|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

5 điều cần biết trong thương vụ sáp nhập Honda và Nissan

11:19 | 23/12/2024
Chia sẻ
Honda và Nissan đang cân nhắc hợp tác chiến lược, mở ra cơ hội tái định hình ngành công nghiệp ô tô giữa bối cảnh cạnh tranh về công nghệ và điện khí hóa ngày càng gay gắt.

Honda Motor và Nissan Motor dự kiến sẽ thông báo về kế hoạch đàm phán sáp nhập trong ngày 23/12. Động thái này xuất phát từ áp lực của ngành công nghiệp ô tô trong cuộc đua nhanh chóng hướng tới điện khí hóa và tích hợp phần mềm.

Câu hỏi đặt ra là liệu hai đối thủ với bối cảnh khác biệt, từ lịch sử, giá trị doanh nghiệp đến thế mạnh và hiệu quả tài chính, có thể hợp tác hiệu quả để bắt kịp tốc độ cạnh tranh hay không.

Dưới đây là năm điều cần biết về hai công ty và ý nghĩa của việc sáp nhập đối với họ cũng như ngành ô tô.

Sự chuyển đổi của ngành ô tô sang điện khí hóa và các công nghệ mới khác có thể thúc đẩy Honda Motor và Nissan Motor hợp nhất. (Ảnh: Nikkei).

Nguồn gốc của Honda và Nissan?

Lịch sử hình thành khác biệt của Honda và Nissan đã tạo nên hai phong cách kinh doanh rất riêng. Honda, ban đầu là nhà sản xuất xe máy, luôn theo đuổi sự sáng tạo và mạo hiểm. Trong khi đó, Nissan lại thiên về sự ổn định, tập trung mở rộng ra thị trường quốc tế và xây dựng các liên minh.

Honda được sáng lập bởi Soichiro Honda (1906-1991), một kỹ sư bắt đầu kinh doanh sửa chữa ô tô khi mới 21 tuổi. Năm 1948, chỉ ba năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông thành lập công ty mang tên mình để sản xuất xe máy. Ý tưởng này bắt nguồn từ việc ông chế tạo động cơ phụ gắn vào xe đạp, giúp vợ ông dễ dàng vận chuyển các bao gạo nặng.

Quá khứ đó đã định hình tham vọng hiện tại của Honda, vượt xa lĩnh vực ô tô. Công ty sản xuất nhiều loại sản phẩm, từ xe máy, máy bay cá nhân, động cơ tàu nhỏ đến máy cắt cỏ. Trong thập niên 1990, Honda còn giới thiệu robot hình người tự hành đầu tiên trên thế giới.

Honda cũng là một tên tuổi lớn trong làng đua xe. Năm 1964, hãng tham gia giải đua Công thức 1, chỉ ít lâu sau khi ra mắt mẫu ô tô đầu tiên.

Một chiếc xe đạp được trang bị động cơ của Honda. (Ảnh: Shoya Okinaga/Nikkei).

Khác với Honda, nguồn gốc của Nissan gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa do chính phủ Nhật Bản dẫn dắt vào đầu thế kỷ 20.

Yoshisuke Aikawa (1880-1967), một người có quan hệ họ hàng với một chính trị gia nổi tiếng, đã phát triển công ty đúc kim loại của mình thành một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, tập đoàn này bị các nước Đồng Minh giải thể.

Nissan được thành lập năm 1933 như một phần của tập đoàn, với mục tiêu sản xuất xe hơi giá rẻ nhưng chất lượng cao tại Nhật Bản để cạnh tranh với các xe nhập khẩu.

Từ những năm đầu, Nissan đã mạnh dạn mở rộng ra thị trường quốc tế. Trong thập niên 1930, các xe mang thương hiệu Datsun của hãng được xuất khẩu sang nhiều khu vực khác ở châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Đến thập niên 1960, công ty xây dựng cơ sở bán hàng tại Mỹ và nhà máy sản xuất tại Mexico.

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1990, Nissan gặp khủng hoảng kinh doanh và buộc phải liên minh với Renault của Pháp vào năm 1999. Dưới sự lãnh đạo của CEO Carlos Ghosn, người được Renault cử đến, công ty đã được tái cấu trúc toàn diện. Nhưng sau khi Ghosn bị bắt vào năm 2018 vì cáo buộc sai phạm tài chính, Nissan rơi vào khủng hoảng quản lý, khiến hiệu quả kinh doanh giảm sút nghiêm trọng.

Những chiếc xe dưới thương hiệu Datsun của Nissan đã được vận chuyển từ Nhật Bản đến các khu vực khác của châu Á và Nam Mỹ vào những năm 1930. (Nguồn: Nikkei).

Điểm mạnh và điểm yếu của hai công ty?

Nissan là một trong những hãng xe đi đầu trong lĩnh vực xe điện, với mẫu Leaf ra mắt từ năm 2010. Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp khó khăn tại thị trường Mỹ trong năm nay. Doanh số xe điện chững lại, trong khi nhu cầu với xe hybrid - loại xe kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện, lại tăng cao. Nissan hiện không có mẫu xe hybrid nào tại Mỹ, đây là một điểm yếu lớn.

Honda, ngược lại, là chuyên gia trong lĩnh vực xe hybrid và cũng là hãng xe đầu tiên bán loại xe này tại thị trường Mỹ. Nhờ vào dòng sản phẩm đa dạng, bao gồm cả xe hybrid và xe động cơ đốt trong, doanh số của Honda tại Mỹ trong 6 tháng đầu năm đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Sanshiro Fukao, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Itochu, “Sau khi sáp nhập, Honda có thể cung cấp xe hybrid cho Nissan tại thị trường Mỹ. Các đại lý Nissan sẽ có thêm các mẫu xe hấp dẫn để thu hút khách hàng, trong khi Honda có cơ hội gia tăng doanh thu.”

Trước khi bắt đầu thảo luận về sáp nhập, cả hai hãng đã hợp tác trong lĩnh vực xe điện và phần mềm ô tô. Vào tháng 8, Honda và Nissan đã ký hợp đồng cùng nghiên cứu phát triển một nền tảng phần mềm chung, với sự tham gia của Mitsubishi Motors.

Hai hãng cũng đang xem xét việc chia sẻ nguồn cung pin, cũng như các thông số kỹ thuật cho động cơ và biến tần - những thành phần quan trọng của xe điện. Các kỹ sư của Honda và Nissan cũng đang hợp tác nghiên cứu các công nghệ then chốt như chất bán dẫn và nền tảng dữ liệu.

Tình hình tài chính?

 

Honda đang có hiệu quả kinh doanh ổn định, trong khi Nissan gặp nhiều khó khăn.

Trong quý II và quý III, Honda ghi nhận lợi nhuận hoạt động đạt 742,6 tỷ yên (4,7 tỷ USD), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty duy trì tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao ở mức 18% trong mảng xe máy và đạt doanh số xe hybrid ấn tượng tại Mỹ, dù doanh thu từ ô tô ở Trung Quốc giảm sút.

Ngược lại, Nissan báo lỗ ròng 9,3 tỷ yên (59 triệu USD) trong quý III, do lợi nhuận giảm tại các thị trường quan trọng như Mỹ và Trung Quốc. Chủ tịch kiêm CEO Makoto Uchida thông báo kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm trên toàn cầu và giảm 20% công suất sản xuất nhằm cải thiện tình hình.

Ông Uchida cũng cho biết công ty đang xem xét lại các mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh ba năm, vốn vừa được công bố vào tháng 3 năm nay. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình phục hồi càng sớm càng tốt,” đồng thời nhấn mạnh việc đẩy nhanh hợp tác chiến lược với Honda trong lĩnh vực xe điện và phần mềm.

Thị trường đã phản ứng rõ rệt trước thông tin sáp nhập. Sau khi Nikkei đưa tin về các cuộc đàm phán, giá cổ phiếu của Nissan tăng 23,7% so với phiên giao dịch trước đó, trong khi cổ phiếu của Honda giảm 3%. Một số nhà phân tích nhận định Nissan có thể trở thành gánh nặng cho Honda về mặt tài chính.

Các liên minh và đối tác của Nissan và Honda

Nissan hiện thuộc liên minh với Renault và Mitsubishi. Ban đầu, thỏa thuận giữa Renault và Nissan không bình đẳng. Renault sở hữu 37% cổ phần của Nissan (sau đó tăng lên 43%) để cứu công ty này. Ngược lại, Nissan chỉ nắm 15% cổ phần của Renault từ năm 2002. Đến năm 2023, hai bên đã tái cấu trúc quan hệ thành đối tác bình đẳng, mỗi bên giữ 15% cổ phần của nhau.

Năm 2010, Nissan và Renault thiết lập quan hệ chiến lược với Daimler (Đức). Mục tiêu là sản xuất chung và phát triển động cơ, nhưng mối quan hệ này đã suy giảm khi sở hữu chéo giữa ba công ty bị giải thể vào năm 2021.

Năm 2016, Nissan mua 34% cổ phần của Mitsubishi, khi Mitsubishi đang gặp khủng hoảng vì bê bối gian lận trong kiểm tra nhiên liệu. Nissan hướng đến chia sẻ nền tảng xe, phát triển công nghệ và cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, vào tháng 11 vừa qua, Nissan đã bán 10% cổ phần để tăng tính linh hoạt về tài chính.

Chủ tịch Nissan Makoto Uchida (trái) và người đồng cấp Honda, Toshihiro Mibe, bắt tay tại một cuộc họp báo vào đầu tháng 8. (Ảnh: Sae Kamae/Nikkei).

Honda từng được xem là hãng xe “đơn độc”, với cách tiếp cận tự chủ và không phụ thuộc. Nhưng những năm gần đây, Honda đã thay đổi chiến lược, tập trung vào hợp tác trong công nghệ và dịch vụ.

Tại buổi họp báo vào tháng 8 về hợp tác với Nissan, CEO Honda Toshihiro Mibe nhấn mạnh: “Tốc độ thay đổi trong lĩnh vực điện khí hóa và trí thông minh đang vượt xa dự đoán của chúng tôi. Nếu tiếp tục tự làm, chúng tôi sẽ không thể bắt kịp.”

Honda bắt đầu hợp tác với General Motors năm 2013 để phát triển hệ thống pin nhiên liệu hydro. Cả hai từng có kế hoạch mở rộng sang dịch vụ di chuyển tự động, nhưng dự án đã bị hủy.

Năm 2023, Honda ký kết biên bản ghi nhớ với IBM để nghiên cứu công nghệ máy tính thế hệ mới trong dài hạn.

Năm 2022, Honda và Sony thành lập liên doanh Sony Honda Mobility để phát triển xe điện (EV). Dự kiến, mẫu xe đầu tiên mang tên Afeela sẽ ra mắt vào năm 2025.

Các liên minh quan trọng khác trong ngành ô tô?

Trong số 8 nhà sản xuất ô tô du lịch tại Nhật Bản, chỉ Honda, Nissan và Mitsubishi không có mối liên kết với Toyota.

Toyota và Suzuki Motor hiện nắm giữ một lượng nhỏ cổ phần của nhau. Daihatsu Motor thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota. Suzuki và Daihatsu có thế mạnh trong sản xuất xe cỡ nhỏ, giúp bổ sung danh mục sản phẩm của Toyota. Toyota cũng có quan hệ đối tác vốn với Subaru và Mazda Motor, hai hãng xe nổi bật với các công nghệ động cơ độc đáo.

Cuộc đua hướng tới điện khí hóa và công nghệ phần mềm đang thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô toàn cầu tìm kiếm các liên minh mới. Vào tháng 9, General Motors và Hyundai Motor của Hàn Quốc đã công bố ý định hợp tác trong các lĩnh vực này.

Volkswagen của Đức cũng đã thành lập một liên doanh với Rivian Automotive, một công ty khởi nghiệp của Mỹ.

 

“Mô hình liên minh trong ngành đang thay đổi. Các hãng xe giờ đây tìm kiếm đối tác có năng lực bổ sung để bù đắp điểm yếu về công nghệ hoặc khu vực, thay vì chọn những đối tác có năng lực tương tự,” một chuyên gia kinh doanh và công nghệ ô tô tại Tokyo cho biết. Người này từ chối nêu tên để tránh ảnh hưởng đến khách hàng của mình.

Vị chuyên gia cũng nhận định rằng việc Honda và Nissan hợp tác có thể gợi nhớ đến xu hướng từ “vài năm trước,” khi ngành công nghiệp ô tô tại châu Âu và Mỹ tái cấu trúc mạnh mẽ, dẫn đến sự ra đời của tập đoàn Stellantis đa thương hiệu. “Honda và Nissan cần chứng minh rằng mối quan hệ hợp tác này là một chiến lược phù hợp để đối mặt với các thách thức trong tương lai.”

Đức Huy