|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc nới lỏng tiền tệ, bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế

17:54 | 24/01/2024
Chia sẻ
Nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào đầu tháng 2 tới.

Một người đi bộ ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). (Ảnh: Reuters).

 

Chia sẻ tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 24/1, Thống đốc Phan Công Thắng cho biết PBoC sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại khoảng 50 điểm cơ bản vào ngày 5/2.

Động thái này sẽ giúp bơm thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 139,8 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường. Đây là lần đầu tiên PBoC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay, sau hai lần giảm vào năm ngoái.

Cũng tại cuộc họp, Thống đốc Phan Công Thắng cho biết ngân hàng trung ương nước này vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Dữ liệu được công bố vào tuần trước cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, cao hơn một chút so với mục tiêu chính thức là “khoảng 5%”.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý IV cũng là 5,2%, nhưng thấp hơn so với ước tính trung vị của các nhà kinh tế, CNBC thông tin.

 

Sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế chống dịch vào cuối năm 2022, quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc diễn ra khá bấp bênh. Các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước cảnh báo chặng đường sắp tới sẽ còn “quanh co”.

Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách có mục tiêu, đồng thời cố gắng giảm tình trạng vay nợ quá mức trong lĩnh vực bất động sản. Chiến lược của chính phủ Trung Quốc đã làm gia tăng rủi ro tài chính và gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Đầu tuần này, Bắc Kinh tuyên bố sẽ “tăng cường sự ổn định của thị trường” trong bối cảnh cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại đại lục và Hong Kong bị bán tháo mạnh.

 

Yên Khê

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.