|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc trước nguy cơ vỡ bong bóng xe hơi chạy điện

21:05 | 15/04/2019
Chia sẻ
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ sang xe chạy điện...
Trung Quốc trước nguy cơ vỡ bong bóng xe hơi chạy điện - Ảnh 1.

Những chiếc xe chạy điện tại một trạm xạc ở Trung Quốc.

Một công ty lắp ráp điện thoại iPhone, một hãng thương mại điện tử, và một nhà phát triển bất động sản thường không cạnh tranh trong cùng một lĩnh vực kinh doanh - ngoại trừ trong ngành xe hơi chạy điện (electric vehicle - EV) ở Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ sang xe chạy điện. Trong cuộc dịch chuyển lớn này, các hãng xe truyền thống, các công ty khởi nghiệp (startup) và những "người khổng lồ" công nghệ, các công ty điện tử và cả các nhà kinh doanh bất động sản đua nhau đổ hàng tỷ USD vào lĩnh vực EV. Cuộc đua tiếp diễn ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc cắt giảm các khoản trợ cấp hào phóng đã dành cho ngành xe điện ở giai đoạn đầu.

Quá nhiều nhà sản xuất

Hiện có 486 nhà sản xuất xe hơi chạy điện ở Trung Quốc, nhiều gấp hơn 3 lần con số cách đây 2 năm. Doanh số xe hơi chạy điện tại quốc gia đông dân nhất thế giới được dự báo đạt kỷ lục 1,6 triệu xe trong năm nay. Tuy nhiên, mức doanh số như vậy có thể là chưa đủ để giữ cho các dây chuyền sản xuất xe chạy điện hoạt động đủ công suất, dẫn tới cảnh báo rằng bong bóng thị trường xe điện ở Trung Quốc có thể sẽ vỡ và rốt cục sẽ chỉ có một vài hãng tồn tại được.

"Chúng ta sẽ chứng kiến những làn sóng lớn quét qua ngành công nghiệp xe điện", ông Thomas Fang, nhà tư vấn chiến lược thuộc công ty Roland Berger ở Thượng Hải, nhận định. "Đây là một thời khắc quan trọng quyết định sự sống còn của các startup xe chạy điện".

Tuần này, ít nhất hơn hai chục thương hiệu xe chạy điện sẽ giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải, bao gồm những cái tên như Qiantu Motor, NIO, hay BYD.

Theo hãng liệu của Bloomberg, hàng chục startup đã nhảy vào lĩnh vực xe chạy điện toàn cầu trong những năm gần đây. Từ năm 2011 đến nay, các startup trong ngành này đã huy động được 18 tỷ USD, trong đó huy động được nhiều vốn nhất là những công ty Trung Quốc như NIO, WM, Xpeng và Youxia.

Các startup xe điện ở Trung Quốc có tổng công suất thiết kế là 3,9 triệu xe mỗi năm, chưa kể lượng xe điện do các hãng xe truyền thống sản xuất.

Thị trường Trung Quốc đúng là lớn, nhưng chưa đủ lớn để tiêu thụ hết số xe điện đó. Năm ngoái, thị trường xe hơi chạy điện nước này mới lần đầu đạt doanh số 1 triệu xe, một phần nhờ vào những khoản trợ cấp giúp giá xe được giảm hàng nghìn USD mỗi chiếc so với giá niêm yết.

Xe chạy điện mới chỉ chiếm khoảng 4% thị trường xe hơi với doanh số khoảng 23,7 triệu xe mỗi năm của Trung Quốc - theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Trung Quốc (CAAM).

"Vẫn còn dư địa lớn để xe chạy năng lượng mới tăng doanh số tại thị trường Trung Quốc", ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA), phát biểu. "Nhưng đây là một thị trường dành cho những hãng có năng lực cạnh tranh tốt chứ không phải những hãng yếu. Hãng nào yếu sẽ bị loại".

Mục đích của Chính phủ Trung Quốc trong chiến lược phát triển xe chạy điện là giảm ô nhiễm không khí, giảm nhập khẩu dầu, và phát triển sản xuất công nghệ cao. Theo chiến lược của Bắc Kinh, đến năm 2025, doanh số thị trường xe chạy năng lượng mới ở Trung Quốc, bao gồm xe chạy điện và xe lai (hybrid), sẽ đạt 7 triệu xe mỗi năm, chiếm 20% tổng doanh số thị trường ôtô nước này.

Nhưng dù doanh số xe chạy điện tại Trung Quốc có đạt đến mức đó, thì cũng chỉ đủ để duy trì sự tồn tại cho vài chục nhà sản xuất, thay vì hàng trăm nhà sản xuất như hiện nay. Mỗi nhà máy xe chạy điện cần phải sản xuất ít nhất hàng chục nghìn xe mỗi năm để có lãi.

Những "kẻ ngoại đạo"

Một trở ngại khác đối với ngành xe chạy điện ở Trung Quốc là tuyên bố cắt giảm trợ cấp mà Bộ Tài chính nước này đưa ra vào tháng trước. Một số khoản trợ cấp lên tới 7.500 USD cho mỗi xe chạy điện được bán đã bị giảm một nửa.

"Với trợ cấp bị điều chỉnh như vậy, một số startup xe chạy điện có trình độ công nghệ kém hơn sẽ phải giải thể", ông Zhou Lei, chuyên gia thuộc Deloitte Tohmatsu Consulting, nhận xét.

Ngoài ra, các hãng xe lớn toàn cầu từ Tesla tới Volkswagen và Ford, từ Toyota tới Fiat Chrysler, Honda và Mitsubishi đều đang có kế hoạch sản xuất một lượng lớn xe điện tại Trung Quốc để bán ngay tại thị trường này.

Những hãng xe điện Trung Quốc lâu năm hơn, như BYD, có khả năng trụ vững được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt nhờ đã có kinh nghiệm lâu năm, dòng sản phẩm đa dạng, và lực lượng khách hàng đông đảo. BYD, công ty được tỷ phú Mỹ Warren Buffett rót vốn, đã chứng kiến doanh thu tăng năm thứ 6 liên tiếp và có lãi ít nhất từ năm 2000.

Đối mặt với rủi ro lớn nhất có lẽ là những startup xe điện được thành lập hoặc rót vốn bởi những "kẻ ngoại đạo". Nhà sáng lập hoặc nhà đầu tư của những startup như vậy thương đến từ lĩnh vực Internet hoặc công nghệ, quen với việc "đốt tiền" để đầu tư, nhưng lại không nhận thức đầy đủ về lượng vốn khổng lồ cần có trong ngành sản xuất xe hơi.

Trong số những công ty ngoài ngành nhảy vào lĩnh vực xe điện phải kể tới Foxconn, Alibaba, và China Evergrande. Trong đó, Evergrande tuyên bố sẽ trở thành hãng sản xuất xe chạy điện lớn nhất thế giới sau 3-5 năm nữa.

Bình Minh