|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc và những chính sách quan trọng vực dậy nền kinh tế

06:44 | 28/05/2017
Chia sẻ
Trung Quốc đang trong tiến trình kiểm soát ngành tài chính, nâng giá đồng nhân dân tệ, và hướng tới mục tiêu trở thành đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu sau khi chính quyền Washington cho thấy ý định sẽ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại. 
trung quoc va nhung chinh sach vuc day nen kinh te lon thu hai the gioi

Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra từ một thập kỷ trước, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách để khôi phục nền kinh tế và vực dậy vị trí của mình trên trường quốc tế. Với việc chính quyền mới của Mỹ ủng hộ chính sách bảo hộ thương mại, các chuyên gia kinh tế học nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoàn toàn có khả năng vượt qua Mỹ, đảm nhận vị trí lãnh đạo kinh tế toàn cầu.

Khôi phục nền kinh tế trong nước

Sau khi nền kinh tế thoát khỏi áp lực của sự suy yếu, các chính sách của Trung Quốc tập trung vào duy trì sự ổn định trong khi tiếp tục tiến hành cải cách cơ cấu.

Thắt chặt kiểm soát, không để dòng vốn chảy ra ngoài biên giới Trung Quốc

Năm 2012, chính phủ Trung Quốc tiến hành tự do hóa các giao dịch thanh toán vãng lai trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ nhằm hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các nước.

Tuy nhiên, chính sách này đã khiến dòng vốn ở Trung Quốc bắt đầu chảy ra nước ngoài biên giới vì các doanh nghiệp nội địa có thể tạo ra các hóa đơn thương mại giả, cho phép họ chuyển tiền tới bất kỳ đâu mà họ muốn để mua tài sản ở nước ngoài. Theo Bloomberg, năm 2016, số tiền ngầm chảy khỏi biên giới Trung Quốc đạt 526 tỷ USD.

Để đẩy giá đồng nhân dân tệ và kiềm chế nguồn vốn chảy ra ngoài nội địa, các quan chức về ngoại hối của Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp khuyến khích công ty nội địa đầu tư trong nước hoặc mang tiền từ nước ngoài trở về.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đưa thêm một quy định kiểm soát mới với đồng nhân dân tệ, bao gồm cấm sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ để thanh toán cho các sản phẩm bảo hiểm ở Hồng Kông. Sau đó, các nhà hoạch định áp thêm một quy định yêu cầu các khoản giao dịch tài khoản vốn quốc tế với giá trị hơn 5 triệu USD sẽ cần được Cục Quản lý ngoại hối thông qua trước khi được tiến hành.

Tuy nhiên, chính sách này cũng khiến kiềm hãm nguồn vốn từ bên ngoài chảy vào nội địa Trung Quốc. Quy định mới nhất của Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải bổ sung thêm tài liệu nếu muốn chuyển lợi nhuận trên 50.000 USD từ nguồn đầu tư trực tiếp trở về quốc gia của họ.

Sử dụng tỷ giá ấn định hàng ngày để ngăn chặn khủng hoảng tài chính

Hiện tại, Trung Quốc sử dụng tỷ giá ấn định hàng ngày (điều chỉnh giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD) để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của thị trường tài chính.

Theo Bloomberg, mức tỷ giá ấn định hàng ngày của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tăng nhiều hơn mức dự báo của 4 ngân hàng thường xuyên theo dõi biến động của chỉ số này trong 24/32 ngày giao dịch.

Việc điều chỉnh tăng tỷ giá ấn định hàng ngày giúp chính quyền Bắc kinh có thể đối phó với tình trạng đầu cơ và tăng cường kiểm soát đối với ngành ngân hàng. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ cũng củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, khi giá trị đồng tiền vẫn ổn định dù lợi suất trái phiếu tăng và thị trường chứng khoán suy giảm.

Ông Khoon Goh, giám đốc nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ (Singapore) cho biết việc tăng sức mạnh của đồng nhân dân tệ so với đồng USD giúp chặn trước áp lực trong bối cảnh cố phiếu và trái phiếu đảo chiều. “Các nhà chức trách có thể muốn đảm bảo dòng vốn chạy khỏi biên giới Trung Quốc không tăng lên, và giữ ổn định cho đồng nhân dân tệ là một cách để đảm bảo điều này”, ông nói.

Theo chuyên gia phân tích chiến lược tiền tệ Ken Cheung của Mizuho (trụ sở tại Hồng Kông), chính sách tỷ giá ấn định mạnh mẽ hơn giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường trái phiếu nội địa. Các quỹ nước ngoài cũng sẽ được tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận với thị trường nợ của Trung Quốc thông qua Hồng Kông.

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh còn tiến hành cải cách về nông nghiệp, sản xuất, và lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước để chuyển đổi nền kinh tế sản xuất truyền thống sang dịch vụ.

Định vị lại vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

“Một vành đai, Một con đường” (OBOR)

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn định hình lại thương mại thế giới thông qua dự án “Một vành đai, một con đường” (OBOR) trị giá hàng trăm triệu USD, qua đó làm tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Chính sách “Vành đai, Con đường” được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên vào năm 2013 với mục đích kết nối châu Á, châu Âu, vùng Trung Đông và châu Phi để thúc đẩy trao đổi thương mại và phát triển giữa các quốc gia. Dự án sau đó trở thành một trong ba chiến lược quốc gia quan trọng nhất của Trung Quốc, và được chuyển thành kế hoạch 5 năm như hiện tại.

Dự án có sự tham gia của 65 quốc gia chiếm 1/3 trong tổng GDP toàn cầu và 60% dân số thế giới. Bên cạnh đó, “Vành đai, Con đường” cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Trung Quốc nhờ nhu cầu nước ngoài tăng lên, và có thể giải quyết sự dư thừa nguồn lực ở ngành công nghiệp nặng của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Phát biểu tại hội nghị “Vành đai, Con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 13 – 14/5, chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư, tiếp tục rót thêm 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14,5 tỷ USD) vào dự án “Con đường tơ lụa” này.

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)

Được thành lập dựa trên ý tưởng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (cùng thời điểm với “Vành đai, Con đường), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập vào cuối năm 2015 với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ USD và sau đó nâng lên 100 tỷ USD.

Dự án này nhận được sử ủng hộ của 37 nước trong khu vực và 20 nước ngoài khu vực, với 51 quốc gia trong số đó đã ký Điều khoản Thỏa thuận để hình thành cơ sở pháp lý cho ngân hàng. Theo Forbes, Trung Quốc đã đạt được lợi ích kinh tế nhờ sử dụng quyền lực mềm, trong khi nhận được sự chấp thuận từ thế giới nhiều hơn thông qua AIIB.

Mục tiêu thành lập ngân hàng AIIB là hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ sau khi đi vào hoạt động, tổ chức tín dụng mới thành lập đã cấp tín dụng trị giá hơn 1,7 tỷ USD cho các dự án trong năm 2016. AIIB cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy chính sách OBOR.

Lyly Cao

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.