Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ như thế nào?
Ngân hàng trung ương Trung Quốc có nhiều công cụ khác nhau để điều hành tỷ giá. Một số biện pháp được thực hiện công khai như ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày, trong khi một số biện pháp khác được ngầm thực hiện như yêu cầu các ngân hàng không bán nhân dân tệ (NDT) trong giao dịch tự doanh. Khi tỷ giá giảm xuống 7 NDT/USD, các lãnh đạo PBoC sẽ xem xét các biện pháp sẵn có để ngăn chặn động thái làm mất giá nội tệ.
Vai trò của ấn định tỷ giá tham chiếu
Hàng ngày vào lúc 9h15 sáng theo giờ Bắc Kinh, PBoC sẽ đưa ra tỷ giá tham chiếu. Trên thị trường ngoại hối giao ngay của Trung Quốc, đồng NDT được phép tăng hoặc giảm 2% so với tỷ giá tham chiếu trong mỗi phiên giao dịch. Đây là công cụ rõ ràng nhất mà PBoC sử dụng để kiểm soát biến động của đồng nội tệ.
Việc đưa ra tỷ giá tham chiếu dựa trên các yếu tố gồm mức đóng cửa chính thức vào lúc 4h30 chiều hôm trước, biến động của đồng NDT so với một rổ tiền tệ khác và những thay đổi trong tỷ giá hối đoái lớn khác.
Do đó, việc khuyến khích đà giảm vào thời điểm đóng cửa chính thức sẽ cho phép PBoC thiết lập tỷ giá tham chiếu yếu hơn mà không gửi tín hiệu mạnh mẽ về chính sách hay gây bất ổn cho thị trường.
Một cách để nắm bắt tín hiệu chính sách của chính phủ đằng sau việc ấn định tỷ giá là so sánh tỷ giá với kỳ vọng của thị trường. Nếu tỷ giá tham chiếu mạnh hơn hoặc yếu hơn đáng kể so với dự kiến của thị trường, đây được coi là một tín hiệu chính sách từ Bắc Kinh.
Lịch sử của chính sách ấn định tỷ giá
Trong những năm qua, chính sách ấn định tỷ giá đã trải qua nhiều đợt cải cách nhằm nâng cao tính minh bạch và mang định hướng thị trường hơn.
Trung Quốc bắt đầu cho phép đồng NDT giao dịch trong biên độ 0,3% so với đồng USD vào tháng 1/2006. Biên độ này mở rộng lên 0,5% vào tháng 5/2007, 1% vào tháng 4/2012 và 2% vào tháng 3/2014. Đến tháng 8/2015, Trung Quốc đã phá giá đồng NDT trong nước trong một cuộc cải cách ngoại hối mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ.
Công cụ khác
Một trong những công cụ mới nhất của PBoC là điều chỉnh tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các ngân hàng. Việc cắt giảm tỷ lệ này sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, qua đó nâng đỡ đồng NDT.
Năm 2021, PBoC đã tăng tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng hai lần trong đó có một lần tăng từ 5% lên 7% vào tháng 5 và một lần nữa từ 7% lên 9% vào tháng 12. Tuy nhiên, PBoC đã hạ tỷ lệ này xuống 8% vào tháng 4/2022. Trước năm 2021, tỷ lệ dự trữ đã được giữ nguyên từ năm 2007.
Biện pháp ngầm
Các quan chức Trung Quốc sẵn sàng can thiệp để tăng hoặc giảm giá trị NDT khi cần thiết, với mục tiêu đề ra của PBoC là duy trì đồng NDT ở mức ổn định, cân bằng và hợp lý.
Tháng 1/2022, đồng NDT đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2018, Phó Thống đốc PBoC Liu Guoqiang phát biểu rằng các yếu tố thị trường và chính sách sẽ giúp điều chỉnh biến động ngắn hạn của NDT về mức cân bằng.
Để định hướng kỳ vọng của thị trường, PBoC thường trích dẫn những tuyên bố từ Cục Ngoại hối Trung Quốc. Một số hướng dẫn từ Cục này có thể nhắm tới những giao dịch cụ thể.
Tháng 11/2021, các ngân hàng đã được khuyến khích cân nhắc khối lượng giao dịch tự doanh để cải thiện khả năng quản lý rủi ro. Sau hướng dẫn này, khối lượng giao dịch trên thị trường giao ngay trong nước của USD-NDT đã sụt giảm đáng kể.
Chống đầu cơ
Tăng chi phí đặt cược chống lại đồng NDT ở thị trường nước ngoài từng là một chiến lược được Trung Quốc sử dụng để kiềm chế đà giảm của đồng nội tệ và đã được áp dụng trong năm 2016 và 2018.
Vấn đề then chốt là vắt kiệt thanh khoản để các nhà giao dịch phải trả lãi suất cao hơn khi vay NDT. Biện pháp này có thể thực hiện bằng cách yêu cầu các ngân hàng mua NDT hoặc từ chối cho các ngân hàng khác cho vay.
Đối với thị trường trong nước, PBoC cũng có các công cụ bổ sung để tăng chi phí bán NDT. Trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ năm 2018, khi đồng NDT sụt giảm so với USD, PBoC đã áp đặt tỷ lệ dự phòng rủi ro 20% đối với giao dịch hợp đồng kỳ hạn để giảm bớt hoạt động mua ngoại hối trên thị trường kỳ hạn. Quy định này kéo dài trong hai năm cho đến năm 2020 sau khi đồng NDT tăng trở lại.
Kiểm soát vốn
Kiểm soát dòng tiền vào ra là một trong những công cụ ít hiệu quả nhất. Trung Quốc đã hạn chế dòng vốn chảy khỏi nước này sau khi đồng NDT mất giá vào năm 2015, với việc áp đặt các chính sách hạn chế đối với nhiều hoạt động như hợp đồng thu mua ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, chính phủ khuyến khích dòng vốn đổ vào trong năm 2021 thông qua các kênh mới để các nhà đầu tư trong nước khai thác thị trường trái phiếu nước ngoài và các sản phẩm quản lý tài sản.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tại sao Mỹ không phá giá USD mà chấp nhận thâm hụt thương mại triền miên, để hàng triệu việc làm sang Trung Quốc? 01/01/2022 - 15:29
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022, các công ty quốc doanh Trung Quốc đã được yêu cầu thận trọng hơn khi xem xét các kế hoạch chi tiêu và đầu tư mới ở nước ngoài. PBoC cũng có thể điều chỉnh các giới hạn vay hoặc cho vay ở nước ngoài đối với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp như từng áp dụng vào đầu năm 2021.
Dự trữ ngoại hối
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là một trong những kho dự trữ lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỷ USD. Các nhà hoạch định chính sách đã bán hàng tỷ USD sau đợt phá giá năm 2015 để hỗ trợ đồng NDT.
Các chuyên gia lưu ý sự sụt giảm của dự trữ ngoại hối không hoàn toàn là kết quả của sự can thiệp, mà là do các tài sản không phải USD trong kho dự trữ của Trung Quốc giảm giá so với đồng USD.