|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc, Ấn Độ chuẩn bị dàn trận trên sông

15:54 | 07/12/2020
Chia sẻ
Kế hoạch xây dựng "siêu đập" của Bắc Kinh khiến New Delhi cân nhắc xây dựng một dự án đối trọng tại sông Brahmaputra. Giới phân tích cảnh báo rằng cuộc chạy đua này có thể vượt tầm kiểm soát và gây ra hậu quả cho cả hai nước.
Ấn Độ và Trung Quốc chuẩn bị cho trận chiến mới: tranh giành nước - Ảnh 1.

Các tín đồ đạo Hindu ở Ấn Độ hành lễ bên bờ sông Brahmaputra ở Ấn Độ. (Ảnh: EPA-EFE).

Giữa các căng thẳng không hồi kết về xung đột biên giới và chia tách kinh tế, mối quan hệ mong manh giữa Ấn Độ và Trung Quốc giờ lại bị đe dọa bởi một điểm nóng mới: nước.

Cuộc xung đột mới được nhen nhóm bởi sự ngờ vực lẫn nhau, thiếu minh bạch và cạnh tranh gay gắt trên một trong những con sông lớn nhất thế giới với tên gọi Brahmaputra ở Ấn Độ và Yarlung Zangbo ở Trung Quốc.

Cuối tháng trước, Trung Quốc tiết lộ ý định xây dựng dự án thủy điện lớn nhất của nước này, có khả năng tạo ra lượng điện lớn gấp ba lần so với dự án đập Tam Hiệp.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) trích lời ông Yan Zhiyong, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc rằng dự án mới có thể sản xuất 70 triệu kWh và có qui mô lớn "chưa từng thấy trong lịch sử".

Mặc dù không công bố vị trí chính xác, nhưng Bắc Kinh nói rằng dự án có thể nằm gần "The Great Bend", nơi sông Brahmaputra quay ngoắt về phía nam để vào khu vực Arunachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ.

Nhiều người Ấn Độ lo ngại về tác động của một dự án lớn như vậy đối với an ninh nguồn nước và lương thực của nước họ cũng như nguy cơ Trung Quốc điều khiển dòng chảy để gây ra lũ lụt hoặc hạn hán.

Hai ngày sau, một quan chức Ấn Độ nói với Reuters rằng New Delhi đang cân nhắc một dự án thủy điện lớn của riêng mình trên Brahmaputra để "giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án đập của Trung Quốc".

Giới phân tích cảnh báo một cuộc chạy đua về nước giữa hai cường quốc châu Á có thể vượt quá tầm kiểm soát, gây ra hậu quả cho cả Bangladesh, nơi sông Brahmaputra chảy qua trước khi vào Vịnh Bengal.

Ông B.R. Deepak, Giáo sư về Trung Quốc học và tại Đại học Jawaharlal Nehru nhận định: "Xung đột biên giới, các bí ẩn và thông tin bí mật được che đậy xung quanh các con đập làm tình hình trầm trọng thêm".

Theo South China Morning Post (SCMP), cho đến nay, New Delhi vẫn tỏ ra thận trọng trước phản ứng của mình.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết cơ quan này "theo dõi cẩn thận tất cả các diễn biến" xung quanh sông Brahmaputra.

"Chính phủ Ấn Độ đã liên tục truyền đạt quan điểm và mối quan tâm tới các nhà chức trách Trung Quốc và thúc giục họ đảm bảo rằng lợi ích của các quốc gia hạ nguồn không bị tổn hại bởi bất kì hoạt động nào ở khu vực thượng nguồn", vị này cho biết.

Nhưng các nhà phân tích tin rằng trên thực tế, Ấn Độ đang che giấu lo ngại xung quanh dự án của Trung Quốc.

Ông Sayanangshu Modak, thành viên tại Quĩ Nghiên cứu Quan sát viên nhận định việc Trung Quốc thực hiện kế hoạch của mình sẽ là "mối lo lắng lớn đối với Ấn Độ".

"Khu vực này từng thường xuyên có sụt lở đất, lở tuyết và đến giờ cũng rất dễ xảy ra rủi ro. Nếu một tai nạn xảy ra làm vỡ đập, nó sẽ tạo ra thiệt hại cực kì lớn. Nhưng Trung Quốc không mất mát gì vì địa điểm này là nơi sông Brahmaputra rời khỏi Trung Quốc. Ấn Độ sẽ chịu tác động do nằm ở hạ nguồn".

Ấn Độ và Trung Quốc chuẩn bị cho trận chiến mới: tranh giành nước - Ảnh 2.

Ngư dân câu cá tại sông Brahmaputra ở Guwahati, Ấn Độ. (Ảnh: AFP).

Với năng lực kiểm soát dòng chảy của sông, Trung Quốc cũng có thể "gây ra lũ lụt ở hạ lưu" thông qua việc xả nước sông đột ngột, ông Modak nói tiếp.

"Chiến tranh tâm lí" kiểu này có thể tạo nên tác động nặng nề nhất trong số các ảnh hưởng của "siêu đập" mà Bắc Kinh có thể đang lên kế hoạch, bài nghiên cứu năm 2013 của Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ chỉ ra.

Việc kiểm soát dòng nước thông qua đập có thể mang lại cho Trung Quốc "khả năng cắt đứt nguồn cung cấp lương thực cho nước láng giềng lớn nhất".

"Một khi các con đập được xây dựng xong, khả năng gây ra đau khổ cho con người ở Ấn Độ và Bangladesh thông qua tình trạng thiếu nước và lương thực sẽ đứng sau bất kì yêu cầu nào từ Bắc Kinh". Bài viết gọi kịch bản này "gần như là mối đe dọa sống còn" đối với Ấn Độ.

Chuẩn tướng (đã nghỉ hưu) Deepak Sinha của Ấn Độ nói rằng vũ khí hóa nước và dòng chảy của sông là một kĩ thuật quân sự thường thấy. "Nhưng ngày nay chúng không có nhiều hiệu quả vì bị mất đi yếu tố bất ngờ trước các kĩ thuật giám sát tiên tiến của kẻ địch".

Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Theo SCMP, cho đến nay, cả hai bên có vẻ đều muốn giữ cho cuộc xung đột không trở nên ầm ĩ.

Một ngày sau khi Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đăng tin Trung Quốc đang muốn "xây dựng dự án thủy điện lịch sử", đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã làm rõ rằng dự án mới chỉ trong giai đoạn "lập kế hoạch sơ bộ" và "không cần phải nghĩ quá nhiều về nó". 

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn khẳng định rằng việc xây dựng một dự án lớn như vậy là "quyền hợp pháp của Trung Quốc".

Về phần mình, Ấn Độ cho biết Trung Quốc "đã thông báo với họ vài lần rằng Trung Quốc chỉ đang tiến hành các dự án thủy điện gần như không cần trữ nước và không có ý định chuyển hướng dòng chảy của sông Brahmaputra". Phát ngôn viên chính phủ cũng nói rằng Ấn Độ "có ý định tiếp tục hợp tác với Trung Quốc".

Nhưng với việc New Delhi đồng thời công bố việc xem xét xây dựng một con đập trên sông ở Arunachal Pradesh, mối quan hệ giữa hai nước có thể đang tiến tới gần điểm bấp bênh, Giáo sư Deepak cho biết.

Ông nói: "Trung Quốc phản đối các đập như vậy cùng với các dự án cơ sở hạ tầng khác mà Ấn Độ thực hiện ở Arunachal Pradesh. Do đó về cơ bản, sông Brahmaputra là một phần của vấn đề biên giới và địa chính trị giữa hai nước".

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.