Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với châu Phi thời COVID-19
Trong phát biểu trước Hội đồng Y tế Thế giới vào đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến việc bảo tồn mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và châu Phi. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gặp nhiều khó khăn thời kỳ dịch bệnh COVID-19.
Nhắc lại quan hệ tốt đẹp xưa kia, đưa ra những cam kết mới
Tại cuộc họp của các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tập cam kết dành 2 tỷ USD cho WHO trong 2 năm tới để hỗ trợ các nước đang phát triển. Ông Tập cũng nhắc nhở châu Phi rằng viện trợ của Trung Quốc đã giúp đỡ cho 200 triệu người châu Phi trong 7 thập kỷ qua.
Trong lần xuất hiện này, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết giúp 30 bệnh viện ở châu Phi, lập một cơ quan y tế liên châu Phi, và hỗ trợ vaccine cho Lục địa Đen một khi Trung Quốc đã chế được một loại vaccine nào đó.
Những đề xuất của ông Tập vừa là để thể hiện vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Phi, vừa là để giành thêm sự ủng hộ cho châu Phi trong bối cảnh Trung Quốc vấp phải nhiều sức ép từ phương Tây (nhất là Mỹ) trong vấn đềCOVID-19.
Hiện nay nguyên thủ các nước châu Phi chưa công khai chỉ trích cách thức phản ứng của Trung Quốc trước đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên hồi đầu tuần nay, nhóm châu Phi đã hậu thuẫn cho một dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo kêu gọi điều tra độc lập đối với đại dịch COVID-19. Động thái này diễn ra sau khi các đại sứ châu Phi vào tháng 4 đã viết một lá thư chung gửi cho Bắc Kinh, yêu cầu họ đưa ra lời giải thích về tình cảnh của người châu Phi cư trú ở Trung Quốc trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh ấy, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của các nước châu Phi cho Bắc Kinh có ý nghĩa thiết yếu.
Đồng minh ngoại giao quan trọng
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước châu Phi có từ tận giữa thế kỷ 20, khi Bắc Kinh làm bạn với các nước độc lập mới ở đây. Khi đó, Trung Quốc cố gắng đặt mình vào vị trí lãnh đạo khối các nước đang phát triển và ngăn cản ảnh hưởng của cả Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Kể từ đó, châu Phi đã chứng tỏ bản thân là một khối ngoại giao quan trọng của Bắc Kinh.
Trong các thập kỷ tiếp theo, khi Trung Quốc vấp phải chỉ trích của phương Tây, các nước châu Phi luôn sát cánh bên Trung Quốc.
Sau đó khi các nước phương Tây đe dọa tẩy chay Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh, các nước châu Phi tiếp tục ủng hộ sự kiện thể thao này.
Và gần đây, khi Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc về công ty viễn thông Huawei thì các nền kinh tế lớn của châu Phi như Kenya và Nam Phi đã hoan nghênh sự hiện diện của hãng này.
Lina Benabdallah, trợ lý giáo sư chính trị tại Đại học Wake Forest, chuyên về quan hệ Trung Quốc-châu Phi, nói: “Bắc Kinh cần các đối tác châu Phi nhằm gây dựng hình ảnh một Trung Quốc không thiếu thốn bạn bè trên trường quốc tế”.
Và bây giờ trước các cáo buộc về COVID-19, Trung Quốc lại cần đến sự hậu thuẫn của châu Phi.
Trong tháng 3 và tháng 4, Trung Quốc xuất khẩu đồ y tế trị giá 10 tỷ USD đi nhiều nước trên thế giới. Châu Phi đã hồ hởi đón nhận các gói hàng này.
Chút trắc trở
Mối đe dọa lớn nhất với quan hệ Trung Quốc-châu Phi là vụ việc mới đây nhiều người da đen bị kỳ thị, bị chủ nhà xua đuổi, bị từ chối lưu trú tại khách sạn ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) do mối lo sợ là người châu Phi gây ra tình trạng bùng phát dịch COVID-19.
Thành phố Quảng Châu khi ấy đã xúc tiến xét nghiệm và cách ly tất cả người châu Phi ở đây, bất kể lịch sử đi lại của họ.
Điều này đã dẫn tới một việc chưa từng có tiền lệ, đó là một bức thư tập thể của “nhóm các đại sứ châu Phi” gửi cho giới chức Trung Quốc.
Sau đó chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng này ở cấp độ ngoại giao. Tuy nhiên nỗi ấm ức ở châu Phi vẫn âm ỉ và các bộ trưởng Nigeria thậm chí đề xuất trả đũa bằng việc điều tra địa vị pháp lý của công dân Trung Quốc ở Nigeria.
Nhìn chung, Bắc Kinh ngày càng cam kết nhiều hơn với châu Phi tại mỗi kỳ họp thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi, bắt đầu vào năm 2000. Ví dụ, cam kết mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2015 là cao gấp 3 lần con số đưa ra tại diễn đàn năm 2012.
Phát biểu mới đây của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cho thấy sự tái cam kết của Trung Quốc đối với địa bàn chiến lược này của họ.