|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ câu chuyện của 'mợ chảnh' Nguyễn Bính tới những lỗ hổng của start-up Việt

08:39 | 28/07/2018
Chia sẻ
Những vấn đề xung quanh câu chuyện thương hiệu bún sạch Nguyễn Bính trong Shark Tank Việt Nam giúp độc giả thấy nhiều lỗ hổng trong quản trị của giới start-up Việt Nam.
tu cau chuyen cua mo chanh nguyen binh toi nhung lo hong cua start up viet Định giá công ty nghìn tỷ đồng, bà chủ bún sạch trắng tay trong Shark Tank Việt Nam

Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam, bà chủ công ty bún Nguyễn Bính Thủ Đức định giá công ty lên đến 1.000 tỷ đồng. Mang tâm thế của một “người đi đánh trận” đanh thép và có chút cao ngạo, chị Bính tuyên bố “Tôi cũng chẳng cần tiền của các shark”.

Chị Bính định giá công ty 1.000 tỷ đồng nhưng không đưa ra một số liệu tài chính cụ thể và chính xác nào. Chị nói câu “Đúng. Bởi đây là một giá trị vô hình” nhiều lần. Với một thái độ bộc trực, chua chát xen chút “bất cần”, nữ doanh nhân tự nhận bún Nguyễn Bính rất chảnh.

Một số người nói chị Bính gọi vốn mà nói bốp chát như phường buôn ngoài chợ. Nhiều người lại bảo, có khả năng xây dựng cơ ngơi giá trị 100 tỷ đồng (giá trị công ty được nhà đầu tư Thái Lan định giá cách đây 3 năm), chị Bính là người sành sỏi chứ không phải dạng vừa và chị xuất hiện để quảng cáo miễn phí. Trước khi tham gia Shark Tank Việt Nam, chị Bính đã xuất hiện trên nhiều mặt báo. Một bộ phận khán giả bình luận Shark Tank Việt Nam nên lựa chọn những startup “có hiểu biết” về tài chính thay vì lựa chọn những câu chuyện "hài" để hút view.

tu cau chuyen cua mo chanh nguyen binh toi nhung lo hong cua start up viet
Nhiều người nhận xét rằng nữ doanh nhân Nguyễn Bính là người bộc trực và tốt tính qua cách nói chuyện của chị trong Shark Tank Việt Nam tối 25/7.

Song đằng sau một “mợ chảnh” với phong cách nói "đao to búa lớn" cùng niềm tự hào bất diệt về “giá trị vô hình” của bún Nguyễn Bính là cả câu chuyện dài.

Chương trinh 30 phút trên màn ảnh không thể giúp người ta hiểu Nguyễn Bính cũng như thái độ “chua chát” với các nhà đầu tư của chị.

Đằng sau cái ngạo mạn có phần chua chát của Nguyễn Bính là gì?

Chị Bính sinh ra trong một làng nghề làm bún ở Hà Tây. Chứng kiến cả một cuộc đời cha mình vất vả, luôn tay luôn chân với cái nghề này, chị quyết không làm bún.

Năm 1987, chị tới TP HCM để học tại một trường cao đẳng kỹ thuật. Để kiếm tiền học, chị Bính hái hạt điều, cấy lúa, làm thuê. Hồi đó, chị nổi tiếng là sinh viên ghê gớm nhất trường vì cả gan cãi giáo viên nếu họ cư xử không đúng. Ngoài ra, chị còn học thêm về đông y dược, rồi học lên đại học.

Đến năm thứ ba ở đại học, nhà chị hết tiền. Chị cũng không muốn học lên vì sợ khoảng cách trình độ với chồng. Chị nói chị yêu chồng lắm.

Chị đảm nhận đủ thứ nghề - từ trang điểm cô dâu, làm tóc đến làm thịt heo. Công việc làm thịt heo giúp chị kiếm tiền khá nhanh, xây nhà ổn định. Nhưng được ba năm, những giấc mơ chập chờn về sư thầy cùng lời khuyên nhủ "dừng nghề và đi tu" khiến chị cảm thấy bất an.

Cuối cùng, theo tâm nguyện của người cha quá cố luôn một lòng hướng con gái nối theo nghề tổ, chị quyết định quay lại với cái nghiệp gốc. Người cha quá cố từng dặn chị: “Nghề của mình tuy vất vả nhưng đỏ lửa là có tiền”.

tu cau chuyen cua mo chanh nguyen binh toi nhung lo hong cua start up viet
Ảnh: Nguyễn Bính.

Ban đầu, chị thất bại 4 lần và sạt nghiệp khiến toàn bộ vốn liếng bốc hơi. Nguyên nhân là Bính thiếu kinh nghiệm, sản phẩm ế ẩm vì không ai mua, hay do nước giếng đục ngầu vì thiên tai, ảnh hưởng đến chất lượng của bún. Vì đấu tranh với vấn nạn hoá chất tràn lan, chị nhận vô số lời hăm doạ và hãm hại. Đơn độc giữa thị trường bún hoá chất, chị vẫn tiếp tục "lấy trứng chọi đá".

Sau đó, áp dụng những kiến thức đã học, chị là người đầu tiên ứng dụng công nghệ hơi vào làm bún. Rồi chị nảy sinh ý tưởng về máy sản xuất bún tự động nhưng cũng năm lần bảy lượt tìm kiếm và làm việc không thành với các kỹ sư. Cuối cùng chị hiện thực hoá ý định làm công nghiệp bún sạch sau nhiều năm.

Mỗi sợi bún mà chị sản xuất đều là nước mắt, sự sợ hãi, thất bại, thành công. Thế nên chị rất tâm đắc với điệp khúc “giá trị vô hình”.

Lỗ hổng khá điển hình của nhiều start-up

3 năm trước, một công ty Thái Lan định gía công ty của chị Bính là 100 tỷ và ngỏ lời mua lại 49% cổ phần. Không muốn cơ nghiệp mà bản thân gây dựng suốt 17 năm rơi vào tay người khác, chị từ chối. Thế nên, người biết Bính sẽ hiểu thái độ “chua chát” và khó hiểu của chị trong "Shark Tank Việt Nam" hôm 25/7.

tu cau chuyen cua mo chanh nguyen binh toi nhung lo hong cua start up viet
Chị Nguyễn Bính thuyết trình trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 25/7. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Tuy nhiên, câu chuyện kinh doanh và đầu tư lời lỗ không phải là câu chuyện chiến thắng bằng cảm xúc. Khi không đưa ra những con số tài chính cụ thể, không minh bạch hóa hoạt động của công ty, dĩ nhiên không ai dám góp vốn. Có thể thấy rằng, bún Nguyễn Bính là một doanh nghiệp sản xuất “có tâm nhưng chưa đủ tầm”.

Chị Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam chia sẻ rằng vấn đề của bún Nguyễn Bính là một lỗ hổng khá điển hình của startup về tài chính, các phương pháp định giá và lộ trình gọi vốn đầu tư.

"Chúng ta đang ở một nền kinh tế nhỏ và siêu nhỏ với hơn 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nhiều thương nhân làm ăn rất giỏi, rất tháo vát, rất quyết liệt như Nguyễn Bính. Nhưng như phần đông các thương nhân tự học từ trường đời, họ sẽ không được đào tạo bài bản về tài chính, về đầu tư, chỉ hiểu biết cơ bản về gọi vốn"

Theo chị Hạnh, mô hình hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME ) như doanh nghiệp bún Nguyễn Bính có điểm tích cực là lao động cần cù, năng động, gần gũi với thị trường. Nhưng họ còn hạn chế về cách quản trị minh bạch cũng như kiến thức tài chính đầu tư nên khó mở rộng quy mô.

Chỉ cần 10% số trong số 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam thay đổi tư duy cách làm biết hợp tác với các nhà đầu tư tài chính thì hiệu quả của nền kinh tế sẽ tăng rõ rệt.

"Shark Tank Việt Nam phản ánh những thực trạng của startup. Mọi người khen điểm tốt, nhưng cũng nên bàn những khiếm khuyết để cộng đồng có nhiều trải nghiệm và bài học. Còn giải quyết câu chuyện tăng quy mô bằng công nghệ và vận hành công nghiệp đối với các sản phẩm truyền thống là bài toán khó. Nhưng bài toán nào cũng sẽ có lời giải nếu chính những người trong cuộc, những SME và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam có tư duy làm lớn", chị Hạnh bình luận.

Câu chuyện khởi nghiệp bằng nghề làm bún truyền thống của Nguyễn Bính khá hay theo góc nhìn của chị Hạnh. Chị làm bún sạch, không chất bảo quản, tự mày mò công thức, tự chế tạo máy để làm dây chuyền sản xuất bún công nghiệp.

Nữ doanh nhân nói chuyện mộc mạc, đối thoại đôi khi hơi bốp chát. Chị rất bộc trực, nghĩ gì nói đấy, không muốn học cao vì sợ chồng bỏ, làm ra tiền nhưng chồng không cho thế chấp nhà để vay ngân hàng cũng chịu. Bính thắng thiên hạ nhưng không muốn hơn chồng. Đó là những điểm dễ mến ở chị.

Doanh nhân Trần Anh Vương chia sẻ: “Khác với nhiều nước, giá trị lớn nhất của Shark Tank Việt Nam không phải là tạo ra một chương trình thực tế hấp dẫn, cũng không phải là giúp nhiều starup nhận vốn đầu tư hoặc các "cá mập" đầu tư được bao nhiêu tiền. Giá trị thực sự của nó là giúp người dân hiểu hơn về khởi nghiệp và được thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong họ.

"Chúng ta nên tự hào về điều đó với Shark Tank Vietnam. Nguyễn Bính là một trường hợp minh chứng giá trị đó. Sẽ ra sao nếu 50% trong số các hộ kinh doanh cá thể xem chương trình và suy nghĩ rằng họ sẽ thành lập doanh nghiệp và ... gọi vốn.”

Có thể thấy, xã hội Việt Nam rất cần những doanh nghiệp có tâm, nhưng cũng rất cần doanh nghiệp có tâm và đủ tầm. Nếu muốn trở thành một thương hiệu Việt thực sự và bún Nguyễn Bính muốn vươn lên thành tầm vóc mới một cách đỡ đau thương và hao sức, chị Bính cần tin tưởng nhiều hơn, mở rộng tư duy và tầm nhìn hơn để hiện thực hoá giấc mơ.

Xem thêm

Tuệ An