PVTex - Hành trình từ “con cưng” đến “cục nợ” nghìn tỷ
Ảnh minh họa |
Đã từng rất được kỳ vọng
Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) được thành lập vào tháng 3 năm 2008 trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
PVTex có 23 cổ đông tham gia góp vốn điều lệ, trong đó có 5 cổ đông sáng lập gồm PVN (14%), Vinatex (14%), Tổng CTCP Phong Phú (5%), CTCP Tài chính Dầu khí (10%) và CTCP Kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam (5%).
Qua 3 lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông sau đó, đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của PVTex tăng từ 160 tỷ lên 1.996 tỷ đồng. PVN đã bỏ tiền ra mua lại cổ phần cổ phần từ các cổ đông khác để tăng tỷ lệ góp vốn. Toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của PVN và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng CTCP Tài chính dầu khí, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ).
Dự án công suất thiết kế đạt 500 tấn xơ sợi/ngày (175 nghìn tấn/năm), tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 325 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng), trong đó, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại 70% là đi vay.
Đây là nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc với kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, sẽ cung cấp xơ sợi nhằm thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
PVTex khi đó cho hay, dây chuyền sản xuất được sử dụng đều là những công nghệ mới và hiện đại nhất trong lĩnh vực xơ sợi tổng hợp - polyester bao gồm: Công nghệ hai bình phản ứng của cụm phân xưởng Trùng ngưng - Polycondensation được cung cấp bởi Nhà cung cấp bản quyền Uhde Inventa Fisher (UIF) – CHLB Đức. Dây chuyền sản xuất sợi được trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại nhất của Barmag – CHLB Đức. Dây chuyền sản xuất xơ được cung cấp bởi Công ty Neumag - CHLB Đức. Bên cạnh đó, nhà máy được trang bị hệ thống Điều khiển DCS thế hệ mới nhất của Yokogawa để đảm bảo công tác vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả.
Theo đó, sản phẩm xơ sợi của PVTex sẽ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thay thế được các sản phẩm xơ sợi đang được nhập khẩu khi đó. PVTex cũng cho biết, có thể đáp ứng từ 30 - 40% nhu cầu xơ sợi của thị trường trong nước, thậm chí còn tự tin cho rằng, các sản phẩm của mình hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu và đủ sức cạnh tranh trong khu vực, cũng như trên thị trường quốc tế.
“Vực sâu” 3.000 tỷ
Kỳ vọng là vậy, nhưng thực tế lại diễn ra không đúng như những gì mà Ban lãnh đạo PVTex đã vẽ ra. Ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng nhà máy nhiều đợt để tập trung tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn.
Theo đó, ngay trong năm đầu tiên đi vào vận hành, PVTex đã báo lỗ lên tới 1.086 tỷ đồng, doanh thu không bù nổi chi phí.
Trước sức ép lỗ lớn, để giảm thiểu thiệt hại về tài chính, nhà máy tiếp tục phải dừng hoạt động trong ba tháng đầu năm 2015 để tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn vẫn không ngừng đeo đuổi doanh nghiệp khiến PVTex một lần nữa lại phải dừng hoạt động vào tháng 9/2015 và kéo dài đến hết năm.
Đầu năm 2016, PVTex đã lên kế hoạch hoạt động trở lại trong quý I. Tuy nhiên cho tới nay, nhà máy này vẫn đang “án binh bất động”.
Báo cáo mới đây của PVTex cho biết, tính đến 30/6/2016, doanh nghiệp đã lỗ lũy kế 3.080 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 823,1 tỷ đồng. Trong khi đó, gần ngàn công nhân của doanh nghiệp đang trong tình trạng thấp thỏm “chờ việc” từ nhiều tháng nay.
Và mục tiêu đáp ứng 40% nhu cầu xơ sợi thị trường trong nước của PVTex đến nay vẫn chỉ là “mục tiêu” bởi không được các doanh nghiệp dệt may ưa chuộng do chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp không ổn định trong khi lại cao hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu.
“Xa rời thực tế”
Một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy PVTex vào tình cảnh bết bát như hiện nay chính là những tính toán “xa rời thực tế” của Ban lãnh đạo công ty trước khi tiến hành xây dựng dự án, khiến phát sinh khoản chênh lệch rất lớn so với dự tính.
Cụ thể, chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD, nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác theo tính toán chỉ 500.000 USD song thực tế lên tới 11 triệu USD.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng. Tuy nhiên, sau khi rà soát, cập nhật các định mức vật tư, tiêu hao, nhân công, lãi vay theo thực tế cũng như cập nhật giá nguyên liệu và sản phẩm cho thấy thời gian thu hồi vốn của dự án đã nhảy lên 22 năm 10 tháng, cao hơn tuổi thọ trung bình 1 dự án là 22 năm. Do đó dự án này được đánh giá là không có hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, qua quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ mới đây cho biết, dự án có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Thanh tra Chính phủ phát hiện trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị.
Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
"PVN và Vinatex là đại diện sở hữu vốn tại PVTex chưa kịp thời xử lý thay đổi phát sinh, còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, dẫn đến chi phí tăng cao. Cụ thể, chi phí đào tạo lên tới 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35 triệu USD”, Thanh tra Chính phủ cho hay.