|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng giàu lên nhờ sự học hỏi không ngừng để nắm 'know how'

08:20 | 21/06/2019
Chia sẻ
Bài viết dưới đây chỉ nêu ra một điển hình của kinh tế tư nhân đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh mà có những doanh nghiệp lớn đang phải vật lộn để sống còn.

Doanh nghiệp tự thân kinh doanh ra sao?

Phía Tây bắc TP HCM, cách trung tâm chỉ hơn 1h giờ xe, những cổ máy kéo sợi của Công ty CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã CK: STK) vẫn chạy miệt mài để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng từ các bạn hàng gồm cả các tập đoàn quốc tế như Nike, Adidas, Uniqlo, Shenzhou, Schori, Puma...

Suốt hơn 18 năm hoạt động, doanh nghiệp này vẫn miệt mài tận tuỵ với lĩnh vực sản xuất sợi nhân tạo, sợi tái chế với 3 dòng sản phẩm chính là sợi POY (Partially Oriented Yarn), sợi DTY (Drawn Texturized Yarn) và sợi FDY (Fully Drawn Yarn). 

Ngày nay, Sợi Thế Kỷ đang là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất sợi Microfilament và sợi tái chế, là 1 trong 5 doanh nghiệp sản xuất sợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam, tổng công suất đạt 63.300 tấn/năm.

z1424322903603_f3125955af9c21e05bf8d1a41ee42cdf

Bên trong nhà máy Sợi Thế Kỷ tại KCN Trảng Bàng, Tây Ninh

Trong năm 2018, Sợi Thế Kỷ đã phát triển thành công hai thị trường mới là Hàn Quốc và Nhật Bản, chuẩn bị cho những đơn hàng tiếp theo trong năm 2019. Góp phần giúp triển vọng kinh doanh ngày càng thêm sáng sủa. 

Riêng năm 2018, Sợi Thế Kỷ công bố đạt 2.408 tỉ đồng doanh thu, tăng 21% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỉ đồng, tăng đến 79% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.

Cổ phiếu STK cũng nổi lên như một hiện tượng bật nhất thị trường chứng khoán thuộc lĩnh vực dệt may. Đến nay, cổ phiếu STK đã tăng hơn 80% kể từ đầu năm 2019 sau khi đạt mốc lợi nhuận cao nhất trong lịch sử.

stk0

Diễn biến cổ phiếu STK từ đầu năm đến nay (20/6). (Nguồn: VNDirect)

Năm nay, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa (tỷ trọng mục tiêu 67%, bao gồm cả xuất khẩu gián tiếp), đồng thời phát triển các thị trường mới như Mỹ, Mexico, Indonesia… nhằm tận dụng lợi thế của Việt Nam có được từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hiệp định thương mại tự do. 

Theo đó, Sợi Thế Kỷ tự tin với kế hoạch lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng lên mốc 200 tỉ đồng năm 2019; riêng quý I/2019 đã thu về 52 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Chiến lược phát triển trong những năm tới, Sợi Thế Kỷ sẽ tiếp tục tăng trưởng về chất thay vì lượng, hướng đến sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao để gia tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, nhu cầu đơn hàng về sợi tái chế tốt hơn do xu hướng phát triển bền vững từ các thương hiệu thời trang quốc tế đang giúp công ty mở rộng thị phần sản phẩm sợi này.

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ, cho biết dự kiến trong 3 - 5 năm nữa, hơn phân nửa công suất hiện nay của Sợi Thế Kỷ sẽ không sản xuất mặt hàng sợi bình thường, thay vào đó là các sợi có tính năng đặc biệt, có giá trị gia tăng cao như sợi tái chế, sợi màu tái chế, sợi chập…

Qua đó, doanh nghiệp vẫn có thể tạo ra lợi nhuận nhiều hơn mà chưa cần phải đầu tư mở rộng đến năm 2020.

STK

Doanh thu và lợi nhuận Sợi Thế Kỷ giai đoạn 2011 - 2018. (HN tổng hợp)

Làm nhỏ, cải tiến rồi mới làm lớn

Để tạo dựng được một Sợi Thế Kỷ ngày nay là một câu chuyện dài của một người lăn lộn nhiều năm thương trường. 

Từ một nhân viên bán hàng, rồi trở thành quản lý trong công ty chuyên nhập khẩu sợi DTY của Ðài Loan, ông Đặng Triệu Hòa cuối cùng đã sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ của ngày nay.

Ông Hoà kể, những năm 1995 - 1999, ông là thương nhân kinh doanh sợi đầu tiên gần như độc quyền ở Việt Nam, sản lượng bán hàng mỗi tháng bán đạt hơn 1.000 tấn sợi, kiếm lợi nhuận 20 - 40% rất dễ dàng bởi vì ở thời điểm đó rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sợi, kể cả các DN nước ngoài. Tuy nhiên, khi thị trường bắt đầu cạnh tranh hơn, nếu chỉ làm thương mại sẽ không còn được lợi nhuận như trước đây.

Nhờ lợi thế thông thạo hai ngôn ngữ Anh và Trung Quốc, ông Hòa đã có cơ hội làm việc thường xuyên với các chuyên gia trong ngành, từ đó ông dần nắm rõ về quy trình sản xuất sợi. Kế hoạch dấn thân vào lĩnh vực sản xuất được ông Hoà hình thành. Năm 2000, nhà máy chính thức hoạt động.

"Khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động và liên tục trong 5 năm đầu, tôi phải làm việc 16 - 17 tiếng mỗi ngày, không về nhà vì đi lại bất tiện", ông Hoà nói.

Theo ông Hoà, thời điểm 2003, hàng Trung Quốc đã hồ ạt đổ vào Việt Nam với đặc tính rẻ nhưng chất lượng thấp, Sợi Thế Kỷ phải làm khác đi, chỉ có chất lượng mới có chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng. Vì vậy, phải đầu tư, cải tiến liên tục để tạo ra sản phẩm chất lượng cho chất lượng với chi phí thấp là bài toán mà vị doanh nhân này đặt ra và tìm cách giải quyết.

stk3

(Ảnh: đtck, thiết kế: TV)

Từ những cổ máy "second hand" được mua lại ngày đầu, năm 2003, ông Hòa quyết định đầu tư thêm nhiều máy móc mới hiện đại của Đức. Ðến năm 2005, sau khi cổ phần hóa và huy động được vốn, năm 2008, công ty bắt đầu đầu tư thêm dây chuyền để tự sản xuất thêm sợi POY, khép kín quy trình sản xuất.

Ông Hoà lập lại rằng, ông không chỉ mua thiết bị, mà là cách thức vận hành để nắm bắt công nghệ. Ông đã yêu cầu đối tác phải cử chuyên gia về đạo tạo trong vòng 6 tháng và hỗ trợ khi cần thiết. Qua đó, đội ngũ nhân sự của Sợi Thế Kỷ đã nhanh chóng nắm bắt công nghệ và tính toán cho các kế hoạch mở rộng, đầu tư sau này.

Mấu chốt ở "Know how"

"Thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc rất tốt, của hãng nổi tiếng, nhưng khi ghép vào hệ thống thì gặp trục trặc, tiêu hao lớn, thua lỗ là tất yếu", ông Hoà chia sẻ.

Theo ông Hoà, không phải cứ có tiền bỏ tiền ra mua máy là được, đã từng có doanh nghiệp mà Sợi Thế Kỷ mua máy gì thì họ mua đúng y chang nhưng khi đưa vào vận hành thì thất bại. Vì sao một bên làm được mà nơi khác làm theo y chang nhưng cuối cùng vẫn không thành công? 

"Mấu chốt đó chính là sự am hiểu -  know how", ông Hoà nhận định.

Bởi theo ông Hoà, Sợi Thế Kỷ phát triển như ngày hôm nay là do trong quá trình đầu tư, Công ty đã tính toán rất kỹ lưỡng nên đầu tư máy móc nào, sự ăn khớp giữa các máy ra sao, cũng như tính toán chi tiết cả việc tiêu thụ điện năng. Chẳng hạn, nhu cầu của dây chuyền hiện chỉ cần dùng 500 m3 hơi, nhưng mua thiết bị phụ trợ lên đến tới 5.000 m3, đến khi vận hành đã tiêu hao đến 90%.

Dù vậy, trong thực tế, trong hành trình 18 năm phát triển, Sợi Thế Kỷ cũng có những sai lầm, chẳng hạn mua thiết bị không khớp nhau, điện năng tiêu thụ nhiều hơn nhu cầu cần thiết... Song, những sai sót được điều chỉnh và rút kinh nghiệm cho những dự án sau làm tốt hơn.

"Nếu giao dịch sai 1.000 tấn sản phẩm thì chỉ phải trả giá cho 1.000 tấn đó, nhưng nếu đầu tư nhà máy sai thì phải trả giá trong hàng chục năm sau đó", ông Đặng Triệu Hòa cho rằng, việc đầu tư cần phải tính toán vô cùng kỹ lưỡng.

stk4

Hiệu quả sử dụng vốn Sợi Thế Kỷ qua phần lớn năm duy trì ở mức hai con số. (HN tổng hợp)

Sự thận trọng của ông Hoà thể hiện rõ nét ở các dự án đầu tư. Hầu như mọi dự án sản xuất đều được thử nghiệm một vài dây chuyền trước, nếu có sai sót có thể sửa lỗi, đến khi hiệu quả mới mở rộng đầu tư số lượng lớn.

Chẳng hạn như trong năm 2019, Sợi Thế Kỷ sẽ triển khai dự án sợi màu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, không thải chất độc hại ra môi trường. Vốn đầu tư dự kiến khoảng 200.000 - 300.000 USD cho sợi màu, với công suất 4.000 tấn/năm. Thời gian đầu, Sợi Thế Kỷ sẽ dùng 1 - 2 dây chuyền gắn thiết bị phụ trợ để chạy sợi màu. Khi nhu cầu tăng thêm, công ty sẽ bổ sung thiết bị phụ trợ cho các dây chuyền tiếp theo.

Huy Nguyên