|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao xảy ra thất thoát vốn ở doanh nghiệp nhà nước?

06:55 | 16/11/2018
Chia sẻ
Tại hội thảo xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ở Hà Nội ngày 15/11, các chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra thực trạng giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa hiệu quả, gây thất thoát lãng phí. Tư duy quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hành chính và dựa trên quan hệ thân hữu.
vi sao xay ra that thoat von o doanh nghiep nha nuoc Philippines muốn nhập khẩu 203.000 tấn gạo từ các doanh nghiệp nhà nước
vi sao xay ra that thoat von o doanh nghiep nha nuoc
Nhà máy đạm Ninh Bình - một trong những dự án đầu tư thua lỗ. (Ảnh minh họa)

Suy thoái

Đánh giá về việc quản lý vốn nhà nước tại DNNN, PGS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, DN tư nhân mua mớ rau tính kỹ nhưng DNNN ký hợp đồng tỷ đồng rất dễ dàng. Để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, bản thân DN phải có thể chế giám sát và giám sát từ bên ngoài. Từ đó mới có thể giúp việc đầu tư các dự án đảm bảo hiệu quả.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, hoạt động kinh doanh của DNNN thiếu công khai, minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, nhất là trong mua sắm, đầu tư, công tác cán bộ, giao dịch với người có liên quan. Việc thực hiện công bố thông tin còn mang tính hình thức và trách nhiệm giải trình của DNNN còn thấp. Trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp của cán bộ quản lý DNNN còn nhiều hạn chế. Có tình trạng cán bộ quản lý DNNN vì không muốn quyền lợi và lợi ích cá nhân đã làm chậm tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành tại doanh nghiệp nhà nước.

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng cho bản thân và gia đình, họ hàng, tham nhũng. Từ đó, gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, nhà nước và niềm tin vào khu vực DNNN. Một số DN vi phạm các quy định quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của nhà nước nhưng chậm được phát hiện”, ông Tuấn nêu thực trạng.

Ông Tuấn thẳng thắn chỉ ra thực tế, quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý DNNN chưa phù hợp với sự hoạt động của DN theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính. Trong nhiều trường hợp thực hiện “đúng quy trình” nhưng không đúng thực chất; “quy trình” nhiều trường hợp trở thành bình phong cho những sai phạm, vụ lợi, khuất tất trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Tư duy quản lý hành chính và quan hệ thân hữu (kể cả quan hệ lợi ích và không loại trừ các yếu tố tiêu cực, chạy chức, chạy quyền) vẫn chi phối không nhỏ trong việc tuyển chọn, bố trí cán bộ quản lý DNNN.

Nên cho DNNN yếu kém phá sản

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, việc quản lý DNNN phải đảm bảo 2 mục tiêu: tạo lợi nhuận, phát triển vốn và làm đúng chính sách của nhà nước. Nhà nước hỗ trợ DNNN phát triển nhưng chỉ hỗ trợ “người thắng cuộc” - những DNNN làm ăn hiệu quả. Chúng ta phải đặt DNNN vào thị trường, buộc họ phải cạnh tranh thì mới có thể nâng cao hiệu quả. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch bằng việc yêu cầu tất cả DNNN phải đăng ký trên thị trường chứng khoán. Các nước như Trung Quốc yêu cầu DNNN đăng ký trên thị trường chứng khoán trong nước và thị trường chứng khoán thế giới.

“Chúng ta học các nước, cho phép DNNN kinh doanh đa ngành nghề nhưng cuối cùng họ đầu tư linh tinh, gây hậu quả đáng tiếc. Chúng ta nên cho DNNN yếu kém phá sản như các loại hình DN khác. Hiện nay, chúng ta hầu như không dám cho DNNN phá sản nên không có động lực buộc nó phải thay đổi”, ông Tuyển nói.

Theo ông Tuyển, hằng năm Chính phủ phải báo cáo trước Quốc hội về hiệu quả hoạt động của DNNN để Quốc hội giám sát thường xuyên. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xác định rõ vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa thành lập. Nếu cơ quan này chỉ làm nhiệm vụ duy trì, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước sẽ không cần thiết, vì SCIC đã làm tốt nhiệm vụ này.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính của nhà nước với DNNN nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giám sát chưa cao. Mô hình quản lý phân tán làm cho DNNN phải thực hiện nhiều báo cáo, làm mất thời gian và gây chậm trễ trong việc nộp báo cáo.

“Phương thức giám sát của chúng ta chủ yếu thực hiện giám sát sau, giám sát gián tiếp thông qua báo cáo tài chính nên không nhận định được rủi ro để có những cảnh báo kịp thời cho DNNN. Trong khi mục tiêu của việc giám sát tài chính là để phát hiện kịp thời và cảnh báo được những rủi ro xảy ra, đưa ra giải pháp giảm thiểu rủi ro cho DN. Giám sát trước đối với chiến lược, kế hoạch phát triển của DNNN sẽ đánh giá được mức độ phù hợp và khả thi của kế hoạch”, ông Đạt cho biết.

Trước thực trạng trên, ông Đạt kiến nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để triển khai quản lý. Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước cần đảm bảo theo thông lệ của thị trường và tuân thủ theo các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Cơ chế quản lý tài chính của nhà nước cần được hoàn thiện lại để phù hợp với mô hình quản lý mới. Phải tiếp tục thống nhất quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây. Cơ chế quản lý tài chính sẽ tập trung vào khâu giám sát tài chính thông qua theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin để phân tích, đánh giá, cảnh báo rủi ro cho các DNNN nhằm đảm bảo an toàn vốn nhà nước.

“Trình tự giám sát DNNN nên theo hướng chú trọng giám sát trước và giám sát trong, đồng thời truy cứu trách nhiệm sau. Cơ quan chức năng cần xây dựng các chỉ tiêu gồm cả định tính và định lượng để đánh giá người đại diện để tránh hiện tượng lạm quyền, có hành vi vi phạm các quy định của chủ sở hữu vốn nhà nước”, ông Đạt kiến nghị.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quỳnh Nga

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.