|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành nông nghiệp thế giới?

14:29 | 18/09/2017
Chia sẻ
Trung Quốc đang có tham vọng ngày một lớn hơn trong việc làm chủ các vấn đề toàn cầu, trong đó có ngành nông nghiệp. Nhưng họ có làm được hay không lại là chuyện khác.
trung quoc se lam thay doi toan bo nganh nong nghiep the gioi
Ảnh: WordPress

Trong năm nay, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến phát triển ngành nông nghiệp nội địa nước này, sáng kiến nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.

Bài viết dưới đây của báo Nikkei sẽ đi sâu giải thích tại sao lĩnh vực Trung Quốc hiện còn quá nhiều vấn đề và cần phải cải tổ để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Hệ thống phân phối đất nông nghiệp hiện tại đang ngăn cản việc phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Ở Trung Quốc, để có thể có được nông trại quy mô trung bình sẽ cần đến quá nhiều các thỏa thuận với hàng trăm người nông dân, trả tiền thuê đất và tuyển dụng những người nông dân đó vào làm việc.

Đã có nhiều nông dân Trung Quốc ra nước ngoài thuê đất. Theo họ lý giải, ở một số nước Đông Nam Á, châu Phi hoặc Nga, họ dễ dàng thuê được hàng trăm héc ta đất chỉ thông qua một lần ký hợp đồng duy nhất.

Tình trạng môi trường của Trung Quốc xuống cấp trầm trọng làm giảm chất lượng đất đai cũng là nguyên nhân khiến nhiều nông dân Trung Quốc ra nước ngoài thuê đất. Giới chức Trung Quốc giờ đã thừa nhận những nỗ lực tăng sản lượng nông nghiệp tối đa trong quá khứ đã khiến cho hệ cân bằng sinh thái nông nghiệp của Trung Quốc chịu tác động tiêu cực.

Kết quả cuộc điều tra thực hiện năm 2007 cho thấy tình trạng sử dụng các chất hóa học và phân bón quá mức đã gây ra ô nhiễm nguồn nước. Hiện khoảng 19% đất nông nghiệp Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng.

Tại nhiều khu vực, chất lượng nước đã giảm đi rất nhiều. Tình trạng bơm nước ngầm nhiều quá mức khiến lượng nước sụt giảm và cả chất lượng nước cũng kém đi nhiều.

Khi mà quan chức chính quyền nhiều tỉnh Trung Quốc phải cố gắng hết sức để có được tốc độ tăng trưởng GDP cao, nhiều khi họ buộc phải lờ đi một số tiêu chuẩn an toàn nhất định trong sản xuất thực phẩm.

Cách đây 15 năm, chính phủ Trung Quốc từng đưa ra chương trình lớn để hỗ trợ nông dân, tuy nhiên, một số quan chức đã không sử dụng tiền từ chính phủ đúng mục đích.

Trên thực tế, những công ty nông nghiệp thành công nhất Trung Quốc đến thời điểm hiện tại đều là những công ty giành được nhiều đặc ân và trợ cấp từ chính quyền địa phương. Chính vì vậy, họ chỉ thành công được trong biên giới Trung Quốc chứ không có đủ khả năng cạnh tranh khi ra các thị trường nước ngoài khi không còn được hưởng đặc ân về tín dụng, đất đai và trợ cấp.

Phần lớn nhà đầu tư nông nghiệp Trung Quốc khi ra nước ngoài chủ yếu tìm đến những thị trường ở châu Phi, Đông Nam Á, và Đông Âu – những nước và khu vực mà chương trình “Một vành đai, một con đường” do chính phủ Trung Quốc khởi xướng đang nhắm tới.

Cùng lúc đó, đầu tư nông nghiệp của người Trung Quốc ở nước ngoài cho đến nay chưa mang lại thành công nào đáng kể. Rất ít sản phẩm được xuất ngược về Trung Quốc. Những nhà đầu tư này phàn nàn về tình trạng tham nhũng, cơ chế thuế phí ngặt nghèo và thiếu sự hỗ trợ của chính phủ.

Ví như các công ty nông nghiệp Trung Quốc đã hoạt động tại Nga hơn 15 năm nhưng mãi đến vài năm trở lại đây mới có thể xuất ngược được nông phẩm về Trung Quốc. Nhà đầu tư nông nghiệp Trung Quốc tại Nga kêu ca về việc Nga áp thuế nhập khẩu quá cao với thiết bị nông nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga làm khó người Trung Quốc trong vấn đề cấp visa và thủ tục xuất khẩu nông phẩm từ Nga ngược lại Trung Quốc vô cùng rườm rà.

Không phải tự dưng các công ty Trung Quốc cố gắng đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài nhiều đến vậy. Trong thời kỳ giá gạo toàn cầu tăng vọt cách đây một thập kỷ, chính phủ Trung Quốc đã hối thúc các công ty nông nghiệp mua gom đất nước ngoài để phòng trừ cho khả năng Trung Quốc thiếu lương thực.

Giờ đây, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố Trung Quốc hiện đang có 1.300 công ty đầu tư 11,7 tỷ USD vào các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tại 85 nước và khu vực trên thế giới.

Giới chức Trung Quốc đã nhắc đến những dự án này như biểu tượng của hợp tác quốc tế. Trong những bài phát biểu gần đây, chiến lược cũng được nhắc đến như một phần trong tham vọng của “Con đường tơ lụa mới” cùng với hàng loạt dự án xây dựng tuyến đường xe lửa, tuyến đường cao tốc và cầu càng để kết nối nhiều khu vực xa xôi.

Tuyến đường đó sẽ phát triển các những nông trại lớn tại sa mạc, khu vực miền núi, cao nguyên ở châu Á, châu Phi và Đông Âu để đảm bảo cho an ninh lương thực toàn cầu và khuyến khích việc sử dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Rõ ràng, Trung Quốc đang có tham vọng ngày một lớn hơn trong việc làm chủ các vấn đề toàn cầu, các nhà lãnh đạo quốc gia và chủ doanh nghiệp trên thế giới không thể bỏ qua điều này.

Tuy nhiên, nỗ lực cải tổ ngành nông nghiệp tại nhiều nước khác của người Trung Quốc có thể quá sớm bởi trên thực tế, chính họ cũng chưa giải quyết được những vấn đề nông nghiệp của riêng mình.

Trung Mến

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.