|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc - 'Miếng bánh ngon' của các thương hiệu cà phê lớn, Việt Nam chiếm 80% nguồn cung

16:49 | 01/11/2018
Chia sẻ
Trung Quốc được nhận định là “miếng bánh ngon” mà các thương hiệu cà phê nổi tiếng muốn giành lấy bằng được. Nguồn cung lớn nhất cho Trung Quốc đến từ Việt Nam, chiếm gần 80% tổng lượng nhập khẩu trong giai đoạn 2013 - 2017.

Cà phê có tiềm năng rất lớn tại Trung Quốc

Tại Hội thảo "Hành trình từ hạt Cà Phê đến Cup” chiều 1/11, chia sẻ về tổng quan thị trường cà phê Trung Quốc thông qua Bigdata, ông Tony Wong, Giám đốc cuộc thi Barista thế giới 2012 - 2018, cho biết năm 2017 - 2018 thị trường tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đạt 934,8 triệu tấn, tăng 21% so với năm trước. Sản lượng sản xuất chỉ dừng ở con số 9,6 triệu tấn, giảm nhẹ so với niên độ 2016 - 2017 do thời tiết khắc nghiệt.

So sánh so với thị trường khác như Mỹ (3,6%), Nhật (1,7%) thì lượng tiêu thụ cà phê của Trung Quốc lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng kép đạt 30%. Ông dự báo tốc độ này trong giai đoạn 2015 - 2020 là 33,8%.

Ông Tony Wong cho hay, thị trường cà phê Trung Quốc chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 99% khối lượng và 98% giá trị của doanh số bán lẻ, mặc dù cà phê rang xay có tốc độ tăng nhanh hơn. Dạng cà phê hòa tan phổ biến nhất là 3 trong 1 chứa cà phê, đường và chất tạo màu trắng, cũng như các chất tạo mùi vị khác.

Mặc dù, Trung Quốc vẫn là quốc gia sử dụng trà chủ yếu với doanh số bán lẻ trà gần gấp 10 lần cà phê. Tuy nhiên ông Wong cho rằng, cà phê có tiềm năng rất lớn tại Trung Quốc bởi hế hệ trẻ thích uống cà phê trong văn phòng nhiều hơn trà.

Hiện người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 5,5 tỉ tách cà phê vào năm ngoái, tăng so với con số 4,6 tỉ vào năm 2012. Trong khi đó, người dân Canada tiêu thụ đến 15 tỉ tách cà phê vào năm 2017, do vậy, tiềm năng của thị trường cà phê Trung Quốc còn rất lớn khi mà tầng lớp trung lưu ở nước này ngày càng tăng.

viet nam chiem 80 nguon cung ca phe cho thi truong dong dan nhat the gioi

Việt Nam chiếm 80% lượng nhập khẩu cà phê của Trung Quốc

Nói về tình hình nhập khẩu, ông Wong cho hay, cà phê nhập khẩu phần lớn dưới dạng cà phê nhân thô, chiếm trung bình 80% trong 5 năm qua. Nhưng gần đây, tỉ lệ nhập khẩu cà phê hòa tan lại tăng nhanh do nhu cầu của cả nước tăng nhanh hơn năng lực chế biến nội địa ở địa phương.

Về xuất xứ của cà phê nhập khẩu, nguồn cung lớn nhất cho thị trường Trung Quốc đến từ Việt Nam, chiếm gần 80% tổng lượng nhập khẩu trong giai đoạn 2013- 2017.

Trên 90% lượng cà phê nhập khẩu vào Trung Quốc có xuất xứ chỉ từ 5 quốc gia bao gồm Việt Nam, Indonesia, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Colombia. Trong đó, nhập khẩu từ Colombia và Trung Mỹ tăng đáng kể, và hiện nay chiếm khoảng 5% tổng lượng nhập khẩu.

Thị trường cửa hàng cà phê của Trung Quốc trị giá hơn 4,5 tỉ USD trong 2017

Với tiềm năng rất lớn kể trên, ông Wong cho rằng, thị trường Trung Quốc là “miếng bánh ngon” mà các thương hiệu cà phê nổi tiếng muốn giành lấy bằng được. Thị trường cửa hàng cà phê của Trung Quốc ước tính có giá trị hơn 4,5 tỉ USD vào năm 2017.

Hiện Starbucks là chuỗi cà phê hàng đầu tại Trung Quốc với thị phần hơn 60%. Starbucks dự kiến mở thêm khoảng 3.000 cửa hàng vào năm 2022, tăng gần gấp đôi từ con số 6.000 cửa hàng hiện tại.

Trong khi đó Luckin Coffee, một trong những đối thủ đang lên của Starbucks với mô hình bán lẻ kiểu mới có cửa hàng tại 13 thành phố tại Trung Quốc, phục vụ khoảng 1,3 triệu khách hàng.

Công ty này sử dụng dịch vụ vận chuyển của SF Express - một trong những nhà cung cấp dịch vụ vận tải lớn nhất Trung Quốc.

Ông Wong đánh giá mô hình bán lẻ kiểu mới hấp dẫn kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến, cho phép khách hàng lựa chọn thưởng thức cà phê tại cửa hàng, đặt mua qua ứng dụng để được giao tận nơi hoặc gọi điện đặt hàng trực tiếp.

Thu Hà