Trước thềm lệnh cấm của EU, Nga tăng nguồn cung còn OPEC+ cân nhắc giảm thêm sản lượng
Nga đẩy mạnh việc bơm dầu
Hồi đầu tháng 10, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã quyết định hạ sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 11, phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ về việc bơm thêm dầu ra thị trường để giữ giá ổn định cho người tiêu dùng.
Động thái trên của OPEC+ diễn ra tại thời điểm các nước thành viên cảm thấy họ cần phải giảm sản lượng để củng cố thị trường trước nguy cơ nhu cầu sụt giảm trong khoảng cuối năm.
Một tháng sau, kết quả cho thấy OPEC quả thực đã siết nguồn cung dầu thô. Theo khảo sát của Reuters, sản lượng của OPEC trong tháng 11 đạt 29,01 triệu bpd, thấp hơn khoảng 710.000 bpd so với tháng 10.
Phần lớn mức giảm đến từ Arab Saudi. Theo Reuters, trong tháng 11, đại gia dầu mỏ Trung Đông này đã giảm sản lượng khoảng 500.000 bpd so với tháng trước.
Tuy nhiên, dữ liệu của Reuters không bao gồm Nga cũng như bất kỳ nhà sản xuất nào nằm ngoài 13 nước thành viên OPEC.
Đi ngược lại với dự đoán của các nhà phân tích, Nga đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong tháng 11, dữ liệu chính thức của nước này cũng như của công ty tư vấn năng lượng Kpler chỉ ra.
Ông Viktor Katona, nhà phân tích năng lượng tại Kpler, xác nhận rằng “các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga đã và đang đi ngược lại với kỳ vọng của thị trường, bởi họ thực chất đã tăng sản lượng”.
Chỉ còn hai ngày nữa là Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức cấm nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển.
Trước lệnh trừng phạt mới của EU, Nga đã khai thác 10,9 triệu bpd trong tháng 11 và đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật bản.
Dù mức tiêu thụ của Trung Quốc trong tháng qua khá kém, dữ liệu của Refinitiv cho thấy châu Á đã nhập khẩu kỷ lục 29,1 triệu bpd dầu thô trong tháng 11, cao hơn con số 25,6 triệu bpd của tháng 10 và 26,6 triệu bpd của tháng 9.
Tuy các nước châu Á chưa tham gia kế hoạch áp trần giá dầu của G7, bất ổn xoay quanh nguồn cung của Nga trong tương lai, cùng với các vấn đề liên quan đến bảo hiểm và vận chuyển, đã khiến các nhà nhập khẩu tại khu vực này lo ngại.
Từ khoá “bất ổn”
Theo oilprice.com, bất ổn chính là từ khoá của thị trường năng lượng tháng 12. Giữa lúc lệnh cấm vận của EU sắp có hiệu lực, OPEC+ được cho là đang cân nhắc hạ sản lượng.
Ngoài ra, trong bối cảnh phương Tây đang xúc tiến kế hoạch áp trần giá đối với dầu thô và khí đốt của Nga, nguồn cung trên thị trường thậm chí còn trở nên khó đoán hơn.
Trong ngày 4/12, các phái đoàn OPEC+ sẽ nhóm họp. Giới chuyên gia dự đoán liên minh dầu mỏ sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản xuất và cuộc họp có thể kích thích giá dầu đi lên.
Khoảng một tuần trước cuộc họp, nguồn thạo tin của Reuters cho biết họ dự đoán OPEC+ sẽ không thực hiện thêm động thái nào nhằm hỗ trợ giá dầu trong khi EU đang thảo luận về mức trần giá đối với sản phẩm dầu thô của Nga.
Song, hai ngày trước cuộc họp, ngày càng nhiều chuyên gia và nhà phân tích cho rằng OPEC+ sẽ hạ sản lượng lần nữa để phản ứng với nhu cầu suy yếu tại thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ với CNBC, ông Jeff Currie, trưởng bộ phận phân tích hàng hoá tại Goldman Sachs, nói OPEC+ đã dự đoán chính xác về việc nhu cầu đi xuống trong tháng 11.
Theo ông, nhóm này sẽ thảo luận về vấn đề nhu cầu của Trung Quốc tại cuộc họp tới. “Có khả năng cao là OPEC+ sẽ hạ sản lượng”, vị chuyên gia dự đoán.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới PVM Oil Associates cho rằng việc giá dầu tụt xuống dưới 90 USD/thùng là “không thể chấp nhận được” đối với OPEC+. Ngoài ra, các biện pháp trả đũa của Nga cũng có thể giúp giá dầu bật tăng trong tháng 12.
Mặc dù các chuyên gia ngày càng khó dự đoán chính xác diễn biến của giá dầu vào đầu năm 2023, gần như chắc chắn rằng thị trường vẫn sẽ bị siết chặt ở đầu cung, ngay cả khi dầu của Nga tiếp tục được chuyển đến tay người tiêu dùng.