|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc quay xe mạnh mẽ: Lần đầu tiên thay đổi lập trường chính sách tiền tệ kể từ năm 2011

17:22 | 09/12/2024
Chia sẻ
Bộ Chính trị Trung Quốc hứa sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải" và thực hiện các biện pháp tài khóa "chủ động hơn" để kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2025.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty Images). 

Một thay đổi lớn

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc dự định sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng chi tiêu tài khóa cho năm 2025. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị đối phó với cuộc chiến thương mại thứ hai với Mỹ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng tới.

Trước thềm cuộc họp quan trọng vào tháng 12, Bộ Chính trị Trung Quốc ra tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” vào năm 2025, đánh dấu sự thay đổi lập trường đáng chú ý đầu tiên kể từ năm 2011. Cơ quan này cũng sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn khi nói về chính sách tài khóa, từ “chủ động” chuyển thành “chủ động hơn”, tờ Xinhua chỉ ra.

Các quan chức thuộc Bộ Chính trị Trung Quốc cũng cam kết sẽ “ổn định” thị trường bất động sản và chứng khoán, đồng thời tăng cường sử dụng các công cụ phi truyền thống để hỗ trợ nền kinh tế.

Tóm lại, ngôn ngữ trong bản tuyên bố cho thấy giới chức Trung Quốc đang nỗ lực hơn nhằm củng cố niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Bình luận của chuyên gia

Ông Zhaopeng Xing, chuyên gia cấp cao tại ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group (ANZ), bình luận: “Những từ ngữ được sử dụng trong bản tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc là điều chưa từng thấy”. Theo ông, đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ mở rộng chính sách tài khóa một cách mạnh mẽ, tung ra các đợt cắt giảm lãi suất lớn và tiến hành chương trình mua tài sản.

Vị chuyên gia nói thêm: “Từ ngữ của các nhà hoạch định chính sách thể hiện sự tự tin trước các mối đe dọa của ông Trump”. Vị chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng từng đề xuất tăng thuế quan 60% lên hàng hóa Trung Quốc. 

Giá đồng nhân dân tệ hải ngoại tăng 0,1% dựa trên các ván cược rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi nhờ kích thích tài khóa và tiền tệ. Các loại tiền tệ trong khu vực cũng tăng giá sau tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc, trong đó đồng đôla Australia đi lên 0,3%.

 

Cuộc họp tháng 12 của Bộ Chính trị Trung Quốc thường đặt ra chương trình nghị sự cho Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương nhằm thiết lập các ưu tiên quan trọng cho năm mới, ví dụ mục tiêu tăng trưởng GDP. Tờ Bloomberg dự kiến cuộc họp đó sẽ diễn ra vào ngày 11/12. 

Trong những năm qua, Trung Quốc thực chất đã vài lần nới lỏng và thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng kể từ năm 2011, các quan chức luôn mô tả lập trường chính sách là “thận trọng” nhằm kiểm soát đà tăng của lạm phát.

Còn từ trước đó đến năm 2008, Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thay đổi mới nhất phản ánh sự cấp thiết của việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sau khi nền kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng mạnh mẽ hậu COVID-19 như kỳ vọng.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã vài lần hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, nhưng cho tới nay những động thái đó vẫn chưa khích lệ được người tiêu dùng và doanh nghiệp đi vay nhiều hơn.

Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle, bình luận: “Tôi dự kiến các công cụ chính sách bổ sung sẽ dẫn tới sự cải thiện đáng kể về khối lượng, chất lượng và tác động của tín dụng. Khả năng Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ở mức khoảng 5% đã tăng lên đáng kể”.

Giang

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.