Từ 1/1/2017, quy định pháp lý về lãi suất thay đổi ...
Ảnh minh họa |
Quy định cũ và mới
Hiện nay, BLDS năm 2005 quy định các bên trong hợp đồng cho vay có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng; trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (Điều 476).
Nhưng kể từ 1-1-2017 tới, BLDS năm 2015 quy định các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn 20%/năm (Điều 468).
Đối với nghĩa vụ trả nợ của bên vay, BLDS năm 2005 quy định: trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ. (khoản 4 Điều 474). Còn vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (khoản 5 Điều 474).
Nhưng theo BLDS năm 2015 (khoản 4 và 5 Điều 466) thì: (i) Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Còn trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: (i) lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất 10%/năm; (ii) lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ quá hạn BLDS 2005 quy định: (i) nếu khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, đối với trường hợp vay không có lãi (khoản 4 Điều 475); (ii) trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (khoản 5 Điều 474).
Trong khi, BLDS 2015 (Điều 466) quy định: (i) nếu quá hạn vay, người vay phải chịu mức lãi suất 10%/năm (đối với trường hợp vay không có lãi suất); (ii) trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi suất bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng.
Quy định bên vay phải trả lãi suất quá hạn trong trường hợp vay có lãi là 150% so với lãi suất theo hợp đồng các bên đã thỏa thuận (ví dụ: lãi suất trong hạn các bên thỏa thuận với nhau 20%, nếu đến hạn bên vay không trả được sẽ phải chịu lãi suất 20% x 150% = 30%/năm) sẽ thúc đẩy được trách nhiệm trả nợ của bên vay, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay.
Có sự “xung đột”?
Quy định mới về lãi suất của BLDS 2015 (các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác) sẽ “xung đột” với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Bởi, khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ chịu sự điều chỉnh của BLDS năm 2015 hay Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010?
Có thể thấy, hợp đồng vay tài sản nói chung, hợp đồng tín dụng nói riêng là một loại giao dịch dân sự. Do đó, việc điều chỉnh quan hệ này phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và các nguyên tắc về giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định trong BLDS.
Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là một trong những điển hình của việc cụ thể hóa nguyên tắc giới hạn thực hiện quyền dân sự, theo đó các bên trong hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn luật định. Việc quy định trần lãi suất giúp Nhà nước có thể điều tiết thị trường vay trong trường hợp cần có sự ổn định của kinh tế - xã hội, định hướng chuẩn mực ứng xử trong các quan hệ cho vay, thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi.
Nhưng để bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự, bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với các quan hệ vay tài sản đa dạng, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của những biến động về kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 cũng đã quy định mang tính linh hoạt theo hai cơ chế, đó là: (i) Căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lãi suất theo đề nghị của Chính phủ; (ii) Luật khác có liên quan quy định mức lãi suất riêng cho các quan hệ cho vay đặc thù.
Như vậy, trong trường hợp luật có liên quan quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác có liên quan. Quy định này còn được hiểu không chỉ dành riêng cho quan hệ tín dụng của các ngân hàng thương mại mà còn có thể áp dụng cho loại vay đặc thù vay khác như vay chính sách xã hội, vay đầu tư phát triển, vay vàng, ngoại tệ... nếu Nhà nước xét thấy cần điều chỉnh các quan hệ vay này bằng cơ chế lãi suất riêng.
Điều đó có nghĩa, nếu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có cơ chế lãi suất trần riêng cho các hợp đồng tín dụng thì các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, thực tiễn cho thấy chưa thực sự áp dụng một cơ chế lãi suất riêng cho các hợp đồng tín dụng, mặc dù xét về mục đích chính sách pháp luật thì quy định này là mong muốn của nhà làm luật. Nhưng xét về mặt kỹ thuật lập pháp quy định này đã và đang dẫn đến những cách hiểu khác nhau, kể cả trong công tác xét xử của Tòa án và điều đó không có lợi cho các chủ thể trong hợp đồng tín dụng trước những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong thi hành pháp luật.
Bởi khoản 2 Điều 91 cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng trong giới hạn “theo quy định của pháp luật”. Đây là cách quy định theo quan điểm của nhiều chuyên gia là “lòng vòng”, vì “theo quy định của pháp luật” tức là vẫn có thể hiểu phải theo quy định của BLDS, trường hợp Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư, quyết định có quy định riêng về lãi suất khác với quy định của BLDS thì đâu là quy định ưu tiên áp dụng? Từ đó, rất nhiều tranh chấp liên quan đến vấn đề này, khi xét xử Tòa án đã căn cứ vào lãi suất quy định trong BLDS để giải quyết.
Quy định của luật cần hướng dẫn
Theo luật sự Phạm Thị Hồng Đào, Văn phòng luật sư Thạnh Hưng, Hiến pháp năm 2013 và BLDS năm 2015 về quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Do vậy, cần sửa đổi khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 để có cách hiểu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Và, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định: “Trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” của BLDS năm 2015.