|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất áp dụng thuế xuất khẩu gạo thay vì áp dụng hạn ngạch

12:41 | 13/04/2020
Chia sẻ
TS. Nguyễn Đức Thành, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng nếu sử dụng thuế xuất khẩu gạo gạo chúng ta vẫn có sự can thiệp, nhưng mức độ can thiệp này quá đột ngột đối với thị trường. Mức thuế sẽ tuỳ vào tình hình thị trường.

Kiến nghị áp dụng thuế xuất khẩu gạo

Tại buổi toạ đàm trực tuyến công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2020, TS. Nguyễn Đức Thành, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị trong bối cảnh giá gạo và nhu cầu trên thế giới đang tăng như hiện nay Chính phủ nên đánh thuế xuất khẩu thay vì cấp hạn ngạch. 

“Nếu sử dụng thuế xuất khẩu gạo gạo chúng ta vẫn có sự can thiệp, nhưng mức độ can thiệp này quá đột ngột đối với thị trường.  Mức thuế sẽ tuỳ vào tình hình thị trường. Với việc đánh thuế xuất khẩu ít nhất chúng ta tạo ra được một cái đệm giúp giá trong nước thấp hơn thế giới. 

Đồng thời điều này còn giúp giải quyết vấn đề giá gạo trong nước quá cao, và cũng không tăng như thế giới. Trong khi đó Chính phủ vẫn thu được phần thuế dùng cho mục đích chống dịch. Doanh nghiệp cũng không thu được nhiều tiền lắm so vơi tiêu thụ nội địa nên họ không còn động lực để xuất khẩu”.

Mặt khác, ông Thành cũng chỉ ra điểm lợi cho doanh nghiêp là có quyền lựa chọn không phải chầu trực vấn đề cấp hạn ngạch hay bao giờ đóng hoặc mở chính sách.  Họ sẽ xác định tiêu thụ ở thị trường có nhiều lợi nhuận hơn. 

Theo ông Thành, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã nỗ lực bằng mọi giá giữ bệnh dịch không phát tán. Trong nỗ lực đó, Chính phủ cũng đã hi sinh nhiều nhóm lợi ích, điển hình là ngành xuất khẩu gạo từ nông dân đến các nhà xuất khẩu.

Trước đó, ngày 10/4, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản tới Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thưong về việc cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo trong tháng 4 và đề xuất Thủ tướng phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 trước ngày 25/4.

Xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài đến hết năm 2020.

Lặp lại câu chuyện của năm 2008

Ông Thành nhận định trong bối cảnh xuất khẩu nông sản khó khăn như hiện nay, việc nhu cầu và giá gạo tăng cao là điểm sáng cho ngành nông nghiệp.

“Tôi thấy chúng ta đang lặp lại câu chuyện của năm 2008. Thời điểm đó, giá gạo thế giới tăng nhưng chúng ta lo thiếu gạo và vội vàng đóng cửa, để mất cơ hội xuất khẩu. Như các chuyên gia tổng hợp, nguồn cung chúng ta rất lớn, vượt xa so với nhu cầu trong nước, do đó không lo thiếu gạo. Việc quyết định hạn chế hoặc tạm ngừng xuất khẩu gạo đều phải dựa trên con số cụ thể” . 

Ông Thành cũng khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh và không nên tích trữ gạo: “Nếu chúng ta lo lắng thiếu gạo thì giá trong nước tăng như giá thế giới là điều đương nhiên”. 

Theo tính toán của Bộ Công Thương lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 khoảng 800 nghìn tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với cùng kì năm ngoái và giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018.

Theo thông báo chính thức của Bộ NN&PTNT, lượng gạo hàng hoá của vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Nếu tính cả số lượng "gối đầu" từ 2019 chuyển qua là khoảng 3,2 triệu tấn.

Với tốc độ xuất khẩu 25 nghìn tấn/ngày trong tháng 3 vừa qua, do các tờ khai hải quan mở trước 0h ngày 24/3 vẫn tiếp tục được thực hiện, ước tính lượng gạo xuất khẩu đến 31/3 khoảng 1,7 triệu tấn. Lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

H.Mĩ