TS. Phạm Sỹ Thành: COVID-19 cho các doanh nghiệp lí do mạnh mẽ để đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc
Mới đây, TS. Phạm Sỹ Thành đã có buổi trao đổi tại phiên công bố báo cáo vĩ mô quí I/2020 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Bình luận về việc các DN Trung Quốc hiện nay đã phục hồi và đang có xu hướng đẩy nhanh việc mua lại các DN Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Thành bảo lưu quan điểm rằng đây sẽ là một cơ hội lớn để Việt Nam đón sóng đầu tư.
Ông Phạm Sỹ Thành cho rằng thông qua việc mua các DN Việt Nam theo hướng M&A hoặc mua cổ phần rồi nắm quyền kiểm soát, Trung Quốc có thể tránh thuế xuất khẩu sang nước thứ ba, như sang Mỹ hay châu Âu vì Việt Nam đã bỏ công rất nhiều để có được đàm phán thuế quan.
Mặt khác, ông Thành cũng nhận định điều này có thể liên quan đến việc Trung Quốc dần dịch chuyển làn sóng các ngành công nghiệp mang tính chất công nghệ không còn phù hợp hoặc ô nhiễm ra khỏi đất nước để tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận trong các ngành này ở các quốc gia khác.
Theo ông, hoạt động đầu tư FDI vẫn hoạt động theo cơ chế thị trường rất mạnh và sẽ không có nhiều điểm đáng lo ngại do Việt Nam có đầy đủ chế tài để kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các địa phương cần chủ động và cẩn trọng trong việc tiếp nhận nguồn vốn Trung Quốc vào Việt Nam để không phá vỡ cân đối về qui hoạch.
"Chúng ta không thể đối xử với vốn FDI theo phân loại quốc gia và chúng ta phải đối xử đồng nhất dựa trên những gì chúng ta đã cam kết", TS. Phạm Sỹ Thành nói.
Khi được hỏi về việc DN Việt Nam cần làm gì để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đầu vào của Trung Quốc, ông Thành đánh giá vấn đề nguồn cung đến nay vẫn là một bài toán khó.
TS. Phạm Sỹ Thành nhận định khoảng 30 - 40% DN Việt Nam hiện nay dựa vào công nghệ và nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào công nghệ được hiểu theo nghĩa rộng, từ việc nhập khẩu các loại máy móc cơ bản đến toàn bộ dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nguồn cung về nguồn nguyên vật liệu đầu vào rất quan trọng.
"Tuy nhiên điều này không có nghĩa chúng ta không có cách để đa dạng hóa nguồn cung khi mà đại dịch COVID đã cho chúng ta lí do để thực hiện thay đổi mạnh mẽ", ông Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, "Chúng ta không cần làm gì thì những làn sóng dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc về công nghệ, nhà xưởng và nguồn cung đã diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra rất mạnh. Vấn đề chỉ là Việt Nam có đón được làn sóng đó hay không. Chúng tôi nghĩ là Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với Indodesia, Malaysia và Thái Lan bởi vì sự hấp dẫn về thể chế và môi trường đầu tư."
"Tôi không nghĩ môi trường đầu tư của Việt Nam kém hơn các quốc gia khác tuy nhiên sự hấp dẫn của thể chế sẽ quyết định các DN nước ngoài có lựa chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài hay không", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cũng đề xuất các DN Việt Nam, cụ thể hơn là các DN bản địa cần phải chủ động hơn trong các chiến lược cung ứng mới, để từ đó có kế hoạch chiến lược xây dựng nguồn cung của mình trong dài hạn.
Cụ thể, các DN cần phải đảm bảo các hợp phần quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng, nghĩa là phải có tối thiểu hai nhà cung ứng trở lên ở hai quốc gia khác nhau, để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần có qui trình đánh giá nhà cung ứng để xem nhà cung ứng nào hiệu quả, nhà cung ứng nào không hiệu quả. Cuối cùng là dựa trên công nghệ để nâng cấp hoặc rút ngắn chuỗi cung ứng.
Ông cũng đưa ra ví dụ nhiều DN hiện nay đã có thể bỏ qua các thị trường truyền thống, để phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Điều này dựa trên một nền tảng mà chúng ta cần chính phủ thúc đẩy và nỗ lực nhiều hơn nữa đó là phát triển nền kinh tế chia sẻ hoặc kinh tế nền tảng trong thời gian tới.
"Với Việt Nam, đây là cơ hội tốt để chúng ta tiến một bước dài trong các chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị thế giới, nếu như định vị về công nghệ được nhìn nhận đúng đắn và các chính sách được khai thác hiệu quả", ông Thành khẳng định.
"Chúng tôi cho rằng điểm hạn chế lớn nhất đối với một quốc gia đó là không phải họ không nghĩ ra được những điều sẽ làm, mà đơn giản họ không có một chính sách tốt để đưa ý nghĩ đó trở thành hiện thực. Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ điểm yếu chí tử đó của điều hành chính sách của nền kinh tế Việt Nam."
"Hiện nay nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông sản xuất bình thường của các DN."
"Những biện pháp như vậy sẽ hủy hoại sự sáng tạo của nền kinh tế cũng như sự phát triển của các chính sách dài hạn. Vì thế, đối với chuỗi cung ứng hoặc các chính sách FDI thì tầm nhìn cũng như việc nâng cao chất lượng thực thi các chính sách là điểm cần chú ý trong thời gian tới", ông Thành đưa ra kết luận.