Trung Quốc mời chào nhân tài công nghệ bằng thù lao khó cưỡng, phương Tây giật thót
Zeiss SMT là công ty sản xuất các bộ phận không thể thiếu để chế tạo những con chip bán dẫn mạnh nhất thế giới. Vài tháng trước, các giám đốc của Zeiss giật thót khi biết tin rằng các chuyên gia săn đầu người từ Huawei đang cố gắng giành giật nhân viên của họ.
Nguồn tin của Wall Street Journal (WSJ) cho biết các nhân viên có khả năng tiếp cận với bí quyết công nghệ nhạy cảm của Zeiss đã nhận được tin nhắn LinkedIn, email và cuộc gọi từ các đại diện của Huawei. Phía Huawei đề nghị trả họ mức lương cao gấp ba lần hiện tại.
Vụ việc đã dẫn tới một cuộc điều tra của các quan chức tình báo Đức nhằm ngăn chặn hoạt động "cướp" nhân tài có thể giúp Huawei tiếp cận được với một trong những tài sản trí tuệ phức tạp nhất thế giới.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhân tài đã trở thành mặt trận quan trọng trong cuộc chiến giành ngôi siêu cường công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây.
Nhiều công ty Trung Quốc đang cố gắng vượt lên trên bằng cách lôi kéo các kỹ sư hàng đầu trong những lĩnh vực như chip bán dẫn cao cấp và trí tuệ nhân tạo (AI). Những công ty này tập trung tại một số trung tâm công nghệ như Đài Loan, Thung lũng Silicon và một số khu vực ở châu Âu.
Từ trước đến nay, Mỹ và châu Âu coi tuyển dụng là hoạt động kinh doanh bình thường không nên bị giới hạn và kiểm soát. Nhưng nỗ lực của Trung Quốc đang thúc đẩy nhiều quan chức thay đổi lập trường.
Bí mật về chip bán dẫn
Giới chức an ninh châu Âu đặc biệt quan ngại về nỗ lực tập trung vào ông lớn ASML của Hà Lan và các nhà cung cấp, bao gồm Zeiss của Đức. ASML là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng chế tạo những cỗ máy phức tạp cần thiết để in các cấu trúc nhỏ hơn 1/10.000 chiều rộng của sợi tóc lên chip chuyên dụng cho AI.
ASML đã tốn vài thập kỷ để phát triển những máy in đó - được gọi là máy scan EUV. Nếu không có chúng, Trung Quốc không thể sản xuất các con chip tân tiến nhất. Chính phủ Hà Lan cấm ASML bán máy EUV sang Trung Quốc.
Kể từ năm 2021, Huawei đã thuê hàng chục kỹ sư và những nhân viên Trung Quốc từng làm việc về kỹ thuật in thạch bản và quang học cho những công ty phương Tây, bao gồm ASML, theo dữ liệu từ LinkedIn và trang web tìm việc làm Maimai của Trung Quốc.
Một kỹ sư Trung Quốc rời ASML khoảng một thập kỷ trước và có kiến thức về một số phần mềm của công ty Hà Lan sau này đã thành lập một công ty đối thủ ở Trung Quốc, theo giấy tờ đăng ký kinh doanh và ASML.
Đề nghị hấp dẫn
Ông Paul Triolo, đối tác tại công ty tư vấn doanh nghiệp DGA Group, cho biết việc thu hút các kỹ sư ngoại có thể tạo ra lối tắt giá trị đối với các công ty Trung Quốc, bởi kinh nghiệm của họ không thể dễ dàng bị sao chép. Ông nói thêm: “Ngày nay các chính phủ cũng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này”.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã hạn chế các tổ chức hợp tác về học thuật và kinh doanh với Trung Quốc hoặc tiến hành sàng lọc những thương vụ mua lại của Trung Quốc.
Doanh nghiệp Trung Quốc có thể cung cấp cho nhân tài quốc tế mức lương cao gấp nhiều lần khả năng chi trả của phương Tây, bởi Bắc Kinh đang tài trợ hào phóng cho việc phát triển công nghệ cao.
Nhiều nhân tài không chấp nhận lời mời gọi do sợ rủi ro danh tiếng hoặc lo không hòa nhập được với văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng các công ty Trung Quốc tiếp cận nhiều người đến mức họ tìm được một số người đồng ý. Và những cá nhân này có thể mang theo bí mật thương mại đến Trung Quốc, tờ WSJ cho hay.
Năm ngoái, CEO công ty bán dẫn FemtoMetrix ở California làm chứng trước Quốc hội Mỹ rằng bí mật thương mại của ông ty ông đã bị đánh cắp khi ba nhân viên rời đi để mở một công ty bán dẫn ở Trung Quốc. Ông cáo buộc ba người này đã mang theo hàng nghìn file của FemtoMetrix và giờ công ty ông chỉ có thể sống lay lắt qua ngày.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định mọi cáo buộc về việc nước này đánh cắp tài sản trí tuệ là sự vu khống vô căn cứ.