Trung Quốc lại 'khát' than
Tiêu thụ than tại Trung Quốc, nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới, đang trên đà tăng trở lại bất chấp những cam kết cắt giảm của chính phủ nước này. Sau khi giảm từ 2,86 tỷ tấn hồi năm 2015 xuống 2,76 tỷ tấn vào năm 2016, tiêu thụ than ở Trung Quốc liên tục tăng trong các năm tiếp theo, dự kiến đạt 2,85 tỷ tấn tới cuối năm nay và 2,89 tỷ tấn vào năm 2020, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Trong bài phát biểu hồi tháng 10 tại cuộc họp của Ủy ban Năng lượng Quốc gia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi phát triển ngành than để đảm bảo an ninh năng lượng. Đây được cho là động thái rút lui khỏi những cam kết trước đây của Bắc Kinh.
Giới phân tích đánh giá các biện pháp thúc đẩy kinh tế thông qua đầu tư hạ tầng, nhằm bù đắp tác động của cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, là một trong những nguyên nhân kích thích tiêu thụ than tại Trung Quốc. Nhu cầu than tăng lần lượt 7% và 11% trong lĩnh vực kim loại và hóa chất, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch. Việc sử dụng than để sản xuất xi măng và thủy tinh cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất dự kiến lên tới 148 gigawatt, gần bằng toàn bộ công suất điện than của Liên minh châu Âu, theo nhóm Giám sát Năng lượng Toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ.
"Trung Quốc vô cùng thành thật khi tuyên bố sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu. Nhưng giờ đây tình hình trong nước đã thay đổi, khiến nỗ lực này trở nên khó khăn hơn", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, nhận định.
Erica Downs, học giả thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, Mỹ, cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy hai nước theo đuổi sự tự chủ về năng lượng. Bắc Kinh buộc phải trông cậy vào than, loại nhiên liệu có sẵn, do các nguồn năng lượng khác bị phụ thuộc chặt chẽ vào nước ngoài.
Sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc năm ngoái đạt 72%, mức cao nhất trong vòng 50 năm, theo số liệu của công ty năng lượng BP, trong đó phần lớn tới từ Arab Saudi.
Nhu cầu nhập khẩu dầu Arab Saudi ngày càng tăng khi các nguồn khác như Iran và Venezuela bị siết chặt bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Bản thân lượng dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm do tác động của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, vụ hai nhà máy dầu Arab Saudi bị tấn công hồi tháng 9 được cho là đã thôi thúc Trung Quốc tăng cường tự chủ năng lượng.
Trung Quốc còn được dự đoán trở thành nhà nhập khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2020 trong nỗ lực chuyển đổi nguồn nhiên liệu để giảm ô nhiễm. Đường ống khí đốt mới có tên Sức mạnh Siberia nối với Nga được kỳ vọng giải quyết phần nào vấn đề an ninh năng lượng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án này khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt trong năm đầu tiên hoạt động.
Các nhiên liệu hóa thạch như than, xăng và khí tự nhiên thải carbon dioxide vào khí quyển, khiến nhiệt độ tăng lên và làm biến đổi khí hậu, trong đó than là "thủ phạm" lớn nhất. Vì vậy, "cơn khát than" của Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu.
Giới quan sát cho biết lượng khí thải carbon của Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại trong ba năm qua. Xu hướng này thể hiện trong nửa đầu năm nay, khi lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất bê tông của nước này tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo phân tích của Myllyvirta dựa trên số liệu của chính phủ Trung Quốc.
Tình trạng này khiến Bắc Kinh bị chỉ trích tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Tây Ban Nha hồi đầu tháng. Đáp lại, Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển khác cho rằng những nước phát triển cần cung cấp thêm quỹ để giúp họ chuyển sang nguồn năng lượng sạch hơn. Theo Bắc Kinh, việc thực hiện Hiệp định Paris và các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu cần sự hợp tác của toàn thế giới. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận nào.
Nhu cầu than tăng vọt còn khiến Trung Quốc trả giá bằng tính mạng của các thợ mỏ. Wang Dan, nhà phân tích thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) chi nhánh Bắc Kinh, cho biết sản xuất than ở Trung Quốc bị hạn chế đáng kể sau khi chính phủ tiến hành các cải cách về công nghiệp hồi năm 2015. Sản lượng than giảm từ 3,97 tỷ tấn hồi năm 2013, mức cao nhất trong lịch sử, xuống 3,41 tỷ tấn hồi năm 2016.
Tuy nhiên, nhu cầu than tăng đã kích thích sản xuất tăng trở lại từ năm 2017. Năm ngoái, sản lượng than của Trung Quốc đạt 3,68 tỷ tấn và đã tăng 4,5% tính tới tháng 11 năm nay, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Giới quan sát lo ngại diễn biến này khiến tai nạn dễ xảy ra hơn, bởi các mỏ than không được sử dụng suốt nhiều tháng hoặc vài năm đột ngột mở cửa trở lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, nhưng các nhà khai thác thường bỏ qua. Cheng Wuyi, giáo sư tại Đại học Địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết các nhà điều hành địa phương muốn tăng năng suất, nhưng công nghệ lại tụt hậu, đe dọa an toàn của các thợ mỏ.
14 thợ mỏ đã thiệt mạng trong một vụ nổ mỏ than ở huyện An Long, tỉnh Quý Châu hôm 17/12. Trước đó ba ngày, 4 người thiệt mạng do một mỏ than ở tỉnh Tứ Xuyên lân cận bị ngập. Theo Cục Giám sát An toàn Mỏ than Quốc gia Trung Quốc, 4 tuần trước vụ nổ ở Quý Châu, 4 tai nạn mỏ than khác cũng khiến 43 người chết.
Dù số người chết vì tai nạn mỏ ở Trung Quốc đã giảm đáng kể so với hồi đầu những năm 2000, mỗi năm vẫn có tới hàng trăm thợ mỏ thiệt mạng. Hiện chưa có thống kê về các tai nạn và thương vong năm nay, nhưng số liệu tính tới thời điểm này cho thấy số sự cố đã gia tăng trong nửa sau của năm.
Sau loạt sự cố gần đây, giới chức thừa nhận các nhà khai thác đang đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người lao động. Đơn vị điều hành mỏ than Guanglong, nơi xảy ra vụ nổ ở tỉnh Quý Châu, đã không báo cáo về tai nạn trong khoảng thời gian cần thiết. Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, tỉnh này cũng hai năm liên tiếp đứng đầu về số người tử vong do tai nạn mỏ than, với 56 người thiệt mạng từ đầu năm đến nay và 49 người chết năm ngoái.
Bất chấp nhiều nỗ lực đầu tư hiện đại hóa sản xuất, các cơ quan phụ trách an toàn lao động những năm qua vẫn phải vật lộn trong việc đảm bảo các nhà khai thác mỏ địa phương tuân thủ tiêu chuẩn an toàn.
Thêm vào đó, việc theo dõi các vụ tai nạn cũng gặp khó khăn do hồ sơ không đầy đủ. "Dữ liệu của Trung Quốc chỉ có tổng số vụ tai nạn, không nêu rõ mức độ nghiêm trọng hay bên nào chịu trách nhiệm. Vì vậy, rất khó để xác định nguyên nhân thực sự", giáo sư Nie Huihua thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho hay.