|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trước xu hướng hạn chế rác thải nhựa, ngành nhựa kì vọng duy trì sản lượng tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong 2019 – 2023

11:59 | 26/09/2019
Chia sẻ
Mặc dù bước vào giai đoạn chững lại nhưng ngành nhựa Việt Nam có thể duy trì sản lượng với đà tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023.

Sản phẩm nhựa có thể đạt 8,9 triệu tấn trong 2019

Theo báo cáo của tổ chức Business Monitor International (BMI), sản lượng sản xuất sản phẩm nhựa năm 2019 được dự báo ở mức 8,9 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2018. Sau đó, tốc độ tăng trưởng này được kì vọng duy trì trung bình 6,5%/năm trong 2019-2023.

BMI cho rằng, tăng trưởng thu nhập và chi tiêu hộ gia đình được dự báo ở mức trung bình khoảng 7,1% giai đoạn 2019 – 2022.

Trong đó, tăng trưởng chi tiêu cho hai mảng thực phẩm và đồ uống không cồn lần lượt ở mức 11,8% và 1 %. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho mảng nhựa bao bì.

Cũng trong giai đoạn 2019 – 2022, xây dựng nhà ở và xây dựng hạ tầng nước được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 6,7% và 7,3% một năm sẽ tạo động lực tăng trưởng cho mảng nhựa xây dựng.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam trong ngắn hạn cùng với đó là chính sách tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của chính phủ sẽ tạo cơ hội phát triển cho mảng nhựa kỹ thuật trong tương lai.

Tuy nhiên, xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường cũng là một thách thức đối với ngành nhựa Việt Nam khi trong cơ cấu xuất khẩu của ngành, các sản phẩm bao bì truyền thống không thân thiện với môi trường chiếm tỉ trọng tương đối lớn.

Nguyên liệu nhựa sẽ đáp ứng 41% nhu cầu trong nước vào 2021?

Về tình hình sản xuất nguyên liệu nhập khẩu, theo báo cáo phân tích tháng 8 của Chứng khoán FPT (FPTS), năng lực sản xuất trong nước được cải thiện giúp đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp hạ nguồn ngành nhựa.

Cụ thể, trong năm 2018, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động với công suất thiết kế 370.000 tấn PP/năm giúp công suất thiết kế sản phẩm PP của Việt Năm tăng 246% và đáp ứng khoảng 50% nhu cầu PP trong nước.

Cũng trong năm này, có hai dự án hóa dầu lớn được chính phủ phê duyệt và bước vào quá trình xây dựng đó là dự án hóa dầu Long Sơn và dự án hóa dầu HyoSung với sản phẩm chủ yếu vẫn là PP.

Sau khi hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2020, sản lượng nguyên liệu nhựa được vọng sẽ đáp ứng được 41% nhu cầu nguyên liệu nhựa trong nước năm 2021.

Đối với giá nguyên liệu, theo FPTS, trong ngắn hạn, hai loại nguyên liệu là PE, và PP sẽ duy trì xu hướng giảm nhẹ do giá dầu vẫn duy trì ở mức tương đối thấp so với trung bình năm 2018, các dự án hóa dầu trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu đi vào hoạt động dẫn đến tình trạng dư thừa công suất trong ngắn hạn.

Giá PE trong quí II và quí III năm 2019 được dự báo ở mức trung bình khoảng 1.033 USD/tấn, giảm nhẹ 1,2% so với nửa đầu năm 2019 và giảm 10,9% so với cùng kì năm 2018.

Tương tự như PE, giá PP trung bình trong nửa cuối năm 2019 được dự báo ở mức 1.115 USD/tấn, giảm nhẹ 1,2% so với nửa đầu năm và giảm 9,8% so với cùng .

Đối với PVC, giá bán tại khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng giảm trong quí II do nhu cầu tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc giảm nhẹ và thị trường Ấn Độ thay đổi chính sách thuế chống bán phá giá gây khó khăn việc xuất khẩu vào thị trường này.

Tuy nhiên trong nửa cuối năm 2019, giá PVC được kì vọng sẽ ở mức 870 USD/tấn, tăng nhẹ 0,5% so với đầu năm và giảm 3,2% so với cùng do nhu cầu xây dựng tại Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm.

Trong trung hạn, giá các loại nguyên liệu nhựa dự báo sẽ ổn định hơn do sản lượng sản xuất các loại nguyên liệu nhựa đã gần như tối đa công suất thiết kế (trên 80%).

Đồng thời, cung cầu các loại nguyên liệu nhựa trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn cân bằng.

nhua-3

Theo dự báo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA), giá dầu thô Brent trong năm 2020 sẽ ở mức trung bình 67,4 USD/thùng giảm nhẹ 0,38% so với năm 2019. Giá các loại nguyên liệu nhựa PE, PP và PVC có thể ở mức lần lượt 1.039 USD/tấn, 1.035 USD/tấn và 864 USD/tấn trung bình năm 2020, giảm nhẹ so với năm 2019.

Doanh nghiệp ngành nhựa đang kinh doanh ra sao?

Mặc dù đang trong giai đoạn suy thoái nhưng tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa vẫn khá tích cực.

Theo thống kê của FPTS, nhìn chung các doanh nghiệp mảng nhựa xây dựng có biên lợi nhuận gộp trung bình khoảng 19% cao hơn nhiều so với mức trung bình chỉ khoảng 9% của các doanh nghiệp mảng nhựa bao bì.

nhua-s

Tuy chi phí bán hàng chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu, nhưng tỉ suất lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp nhựa xây dựng niêm yết vẫn lớn hơn so với các doanh nghiệp nhựa bao bì.

Nguyên nhân là sản phẩm nhựa xây dựng có giá trị gia tăng cao hơn và có khả năng xây dựng thương hiệu so với các sản phẩm nhựa bao bì.

Trong số các doanh nghiệp niêm yết của ngành nhựa, Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP) và Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) vẫn là hai doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận sau thuế vượt trội so với ngành lần lượt ở mức 7% và 11% năm 2018.

Về hiệu quả sử dụng vốn, tỉ suất mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của các doanh nghiệp ngành nhựa niêm yết có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016 – 2018 do tác động tiêu cực từ giá nguyên liệu nhựa trên thị trường thế giới khiến cho tỉ suất lợi nhuận của toàn ngành bị suy giảm.

Riêng các doanh nghiệp mảng nhựa xây dựng niêm yết có ROE và ROA trung bình cao hơn các doanh nghiệp mảng nhựa bao bì do tỉ suất lợi nhuận của mảng nhựa xây dựng cao hơn mảng nhựa bao bì.

nhua-2

Trong số các doanh nghiệp ngành nhựa niêm yết, Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp có hiệu quả sử dụng vốn tốt nhất với ROA và ROE năm 2018 lần lượt ở mức 15% và 17%.

Đối với mảng nhựa bao bì, Nhựa bao bì Vinh (Mã: VBC) có mức ROE rất cao lên đến 26%. Nguyên nhân là doanh nghiệp này sử dụng đòn bẩy tài chính cao lên đến 3,3 lần trong năm 2018.

TH