|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc dẫn dầu cuộc đua khai thác khoáng sản biển sâu

08:07 | 25/10/2019
Chia sẻ
Trung Quốc có khả năng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu khai thác khoáng sản dưới đáy biển nếu các qui tắc khai thác quốc tế được thông qua vào năm tới, người đứng đầu Cơ quan quản lí Đáy biển quốc tế (ISA) cho biết.

Hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy biển, như các kết hạch đa kim có chứa nickel, đồng, coban và mangan, được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với điện thoại thông minh và pin xe điện, và nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung.

ISA đã kí 30 hợp đồng với chính phủ các nước, tổ chức nghiên cứu và tổ chức thương mại cho giai đoạn thăm dò, trong đó Trung Quốc nắm giữ nhiều nhất, 5 hợp đồng.

Cơ quan ISA, được thành lập để quản lí tài nguyên dưới đáy biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), hướng tới áp dụng các qui tắc khai thác khoáng sản dưới đáy biển vào tháng 7/2020.

"Tôi tin Trung Quốc có thể dễ dàng nằm trong số những quốc gia đầu tiên (bắt đầu khai thác)", ông Michael Michael Lodge, Tổng thư ký của ISA, cho biết. Theo Reuters, ông đã có chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước.

"Nhu cầu về khoáng sản rất lớn và ngày càng tăng, không có nghi ngờ gì về thị trường".

180424033200DFXE

Ảnh: Reuters.

Ngoài ra còn có sự quan tâm từ các quốc gia châu Âu gồm Bỉ, Anh, Đức và Ba Lan, cũng như từ Trung Đông.

Tuy nhiên, chưa ai chứng minh rằng khai thác biển sâu có thể có hiệu quả về chi phí và một số tổ chức phi chính phủ đã đặt câu hỏi liệu có thể đạt được thỏa thuận về các qui tắc khai thác vào năm tới hay không.

"Tôi nghĩ nó khá ổn. Tôi cho rằng bản dự thảo hiện tại phần lớn đã hoàn tất", ông Lodge nói khi được hỏi về triển vọng áp dụng các qui tắc vào tháng 7 tới.

Một trong những vấn đề chưa được thống nhất là các khoản thanh toán tài chính tương ứng cho ISA để khai thác khoáng sản dưới vùng biển quốc gia.

"Chúng tôi đang xem xét thuế giá trị dựa trên giá trị của quặng tại điểm khai thác ... Phạm vi trung bình là 4 - 6% thuế giá trị, có khả năng tăng theo thời gian", theo ông Lodge.

Nếu các qui tắc được thông qua, có thể mất khoảng 2 - 3 năm để có được giấy phép bắt đầu khai thác biển sâu theo dự thảo hiện tại.

Nautilus Minerals của Canada đã cố gắng khai thác mỏ dưới nước để lấy đồng và vàng ở vùng biển quốc gia ngoài khơi Papua New Guinea, nhưng công ty đã hết tiền và phải nộp đơn xin bảo hộ vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, điều này đã không ngăn cản những người khác, chẳng hạn như Global Sea Mineral Resources (GSR), một đơn vị thuộc tập đoàn DEME của Bỉ và Deepreen của Canada, để tiếp tục thử nghiệm và nghiên cứu công nghệ.

Tháng 7, Greenpeace đã kêu gọi một lệnh cấm ngay lập tức về khai thác biển sâu để tìm hiểu thêm tác động tiềm năng của nó đối với các hệ sinh thái biển sâu, nhưng ISA đã từ chối đề xuất như vậy.

Lyly Cao