|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc cấm sử dụng iPhone tại cơ quan chính phủ

21:02 | 06/09/2023
Chia sẻ
Nguồn tin từ Wall Street Journal mới đây cho biết phía Trung Quốc đã cấm nhân viên tại các cơ quan chính phủ sử dụng iPhone và một số sản phẩm công nghệ nước ngoài khác tại cơ quan chính phủ để tăng cường bảo mật an ninh.

Wall Street Journal dẫn nguồn từ những bên quen thuộc cho biết phía Trung Quốc đã ra lệnh cho các quan chức tại cơ quan chính phủ không sử dụng iPhone của Apple và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài để làm việc hoặc đem chúng vào văn phòng.

Nguồn tin cho biết trong thời gian gần đây, nhân viên làm việc tại các cơ quan chính phủ đã được cấp trên đưa ra hướng dẫn về điều này. Chỉ thị này là bước đi mới nhất trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường bảo mật an ninh quốc gia.

Động thái của Bắc Kinh có thể gây ra tác động đối với các thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc, bao gồm cả Apple. Apple từ lâu đã thống trị thị trường điện thoại thông minh cao cấp tại Trung Quốc và coi Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của mình.

Cả phía Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (China’s State Council Information Office) và Apple đều chưa đưa ra bình luận thêm về vấn đề này.

Trung Quốc cấm nhân viên sử dụng iPhone tại các cơ quan chính phủ. (Ảnh: WSJ).

Các nguồn tin cũng tiết lộ rằng trong nhiều năm, Bắc Kinh đã hạn chế các quan chức chính phủ tại một số cơ quan sử dụng iPhone để làm việc, nhưng lệnh này hiện đã được mở rộng phạm vi áp dụng. Động thái mới nhất cũng báo hiệu nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảm bảo các quy định của Trung Quốc được thực thi nghiêm ngặt.

Hạn chế của Trung Quốc được đưa ra sau khi phía Mỹ đã có những lệnh cấm đối với một số công ty Trung Quốc trong quá khứ như Huawei Technologies, hay việc thắt chặt kiểm soát đối với TikTok, một nền tảng mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance.

Phía Bắc Kinh đã kêu gọi các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước thay thế công nghệ nước ngoài, bao gồm máy tính, hệ điều hành và phần mềm, bằng các sản phẩm “cây nhà lá vườn” mà họ cho là an toàn và có thể kiểm soát được.

Vào năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế quân nhân và nhân viên của các công ty nhà nước sử dụng xe điên Tesla, với lý do lo ngại rằng dữ liệu mà những chiếc xe thu thập được có thể là nguồn rò rỉ an ninh quốc gia, The Wall Street Journal đưa tin. Tuy nhiên, Tesla vẫn ghi nhận doanh số bán hàng “khủng” tại Trung Quốc.

Apple phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là thị trường lớn và địa điểm sản xuất, phần lớn đã “tách mình” khỏi cuộc chiếc công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Với hầu hết sản phẩm được lắp ráp tại Trung Quốc, Apple đã góp phần tạo ra hàng triệu việc làm tại quốc gia tỷ dân này.

Trong những năm qua, Apple đã tuân thủ luật pháp của Trung Quốc về quyền tự do kỹ thuật số, xóa hàng nghìn ứng dụng mà các quan chức Trung Quốc coi là không phù hợp khỏi cửa hàng ứng dụng của họ.

Apple đã thống trị thị trường điện thoại thông minh phân khúc có giá trên 600 USD tại Trung Quốc trong những năm gần đây sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất điện thoại 5G của Huawei. Huawei gần đây cũng đã tiết lộ thông tin về một mẫu smartphone cao cấp nhằm cố gắng một lần nữa thách thức vị thế của Apple.

Cuộc chiến công nghệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc

Trung Quốc yêu cầu một số công ty, bao gồm cả công ty nước ngoài, lưu trữ dữ liệu mà họ thu thập được từ thị trường Trung Quốc tại chính quốc gia này. Các công ty bao gồm Apple và Tesla đã xây dựng và sử dụng các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc, nhưng những động thái như vậy có thể không đủ để xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh về an ninh quốc gia.

Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường bảo mật an ninh đã diễn ra ít nhất trong vòng một thập kỷ gần đây, kể từ khi Edward Snowden tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã xâm nhập vào mạng máy tính của Trung Quốc vào năm 2013.

Một trong những chiến dịch gần đây của Bắc Kinh nhằm thay thế công nghệ nước ngoài nhằm vào chính quyền trung ương và địa phương cũng như các ngành công nghiệp khác nhau và được biết đến rộng rãi với tên gọi “Xinchuang”, hay đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin.

Cả chính phủ Trung Quốc và phương Tây đều đã ban hành một loạt lệnh cấm đối với nhiều thiết bị và công nghệ do phía bên kia sản xuất.

Cuối năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới đối với các thiết bị sản xuất chip và bán dẫn tiên tiến, nhằm ngăn chặn công nghệ Mỹ thúc đẩy sức mạnh ngành quân sự của Trung Quốc.

Mỹ cũng đã đặt ra các hạn chế đối với thiết bị liên lạc do các công ty Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả Huawei, công ty mà phía Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Huawei sau đó đã phủ nhận các cáo buộc mà Mỹ nhắm về phía mình.

Cũng tại Mỹ, nhiều tiểu bang đã thực hiện lệnh cấm viên chức sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị phục vụ công việc như điện thoại và máy tính xách tay. Các thành viên Quốc hội Mỹ đã đưa ra một số dự luật cấm TikTok trên toàn quốc, hoặc trao thêm quyền lực cho chính quyền Tổng thống Joe Biden để làm điều đó.

Anh Nguyễn