TS. Nguyễn Đình Cung: ‘Nếu lo xăng dầu tác động đến lạm phát thì hãy miễn, giảm thuế phí’
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định việc đứt gãy thị trường xăng dầu trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập trong quản lý Nhà nước bởi trước đây đã từng có thời điểm giá dầu thô lên tới 140 USD/thùng, không phải bây giờ giá dầu mới cao.
Ở thời điểm đó, các tổ điều hành giá, hội đồng điều hành tiền tệ quốc gia, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng… lắng nghe lẫn nhau, tư vấn cho các cơ quan điều hành ra quyết định. Nhờ đó, vấn đề được giải quyết chỉ sau vài ngày.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng các chính sách mới xây dựng xong, chưa áp dụng bao lâu hoặc chưa "ngấm" đã sửa đổi, trong đó có Nghị định 65/2022 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 95/2021 về xăng dầu đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Do vậy, ông khẳng định trong những lúc nước sôi lửa bỏng như hiện nay, các Bộ trưởng cần lắng nghe ý kiến đóng góp doanh nghiệp và chuyên gia.
Bàn về bất cập của thị trường xăng dầu, chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở tư duy điều hành giá, Nhà nước quyết định giá bán cuối cùng.
“Điều hành giá theo kiểu lấy quá khứ méo mó để làm khung điều hành cho hiện tại và tương lai. Ngay cả quá khứ không méo mó thì cũng không hợp lý để điều hành”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Nguyên Viện trưởng Viện CIEM khẳng định chúng ta đã xóa bỏ bao cấp về xăng dầu nên các chi phí đều đẩy vào giá bán trong nước. Do vậy, việc nói cơ quan nhà nước không quản lý xăng dầu sẽ xảy ra lạm phát là phi lý, thiếu cơ sở. Thậm chí, nhà nước quản lý thị trường còn khiến tăng thêm chi phí, gồm chi phí lưu thông bắt buộc, quỹ bình ổn, bộ máy điều hành…
“Nếu Chính phủ lo xăng dầu tác động đến lạm phát thì hãy miễn, giảm các loại thuế, phí. Điều này sẽ có tác dụng hơn nhiều so với những gì chúng ta đang làm. Nghĩa là hãy để cho thị trường quyết định giá xăng dầu”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Để nói về tự do hóa thương mại, Nguyên Viện trưởng CIEM dẫn chứng về mặt hàng gạo. Trước khi tự do hóa, Nhà nước cũng lo nhiều, lo tình trạng dầu cơ tích trữ gạo đẩy giá lên cao, người dân mua được gạo… nhưng tự do hóa rồi, người dân không những đủ ăn, mà Việt Nam còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Do vậy, ông Cung kỳ vọng tự do thương mại với mặt hàng xăng dầu cũng sẽ diễn ra tương tự.
“Nếu Nhà nước có lo thì hãy lo cho nhóm người nghèo không tiếp cận được xăng dầu và tìm cách hỗ trợ trực tiếp cho họ, đó là cách không làm méo mó thị trường. Đừng để điều Nhà nước lo, doanh nghiệp phải chịu thì không hợp lý”, chuyên gia Nguyễn Đình Cung nói.
Để phát triển thị trường xăng dầu thực thụ, TS. Nguyễn Đình cung cho rằng những điều cản trở sự cạnh tranh đều phải loại bỏ, ví dụ như quy định về khoảng cách giữa hai cây xăng, quỹ bình ổn, chu kỳ điều hành 7 ngày hay 15 ngày… đồng thời chỉ giữ lại những quy định về chất lượng, an toàn.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng cần thành lập hội đồng có doanh nghiệp đầu mối – phân phối – bán lẻ, nhà khoa học, chuyên gia… để xây dựng công thức tính, thuê một bên thứ ba xác định giá tham chiếu, các doanh nghiệp dựa vào đó để công bố giá bán.
Một vấn đề khác được chuyên gia Nguyễn Đình Cung góp ý là quyền và trách nhiệm của thương nhân phân phối. Theo đó, việc đảm bảo cung cấp xăng dầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào là trách nhiệm của Nhà nước, không thể chuyển sang cho doanh nghiệp. Do vậy, ông Cung cho rằng cần có dự trữ quốc gia về mặt hàng xăng dầu, khi nào thị trường bất ổn sẽ xả ra.
Ông Cung kỳ vọng những đổi mới trong các Nghị định sẽ không mang tính cơi nới, mà là sự thay đổi tư duy trong quan quản lý nhà nước. Chuyên gia tin rằng một ngày không xa sẽ tiến tới cải cách thị trường xăng dầu.