Số phận của Vũ Đình Duy trong vụ án PVTex
Trong vụ án“Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại CTCP Hóa dầu và Sơ sợi Dầu khí (PVTex) sẽ được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày mai (28/8), sai phạm của Vũ Đình Duy (nguyên TGĐ PVTex) đã được Cơ quan CSĐT làm rõ.
Tuy nhiên, sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã vào ngày 26/6/2017.
Do thời gian điều tra đã hết nhưng chưa bắt được Vũ Đình Duy nên ngày 11/6/2018, Cơ quan CSĐT ra Quyết định tách vụ án hình sự, Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Vũ Đình Duy, khi bắt được Duy sẽ tiếp tục điều tra xử lý.
Theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, nguyên TGĐ PVTex Vũ Đình Duy đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án không đúng năng lực, kinh nghiệm…
Cụ thể, PVC.KBC không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn được chỉ định và ký hợp đồng cùng nhà thầu liên danh HEERIM-PVC thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây lắp Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên” của PVTex. Liên danh nhà thầu này đã thi công trái với thiết kế cơ sở được duyệt.
Bị can Vũ Đình Duy, nguyên TGĐ PVTex. |
Bên cạnh đó, Vũ Đình Duy còn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về tạm ứng trong hợp đồng xây dựng, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cán bộ dưới quyền làm thủ tục tạm ứng 20 tỷ đồng cho PVC.KBC, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vũ Đình Duy còn lợi dụng chức vụ quyền hạn và sự ảnh hưởng của mình, buộc Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ PVC.KBC) phải đưa 3 tỷ đồng để hưởng lợi cá nhân.
Như vậy, hành vi của Vũ Đình Duy đã phạm 2 tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Qua lời khai của bị cáo Hồng, Hồng đã phải chi phí cho Vũ Đình Duy hơn 8,8 tỷ đồng để sửa nhà, góp cổ phần cho Duy tại PVC.KBC.
Cũng theo cáo trạng, sau khi được tạm ứng 25 tỷ đồng khi thực hiện một số hạng mục tại Dự án xây dựng nhà máy Polyester Đình Vũ, Đỗ Văn Hồng đã không sử dụng vào Dự án.
Nhưng Hồng và PVC.KBC vẫn hoàn thành các phần việc theo Hợp đồng, vì vậy, CQĐT không xử lý hình sự đối với bị can Hồng về sai phạm trong việc đề xuất tạm ứng, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, hành vi này có liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nên CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ.