùng tham gia deal này với Shark Tuệ Lâm, tổng số tiền là 200.000 USD.

 Sổ Bán Hàng chốt deal với Shark Erik và Shark Tuệ Lâm. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Nhìn thấy miếng bánh hấp dẫn, Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 500.000 USD với điều kiện giống như các nhà đầu tư đã rót 4 triệu USD cho Sổ Bán Hàng trong các vòng trước. Ông gợi ý đưa sản phẩm của startup cùng mình xuất ngoại.

Dù nhìn thấy được sự hào phóng từ Shark Hùng Anh nhưng phía Sổ Bán Hàng đã từ chối vị "cá mập" xứ Quảng vì startup đang muốn tập trung vào thị trường Việt Nam. Trong màn gọi vốn này, Sổ Bán Hàng đã đồng ý đề nghị đầu tư từ hai đại diện quỹ là Shark Erik và Shark Tuệ Lâm.

Thùy Trang