|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc vất vả thuyết phục người tiêu dùng chọn thanh toán bằng đồng nhân dân tệ số (e-CNY)

07:00 | 06/03/2023
Chia sẻ
Đi trước ngân hàng trung ương tất cả các quốc gia khác tối thiểu 2 năm trong việc triển khai CBDC, đến nay Trung Quốc vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tăng lượng người dùng đồng tiền pháp định số của riêng mình.

Khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) triển khai thử nghiệm đồng nhân dân tệ số (e-CNY) vào cuối năm 2019, PBOC lựa chọn các thành phố dựa trên một số yếu tố như tốc độ phát triển, chiến lược mở rộng khu vực và đặc điểm kinh tế - công nghiệp theo từng địa điểm.

Tô Châu, thành phố đông dân nhất ở phía đông tỉnh Giang Tô, phù hợp với mọi tiêu chí lựa chọn, tương tự các địa điểm thử nghiệm ban đầu khác như Thâm Quyến, Hùng An và Thành Đô. Với nền kinh tế dựa trên lĩnh vực sản xuất quy mô lớn, Tô Châu có các khu vực phát triển nổi tiếng, hạ tầng giao thông rộng khắp và nhiều chính sách kinh doanh thân thiện. Tất cả từng khiến nó trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu của Trung Quốc.

 PBOC nói e-CNY không được thiết kế để thay thế các giải pháp như Alipay hay WeChat Pay. (Ảnh: SCMP).

Trở lại thời điểm hiện tại, tình hình đón nhận đồng e-CNY ở Tô Châu, tương tự các thành phố thử nghiệm khác, dường như đã chậm lại cùng nền kinh tế Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.

Khi SCMP đến thăm Trung tâm Thương mại Tô Châu, một trong những điểm mua sắm nổi tiếng nhất tại Tô Châu, họ nhận thấy sự đón nhận thờ ơ dành cho e-CNY trong khi đó các phương tiện thanh toán số khác lại được sử dụng rộng rãi hơn. Dù vậy, điều này không ngăn cản chính quyền địa phương đặt ra một mục tiêu sau đại dịch táo bạo trong năm nay.

Tương tự các cửa hàng trên cả nước, các cửa hàng trong trung tâm thương mại này chấp nhận thanh toán qua Alipay (Alibaba) và WeChat Pay (Tencent). Một số cửa hàng dán hình ảnh tại quầy thu ngân cho thấy họ cũng chấp nhận e-CNY.

AliPay và WeChat Pay đều có hàng trăm triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở Trung Quốc đại lục. Các siêu ứng dụng này cung cấp rất nhiều dịch vụ. Chúng tiện dụng đến mức khiến người dùng không còn muốn tương tác với các nền tảng khác. Trong khi đó, đồng e-CNY đã trở thành thứ quà tặng một lần không mang đến cho người dùng cả sự tiện lợi lẫn một lý do đủ thuyết phục để trở thành một người dùng thường xuyên.

Trung Quốc triển khai dự án tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) sớm hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới khoảng 2 năm. Một nghiên cứu vào năm 2021 của Ngân hàng Thanh tóan Quốc tế (BIS) cho thấy 85% trong số 65 ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đang nghiên cứu tiềm năng của CBDC. Cũng theo nghiên cứu này, 1/5 dân số thế giới có thể sẽ sớm thấy một đồng tiền pháp định số trong vòng 3 năm tới.

Chia sẻ với SCMP, nhân viên tại một cửa hàng đồ uống tại trung tâm thương mại Tô Châu có tên Wang nói rằng cô chưa gặp một ai muốn thanh toán bằng e-CNY tại cửa hàng kể từ khi cửa hàng bắt đầu chấp nhận phương thức thanh toán này vào năm ngoái.

Dù vậy, một số của hàng vẫn đang xử lý các khoản thanh toán bằng e-CNY. Meng Tao, nhân viên tại một cửa hàng khác, nói rằng tần suất một khách hàng dùng e-CNY là vào khoảng “một lần mỗi tháng”.

Sự đón nhận e-CNY ảm đạm tại trung tâm thương mại này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu tham vọng của Tô Châu trong năm nay. Chính quyền địa phương kỳ vọng tổng khối lượng giao dịch bằng e-CNY ở thành phố sẽ chạm mốc 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (291 tỷ USD) vào cuối năm 2023, tăng mạnh từ khố lượng 340 tỷ nhân dân tệ của năm 2022. Mục tiêu này cũng tiệm cận bằng tổng GDP của thành phố trong năm 2022 (2,4 nghìn tỷ nhân dân tệ).

Tô Châu đang có 30,5 triệu ví e-CNY cá nhân cùng với đó là hơn 900.000 điểm sử dụng e-CNY và hơn nửa triệu đơn vị bán hàng chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền này tính đến thời điểm cuối năm 2022. Chính quyền địa phương cũng đã dùng hơn 40 tỷ giá trị e-CNY nằm trong kế hoạch chi tài chính thường niên của thành phố, bao gồm các mục đích như chi lương, thanh toán thuế và hỗ trợ cho vay nhà ở.

 Tình hình đón nhận e-CNY ở Trung Quốc. (Nguồn: PBOC, SCMP, Việt hoá: Thái Sơn).

Tô Châu cũng thúc đẩy sử dụng e-CNY qua nhiều chương trình khác nhau, bất chấp những rào cản do COVID-19. Ví dụ, trong dịch Tết âm lịch năm 2021, Tô Châu đã phát hơn 250.000 bao lì xì e-CNY trị giá 50 triệu nhân dân tệ.

Charlotte He, một công dân Tô Châu 27 tuổi, cho biết cô rất hào hứng khi được chọn là một trong những người sẽ nhận được lì xì e-CNY. Cô nhớ đã dùng 200 nhân dân tệ tại một siêu thị địa phương sau khi nhận được lì xì. Dù vậy, đây là trải nghiệm sử dụng e-CNY duy nhất của He trong suốt 3 năm qua.

He cảm thấy việc dùng e-CNY mang lại cảm giác an toàn hơn vì nó được nhà nước phát triển, thay vì các giải pháp thanh toán của các công ty tư nhân như Alibaba hay Tencent. Dù vậy, cô cho rằng e-CNY vẫn không phải cách thanh toán được yêu thích vì không được các nhà bán hàng địa phương hỗ trợ nhiều.

Các phản hồi từ He, cùng nhiều nhà bán hàng hay người dùng khác, không khiến giới chức Tô Châu nản lòng trong việc tìm thêm nhiều cách thức đẩy e-CNY. Tháng 6/2021, Tô Châu kích hoạt chấp nhận e-CNY tại một trong những hệ thống metro của thành phố. Dự án này sau đó được mở rộng ra toàn bộ 5 hệ thống metro của Tô Châu.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), chi nhánh Tô Châu bắt đầu chiến dịch thuyết phục các khách hàng doanh nghiệp mở tài khoản e-CNY để thanh toán điện tử nhanh và an toàn hơn, theo một nhân viên ngân hàng có tên Zhu, tiết lộ.

Dù vậy, dự án này không được đón nhận tích cực. Zhu cho biết dưới 10% doanh nghiệp tại địa phương mở tài khoản e-CNY. Zhu cho rằng nếu CCB đưa ra nhiều ưu đãi hơn, ví dụ lãi vay thấp hơn, doanh nghiệp có thể quan tâm hơn đến e-CNY.

Ở thời điểm hiện tại, các đối tượng đã mở tài khoản e-CNY chủ yếu là các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp quốc doanh và các tổ chức công ở Tô Châu, theo một lãnh đạo tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc, chi nhánh Tô Châu. Người này cho rằng doanh nghiệp chưa quan tâm đến e-CNY vì hệ sinh thái chưa được phát triển đầy đủ. Thực tế này khiến việc đón nhận e-CNY không khác gì một “nhiệm vụ chính trị”.

PBOC bắt đầu nghiên cứu phát triển tiền pháp định số từ năm 2014 và công bố một phiên bản dùng thử đầu tiền vào năm 2016. Một năm sau đó, PBOC được bật “đèn xanh” để làm việc với các ngân hàng thương mại, các nhà mạng và các công ty internet lớn để phát triển và thử nghiệm CBDC. Bắt đầu thử nghiệm tại 4 thành phố vào năm 2019, đến nay, e-CNY đã được mở rộng ra 26 thành phố. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đưa tiền nhân dân tệ số trong tổng số tiền mặt trong lưu thông tại quốc gia này. Dù vậy, kế hoạch chính thức triển khai e-CNY vẫn chưa được công bố.

Việc triển khai e-CNY đại trà chưa thể thực hiện được ngay vì các vấn đề liên quan đến sửa đổi luật và quy định, theo SCMP. PBOC đang tìm cách xây dựng các biện pháp quản lý có liên quan để tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời cải thiện các quy tắc và vấn đề kỹ thuật của e-CNY.

PBOC cũng nhiều lần nhấn mạnh e-CNY được phát triển để thay thế tiền giấy chứ không phải để thay thế các dịch vụ thanh toán số hiện tại như Alipay và WeChat Pay. Cuối năm ngoái, Alipay bắt đầu chấp nhận e-CNY như một cách để thanh toán nhanh đối với người dùng Taobao Marketplace và Tmall.

“Tôi cho rằng viện e-CNY không được đón nhận nhiều là điều tự nhiên”, Wang Pengbo, một nhà phân tích tài chính tại Botong Analysis, nhận định. “Rất khó để có được tần suất giao dịch lớn vì người dùng đã chọn các phương thức thanh toán khác”, ông nói.

“Sau khi quảng bá e-CNY bằng cách hình thức khuyến mại và lì xì, bước tiếp theo của giai đoạn thử nghiệm là khiến cả người dùng và doanh nghiệp dùng e-CNY tự nguyện”, ông Wang chia sẻ.

Mặc dù có những khó khăn kinh tế, một số người vẫn cho rằng Tô Châu có thể tăng lượng người dùng e-CNY và đạt đến mục tiêu 2 nghìn tỷ nhân dân tệ giá trị giao dịch trong năm nau.

“Miễn là chính phủ thúc đẩy đủ mạnh, việc đạt mục tiêu không phải không thể. Nhưng với người dùng, điều này có thể không đến sự khác biệt”, ông Zhu của CCB, nói.

Michelle Feng, một công chức tại Tô Châu, nói rằng cô được yêu cầu mở ví e-CNY vào tháng 10 năm ngoái. Cô nhận hơn 10.000 e-CNY mỗi tháng nhưng chưa dùng nó để thanh toán.

Mỗi lần nhận được tiền, Feng chuyển nó đến tài khoản ngân hàng và thanh toán bằng Alipay và WeChat Pay. “Vì sao tôi nên tải về một ứng dụng khác và dùng e-CNY trong khi tôi đã dùng Alupay và WeChat Pay suốt nhiều năm?”, cô nói.

Nam Khánh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.