|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc của J&T Express: Công suất 2,4 triệu bưu kiện/ngày, nghìn ‘mắt thần’ phân loại hàng trong 3 phút

14:37 | 09/01/2025
Chia sẻ
Một trong những trung tâm phân loại hàng hoá lớn nhất của J&T Express có độ tự động hoá lên tới 99,99%.

Sáng 9/1 tại Hà Nội, J&T Express khai trương trung tâm trung chuyển lớn nhất miền Bắc. Trung tâm đặt tại Mê Linh (Hà Nội) - nơi được đánh giá là có vị trí chiến lược để giao nhận hàng hoá cho thành phố và các tỉnh thành phía Bắc.

Với diện tích 38.000 m2, 23 cổng hàng vào và 150 cổng hàng ra, trung tâm có hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hàng hóa có các lớp kiểm soát bằng hệ thống máy DWS tích hợp kiểm tra tự động quét mã vạch, cân nặng và kiểm tra kích thước, đảm bảo khả năng tối ưu cho lượng hàng hóa lớn, đặc biệt trong các dịp cao điểm.

DWS - viết tắt của Dimension Weight Scanning Machine, được coi là “mắt thần” trong lĩnh vực logistics. Đây là hệ thống tự động đo kích thước, cân và đọc mã vạch giúp tự động hóa các quy trình phân loại hàng hóa, giảm can thiệp thủ công của con người.

Hệ thống phân loại tự động trong trung tâm J&T Express. (Ảnh: Quỳnh Tạ).

Trung tâm được trang bị các thiết bị chuyên dụng e-logistic như: Hệ thống ma trận phân loại hàng tự động, hàng vào cho tới khi hàng ra mất khoảng 3-5 phút cho một kiện hàng rời phân loại qua DWS.

Hệ thống crossbelt giúp phân loại kiện hàng nhỏ tự động giúp phân loại hàng hóa chuẩn xác tới 99%. Hệ thống máy nạp liệu khu vực Crossbelt giúp hiệu suất nạp liệu kiện nhỏ lên đến 99.000đơn/giờ…

Phía doanh nghiệp cho biết các công nghệ được trang bị ngoài giúp tăng tốc độ xử lý hàng hóa còn giảm thiểu sai sót, nâng cao độ chính xác trong giao nhận. Điều này giúp họ đáp ứng nhu cầu hiện tại và sẵn sàng cho sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử trong tương lai. 

“Một trong những điểm đặc biệt nhất của trung tâm trung chuyển Hà Nội là được thiết kế, xây dựng và vận hành hoàn toàn từ công ty của tập đoàn J&T Global”, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express, nói.

Bằng việc ra mắt trung tâm này, hãng cho biết sẽ mở rộng các dịch vụ mới, như giao hàng trong ngày và giao hàng theo yêu cầu. 

Theo báo cáo mới nhất do Bộ Công Thương công bố, dự kiến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, nhận định: "Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.

J&T Express vào Việt Nam từ năm 2018, là đối tác của Shopee, Lazada, Tiki,... (Ảnh: Đức Huy).

Về J&T Express, đây là một công ty logistics có trụ sở tại Indonesia, được thành lập từ 2015. Ngoài Indonesia, J&T Express hoạt động tại 13 thị trường, chủ yếu gồm: Việt Nam, Malaysia, Brazil, Ả Rập Saudi và Trung Quốc. Đối tượng khách hàng chính của công ty là các đơn vị kinh doanh thương mại và người dùng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Taobao và Shein. 

Trong bản cáo bạch công bố năm 2023, J&T Express cho biết tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của họ là 118% trong giai đoạn 2020 - 2022. Ngoài ra, họ cũng thu hẹp khoản lỗ EBITDA (trước lãi vay, thuế và khấu hao) xuống 36% trong quý III/2023.

Trước đó, công ty có kế hoạch IPO ở Mỹ nhưng sau đó chuyển hướng sang thị trường Hong Kong vào tháng 10/2023. J&T Express đã huy động được hơn 451 triệu USD từ đợt IPO này, phát hành cổ phiếu với giá 12 USD Hong Kong.

Nguồn vốn được dùng để mở rộng mạng lưới, cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có, tăng cường khả năng phân loại và kho bãi. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ thâm nhập các thị trường mới và đầu tư nhiều hơn vào hoạt động R&D.

J&T Express được định giá 20 tỷ USD trong vòng huy động vốn vào năm 2021. Ở thời điểm đó, công ty đã gọi được 2,5 tỷ USD từ một số tên tuổi lớn như Sequoia China, Tencent và SIG China.

Tại Việt Nam, J&T Express gia nhập thị trường từ tháng 7/2018. Tháng 5/2022, công ty khánh thành trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn nhất Việt Nam có diện tích tới 60.000 m2 tại phía Nam. Thời điểm đó, trung tâm này có công suất gần 4 triệu bưu kiện/ngày, giảm gần 50% nhân lực trong khi tự hành lên tới 99,99%. 

Đức Huy