|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thương nhân phân phối muốn lấy hàng từ nhiều nguồn, quay lại điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày/lần

21:34 | 14/02/2023
Chia sẻ
Các thương nhân phân phối xăng dầu đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày/lần để cân đối giá, đồng thời cho phép doanh nghiệp tiếp tục được lấy hàng từ nhiều nguồn, tránh đứt gãy thị trường.

Điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày/lần

Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 do VCCI và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức sáng 14/2. (Ảnh: Phạm Mơ) 

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 sáng 14/2, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (APP) đánh giá Nghị định 95/2021 hiện hành cơ bản hoàn chỉnh, giai đoạn 2018 – 2021 chịu ảnh hưởng của dịch COVID nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định, chiết khấu tốt.

Tuy nhiên, một điểm chưa hợp lý là điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần thường xuyên trùng vào ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết… và phải lùi ngày. 

Tại Dự thảo 2 tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và quy định vào ngày thứ Năm hàng tuần. 

Do đó, ông Dũng đề nghị quay lại điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần do chu kỳ nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam cần khoảng 15-20 ngày. Đồng thời nếu giá xăng dầu có biến động từ 5% trở lên, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh sớm.

Là thương nhân phân phối và chủ 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ông Hoàng Trung Dũng nhận định giá dầu thế giới cứ 10 năm sẽ có một đợt biến động mạnh.

Điển hình như năm 2022, căng thẳng Nga – Ukraine khiến giá dầu “nhảy múa”, chỉ trong hai tháng, giá mặt hàng này leo thang từ 70 USD/thùng lên 140 USD/thùng. Dưới tác động của giá dầu thế giới và sự cố ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, thị trường xăng dầu trong nước năm 2022 đã diễn biến dị biệt.

“Khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua, giá dầu hiện đã xuống 75 USD/thùng và được dự báo có thể về mốc 65 USD/thùng. Trong điều kiện bình thường, giá mặt hàng này chỉ điều chỉnh 2-3%/ngày theo hình sin nhẹ nhàng, do vậy không nên rút ngắn kỳ điều chỉnh giá”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Nai cũng đề xuất quay lại điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày/lần để đảm bảo cân đối giá, sổ sách.

Không nên khống chế thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ 3 đầu mối 

Cũng tại Dự thảo 2 mới đây, Bộ Công Thương đề xuất chỉ cho thương nhân phân phối được mua hàng tối đa từ 3 đầu mối và không được lấy từ đơn vị phân phối khác.

Góp ý về đề xuất này, ông Hoàng Trung Dũng cho rằng mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng, mua bán những gì pháp luật không cấm, nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua từ 3 đầu mối là vi phạm Luật thương mại, Luật Cạnh tranh.

“Không thể cấm thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của ba đầu mối bởi trường hợp các đầu mối này bắt tay với nhau, trong khi hiện nay chỉ có 33 đầu mối, mỗi đầu mối sở hữu 5 cửa hàng, điều này sẽ tác động rất lớn đến thị trường.

Sửa đổi như vậy coi như trao cho thương nhân đầu mối nhiều đặc quyền, đặc lợi vô hình, có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng dầu. Do vậy cần cho thương nhân phân phối được mua hàng từ nhiều nguồn", ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết thêm hiện hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ thuộc doanh nghiệp tư nhân, do vậy 33 doanh nghiệp đầu mối khó có đủ năng lực gánh hết được. Tổng giám đốc APP cho rằng không thể bỏ loại hình thương nhân phân phối, để đại lý mua trực tiếp từ đầu mối không khác gì việc bà con nông dân mang cá, rau trực tiếp ra chợ bán.

 Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Nai đê xuất cho thương nhân phân phối lấy hàng từ nhiều nguồn. (Ảnh: Phạm Mơ)

Còn theo quan điểm của ông Văn Tấn Phụng, thương nhân phân phối là phân khúc đưa hàng từ đầu mối về các đơn vị nhượng quyền, đại lý. Tuy nhiên, việc mua hàng cũng có những lúc khó khăn.

“Không lấy được từ đầu mối thì phải điều hòa hàng từ thương nhân phân phối khác, chuyển hóa qua lại để có đủ hàng cung ứng. Tôi đề nghị không nên khống chế thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ 3 đầu mối”, ông Phụng đề nghị.

Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH đầu tư và phát triển xuất nhập khẩu Toàn Thắng cũng cho rằng việc buộc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối sẽ ảnh hưởng tới việc tạo nguồn và sức cạnh tranh. Trường hợp, các đầu mối này bị cơ quan quản lý xử phạt, đình chỉ giấy phép như thời gian qua sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung và thị trường.

Phạm Mơ