Đề xuất xem xét giãn quy định xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu
Tại Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/12, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng trong nhiều vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì rào cản lớn nhất hiện tại chính là hình thức phát hành.
Ông cho biết theo thống kê sơ bộ cho thấy rằng, hiện nay 90% TPDN là phát hành riêng lẻ và chỉ có 10% phát hành ra công chúng. Trong khi đó, phát hành riêng lẻ thì quy trình thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, phát hành chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây là một cấu trúc mất cân đối.
Trên thực tế, thông tin không minh bạch chủ yếu ở 3 nhóm TPDN phát hành riêng lẻ, là nguyên nhân của nhiều vụ việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn phi pháp, thậm chí bị xử lý hình sự (như vụ Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC,...), làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhà đầu tư với thị trường.
Chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng, các bên tham gia thị trường và nhà đầu tư cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách.
Ví dụ hiện nay Nghị định số 08 chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới chúng ta sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65 của Chính phủ thì các điều kiện đã được cho phép như giãn hoãn sẽ được áp dụng như thế nào.
"Cá nhân tôi cho rằng chúng ta quay trở lại Nghị định số 65 nhưng có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển. Ví dụ Nghị định 08 sửa đổi 3 điều kiện, trong đó thời gian chào bán là không có vấn đề gì, vẫn 60 ngày; nhưng quan trọng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cân nhắc thời gian tới nên như thế nào", ông Lực nêu quan điểm.
Theo ông, các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tiếp tục áp dụng theo Nghị định số 65 nhưng việc xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp với đơn vị phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn do số lượng tổ chức xếp hạng còn ít (3 tổ chức) và thói quen sử dụng dịch vụ chưa hình thành.
Ông cho rằng cần phải phân nhóm xem nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, thứ hai là họ được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi NHNN.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra nhiều nhóm giải pháp nhằm khắc phục những rào cản, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường TPDN như đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường TPDN; đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu, đơn giản hoá quy trình phát hành ra công chúng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Ông cho hay, hiện nay nhà đầu tư tổ chức rõ ràng chưa có nhiều. Do đó, cần thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. "Quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… là cách chúng ta thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư", ông nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần rà soát ngay Nghị định 08, cái gì sẽ tiếp tục áp dụng và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng Nghị định 65.
"Việc này hết sức cần thiết và phải làm khẩn trương. Công việc thì như vậy, nhưng phải có nguyên tắc nữa. Đó là vẫn phải tạo thuận lợi cho thị trường phát triển trong năm 2024", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông, riêng đối với tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoạt động trái phiếu chuyên nghiệp, cần cân nhắc thêm là có thể phân loại trái phiếu sắp tới đây sẽ phát hành mới với chuẩn mới của nhà đầu tư theo Nghị định 65 chẳng hạn.
Với những trái phiếu đã phát hành dựa trên chuẩn cũ của Nghị định 153, bây giờ nếu lại áp chuẩn mới vào cho những trái phiếu đã phát hành thì có thể đâu đó sẽ có ảnh hưởng đến việc thanh khoản của những trái phiếu này.
"Chúng ta xem xét Nghị định 08 trong bối cảnh phù hợp với thực tế Việt Nam, đồng thời cũng phải tính đến tương lai tăng trưởng sắp tới của thị trường trái phiếu, gọi là bền vững, xanh, minh bạch, an toàn", ông Hiếu nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/