Trung Quốc đang phá dỡ các tòa nhà để kích thích nền kinh tế?
Cách biệt đáng ngờ
Thị trường bất động sản, động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới, đang chìm sâu vào khủng hoảng. Mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% ngày càng xa rời tầm với của chính phủ. Trước tình thế này, có vẻ Trung Quốc đang dỡ bỏ và tạm ngừng xây dựng các tòa nhà có sức chứa tới 75 triệu người.
Các nhà phân tích cảnh báo Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược “xây dựng, tạm dừng, phá bỏ, lặp lại” trong bối cảnh các quan chức tìm cách giới hạn nguồn cung để ngăn giá nhà sụt giảm và thúc đẩy nền kinh tế thông qua hoạt động xây dựng.
Các nhà nghiên cứu tại công ty cố vấn Fathom Consulting tiết lộ rằng khoảng 3 tỷ m2 nhà ở tại Trung Quốc đang bị tạm ngưng hoặc phá dỡ trong những năm gần đây, ngăn cản nguồn cung mới tiếp cận thị trường. Diện tích này đủ để làm nhà ở cho 75 triệu người, nhiều hơn dân số của toàn nước Anh.
Thị trường bất động sản trì trệ đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Nước này có những “thành phố ma” rộng lớn không người ở, hậu quả của hàng loạt dự án được tài trợ bằng nợ vay. Ngày càng nhiều công trình bị tháo dỡ trong bối cảnh doanh nghiệp xây dựng cạn tiền.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bloomberg: Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc là bài học cho Việt Nam 23/08/2022 - 20:48
Bà Joanna Davies, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Fathom, tiết lộ con số “choáng váng” là nhà ở tại Trung Quốc trung bình cần đến 8 năm để hoàn thành và nguồn cung “được nhỏ giọt vào hệ thống”.
Bà nói: “Một công cụ chính sách quan trọng để thao túng nguồn cung là ra lệnh ‘đắp chiếu’ các bất động sản trong giai đoạn xây dựng dự án.
Cách làm này cho phép số nhà mới đang được xây dựng tiếp tục gia tăng – giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và hạn chế bất ổn xã hội – mà không khiến nguồn cung tràn ngập thị trường và làm giảm giá bất động sản”.
Niềm tin vào thị trường bất động sản của Trung Quốc đã suy sụp sau khi một số nhà phát triển khổng lồ chìm vào khủng hoảng nợ, tiêu biểu là Evergrande. Người mua nhà tại ít nhất 90 thành phố đã dừng thanh toán nợ vay thế chấp cho những dự án mà các nhà phát triển vẫn chưa hoàn thành.
Bà Davies nói với tờ Telegraph: “Tổng diện tích nhà ở dư thừa tại Trung Quốc đã lên đến 10 tỷ m2. Có vẻ như Trung Quốc đã quyết định dùng đến biện pháp phá hủy để giảm bớt sự thừa mứa.
Từ lâu, số lượng dự án nhà ở bắt đầu xây ở Trung Quốc đã vượt quá số hoàn thiện, dẫn đến lượng nhà ‘đang xây dựng’ ngày càng tăng. Nhưng diện tích sàn được báo cáo ‘đang xây dựng’ trong năm 2021 thấp hơn hẳn diện tích sàn ‘bắt đầu’ trừ đi ‘đã hoàn thiện’”.
Theo bà, “cách giải thích duy nhất cho sự chênh lệch đó” là một số công trình đã bị tạm hoãn và bị phá dỡ.
Rắc rối lâu dài
Đầu tuần này, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm lãi suất tham chiếu cho nợ vay thế chấp. Trung Quốc cũng thông báo các khoản vay đặc biệt trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29,1 tỷ USD) nhằm giúp đỡ một số công ty bất động sản hoàn thiện các căn nhà dở dang đã được bán từ trước.
Nhóm nhà phân tích tại S&P ước tính rằng doanh số bất động sản tại Trung Quốc sẽ lao dốc 1/3 trong năm nay, mức giảm tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính năm 2008. Cần lưu ý rằng thị trường bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 1/4 GDP Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế nước này lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa theo chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt.
Bà Sheana Yue, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận định triển vọng kinh tế của Trung Quốc đã trở nên u ám hơn trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Bà cho biết: “Diễn biến dịch bệnh xấu đi làm tăng thêm rủi ro gián đoạn và sẽ tiếp tục gây hại tới niềm tin người tiêu dùng. Rắc rối trong thị trường địa ốc có vẻ còn lâu mới được giải quyết. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã tăng cường hỗ trợ, chúng tôi ngờ rằng những biện pháp đó sẽ không tạo ra được nhiều động lực cho nền kinh tế”.