TS Lưu Bích Hồ: ''Chúng ta rất giỏi nói nhiều nhưng làm ít hoặc không làm''
Đánh giá về dự thảo đề án "Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020”, TS Lê Bích Hồ cho rằng, đây là một Đề án được xây dựng công phu, quan niệm và cách tiếp cận đúng, rõ, hợp lý. So với đề án tái cơ cấu trong thời kỳ 2012-2015, lần này đề án đã được xây dựng thành một Kế hoạch có mục tiêu, giải pháp, tiến độ thực hiện rõ ràng, cụ thể để theo đó triển khai thực hiện sẽ có căn cứ và là công cụ pháp lý tốt hơn nhiều.
Tuy nhiên, theo TS Lưu Bích Hồ, về tổng thể đề án còn hơi "tham" cả về mục tiêu, công việc và tiến độ thực hiện. Thực tế 5 năm mà cũng chỉ còn 4 năm sau khi đề án được thông qua, quỹ thời gian là rất ít, lại đặt trong điều kiện và cung cách làm việc của chúng ta mà nổi bật là "rất giỏi nói nhiều nhưng làm ít hoặc không làm".
"Tốc độ và hiệu suất làm việc của bộ máy quản lý của ta thuộc hàng yếu kém so với nhiều nước trên thế giới. Như vậy, càng cần tập trung vào những lựa chọn ưu tiên ít hơn, thiết thực hơn. Ngay danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch gồm 102 mục đã thấy "ngợp", hoành tráng quá, có phải là tham vọng?", ông cho biết.
Về những nội dung cụ thể, ông Hồ cũng góp ý tất cả 60 ý kiến để sửa văn bản dự thảo, trong đó ông nêu một số câu hỏi về các nội dung như: "Dự thảo nói về thị trường tài chính, đã "lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, thực tế là nợ xấu còn nhiều, nhiều ngân hàng còn chưa giải quyết cơ bản vấn đề này, sao là lành mạnh được?"
Ông cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa ở "mức độ toàn dụng lao động cao” bởi toàn dụng nhưng nhiều lao động không đủ việc làm tính theo thời gian lao động, đặc biệt số lao động đã được đào tạo còn thất nghiệp nhiều thì không nên coi là thành tích.
“Chúng ta bị cuốn vào đối phó với khó khăn gay gắt trước mắt, cố đạt cho được thành tích tăng trưởng tiếp tục theo chiều rộng mà cũng không được chứ không thật sự lo đến chất lượng tăng trưởng trên cơ sở tái cơ cấu. Đề án cũng cần nêu rõ mục tiêu trong 5 năm tới phải hoàn thành về cơ bản việc tái cơ cấu để bắt đầu thật sự chuyển sang mô hình tăng trưởng mới. Về nợ công, không chỉ đưa xuống mức dưới 62% GDP mà còn phải bảo đảm vững chắc khả năng trả nợ đến hạn không dựa vào bội chi ngân sách”, ông đề xuất thêm.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Đề án, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý rằng: Trong tái cơ cấu, cần phải tránh tình trạng “cầm tay chỉ việc”, tức là nếu Nhà nước không nói, không ra lệnh, thì không ai biết phải tái cơ cấu thế nào.
“Việt Nam vẫn loay hoay trong mô hình, tư tưởng phát triển cũ. Người ta quen thói cầm tay chỉ việc rồi. Công chức trong một bộ quen được nói cho phải làm gì, chứ ít năng động, sáng tạo. Nhiều người nói rằng, cán bộ, công chức nhũng nhiễu, cần phải có phong bì. Nhưng có những trường hợp không phải vì cái phong bì, mà là không biết làm thế nào cả. Điều này cũng là do những người đứng đầu cũng quen thói cầm tay chỉ việc”, ông nói.
TS Bá cũng lưu ý: “Nhiều người lấy tái cơ cấu để không thực hiện những định hướng đúng, đồng thời cũng nhiều người dựa vào cái cớ “ổn định” để không thực hiện tái cơ cấu”.
Ngoài ra, ông Bá cũng cho rằng: “Tái cơ cấu, cần phải chấp nhận trả giá. Doanh nghiệp phải đóng cửa, Formosa gây thiệt hại 4 tỉnh miền Trung, Boxit Tây Nguyên không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro, có dám đóng cửa không? DNNN làm ăn không hiệu quả, có dám đóng cửa không? Đóng cửa thì thất thu ngân sách, người lao động mất việc. Có dám trả giá không? Nếu không dám chấp nhận thì chắc là khó tái cơ cấu".