Trung Quốc công bố vắc xin ASF cho hiệu quả trong thí nghiệm
Theo cơ quan này, vắc-xin sống (vắc-xin giảm độc lực) được tạo ra từ một loạt các virus đã bị xóa mã gen và sử dụng chủng virus tả heo châu Phi làm nền tảng.
"Vắc-xin đang là sản phẩm thương mại hứa hẹn nhất và sẽ mang tới phương pháp kĩ thuật quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc và các quốc gia nhiễm dịch khác", Viện nghiên cứu Cáp Nhĩ Tân cho biết.
Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra triển vọng về thời điểm vắc-xin sẽ được đưa vào sản xuất.
Dịch tả heo châu Phi (ASF), gây chết ở heo nhưng không gây hại cho con người, lần đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2018, theo Bloomberg. Kể từ đó, đàn heo tại nhà tiêu thụ và sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới đã giảm gần một nửa trong khi các nhà nghiên cứu toàn cầu vẫn đang nghiên cứu phát triển vắc-xin ASF đầu tiên của thế giới.
Bệnh dịch gây ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt heo, theo đó kéo lạm phát lương thực ở quốc gia châu Á tăng cao. Điều này buộc Bắc Kinh phải kêu gọi các viện nghiên cứu trong nước ưu tiên phát triển một loại vắc-xin hiệu quả.
Đầu năm nay, Hiệp hội Vi sinh học Mỹ cho biết Washington và các chuyên gia đã phát triển thành công một loại vắc-xin chống sốt heo có hiệu quả 100%. Mặc dù điều này đầy hứa hẹn, nhưng sẽ cần vài năm để loại vắc-xin này được sử dụng tại các trang trại, theo giới chuyên gia.
Trung Quốc ưu tiên phát triển chính thức vắc-xin ASF sau khi phát hiện các loại vắc-xin thử nghiệm trái phép được sử dụng để tiêm cho hàng triệu con heo tại quốc gia châu Á. Những loại vắc-xin bất hợp pháp đã gây ra tình trạng khủng hoảng vì mức độ hiệu quả khác nhau, truyền thông địa phương đưa tin vào năm ngoái.