Triển vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc còn nhiều bấp bênh
Trung Quốc, nơi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát đầu tiên hồi tháng 12/2019, là nền kinh tế lớn đầu tiên bắt đầu phục hồi sau khi nước này tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh.
Dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc cũng không thể nào tránh khỏi những tác động mạnh của dịch COVID-19 giữa lúc các doanh nghiệp, văn phòng và trung tâm mua sắm buộc phải đóng cửa để khống chế dịch.
Những ảnh hưởng khốc liệt của dịch bệnh
Theo các số liệu chính thức mới nhất, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý I/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái - lần giảm đầu tiên trong gần ba thập niên do các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Người phát ngôn của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) Mao Shengyong cho rằng mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc suy giảm sâu, song sự phát triển kinh tế và xã hội của nước này vẫn ổn định.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ hồi phục tốt hơn trong quý II/2020 với sự khôi phục hoạt động sản xuất và việc làm, cũng như sự hỗ trợ từ các chính sách mạnh mẽ hơn mà nước này sẽ triển khai.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu trưởng Wen Bin của China Minsheng Bank, thị trường việc làm của Trung Quốc nhìn chung vẫn ổn định và không có tình trạng sa thải lao động hàng loạt do dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị của Trung Quốc trong tháng 3/2020 là 5,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng 2/2020.
Việc các doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động và người lao động quay trở lại làm việc trong tháng 3/2020, trong bối cảnh diễn biến của dịch COVID-19 tại Trung Quốc không còn đáng ngại như trước đã giúp “kéo lại” phần nào mức sụt giảm của các hoạt động chế tạo, đầu tư và chi tiêu tiêu dùng trong hai tháng đầu năm 2020.
Giới phân tích cho rằng các hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện trong quý II/2020 và thời gian sau đó.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Kenneth Kang nhận định sau khi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong quý I/2020, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi trong quý II/2020 và cả nửa cuối năm nay, khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ và sự hỗ trợ chính sách mang lại hiệu quả.
Theo quan chức trên, khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường và quay về mức trước khi dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ được cải thiện, dù triển vọng này đứng trước những rủi ro. Ông cho rằng dịch bệnh có thể tái phát, buộc phải thực hiện các biện pháp kiểm soát mới, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Ông Kang nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã có phản ứng mạnh trước dịch, khi hành động có mục tiêu nhằm ngăn chặn dịch, giảm thiểu tác động đến nền kinh tế và hỗ trợ sự phục hồi.
Ông cho đó là phản ứng đúng đắn. Theo ông, bên cạnh việc hỗ trợ phản ứng về y tế, các biện pháp tài khóa cần tập trung vào các nỗ lực nhằm tái cân bằng nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Triển vọng phục hồi còn nhiều gian nan
Chuyên gia Julian Evans-Pritchard thuộc công ty tư vấn tài chính Capital Economics đánh giá rằng có những dấu hiệu cho thấy sau đợt tăng ban đầu ngay khi các biện pháp kiểm soát chấm dứt, hoạt động phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Ông nói: “Trung Quốc sẽ phải vượt qua một chặng đường rất dài trước khi có thể phục hồi”.
Theo bà Iris Pang của tập đoàn tư vấn tài chính ING, lần gần nhất kinh tế Trung Quốc suy giảm tới mức tương đương như thế này là năm 1967. Lúc đó, kinh tế Trung Quốc suy giảm 5,8%.
Các dự báo trước đó cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm hồi phục, có thể trong tháng này. Tuy nhiên, kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại theo hình chữ V là điều không thực tế, dựa trên các số liệu không mấy khích lệ về công nghiệp, bán lẻ và các dữ kiện khác.
Theo các số liệu mới nhất, chỉ số bán lẻ hàng tiêu dùng, chỉ số chính thể hiện tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc, đã giảm 19% trong ba tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, một chỉ số kinh tế quan trọng khác là chỉ số sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng đã giảm 8,4% do dịch bệnh tác động mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Các dấu hiệu kinh tế chủ chốt khác của Trung Quốc bao gồm đầu tư tài sản cố định trong tháng 3/2020 cũng đã giảm ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước.
Ngoài ra, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đại lục trong quý I/2020 giảm 10,8% và đạt 216,19 tỷ NDT (khoảng 31,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, FDI đổ vào Trung Quốc trong tháng 3/2020 giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, những nỗi lo về dịch COVID-19 sẽ tái bùng phát ở Trung Quốc vẫn còn đó. Do vậy, nhiều nhà kinh tế dự báo một quá trình hồi phục gian nan và chậm chạp cho Trung Quốc trước khi nền kinh tế có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Đây sẽ là một thách thức chính trị cho Chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi các công ty duy trì lực lượng lao động, tránh sa thải công nhân viên trong thời gian phong tỏa. Nhưng một số công ty đã thất bại, làm gia tăng lo âu trong công chúng.
Theo đài NPR, Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây cho biết 99% doanh nghiệp đã bắt đầu làm việc trở lại, trong khi 84% các doanh nghiệp cỡ nhỏ và cỡ trung đã mở cửa hoạt động. Nhưng số liệu đó không có nghĩa là hoạt động kinh tế đã hoàn toàn trở lại.
Đa số các cơ sở có nhân viên văn phòng nói họ chỉ cho phép một nửa số nhân viên làm việc vào bất cứ thời điểm nào. Hay như tại tỉnh Hồ Bắc và các khu vực nơi dịch bùng phát mới đây, các nhà hàng ăn chỉ có thể cung cấp thức ăn mang đi. Hơn 240.000 doanh nghiệp nhỏ đã “gục ngã” trong đại dịch.
Trung Quốc hiện vẫn chưa thông báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2020 cũng như các mục tiêu về lạm phát, thất nghiệp và thâm hụt ngân sách, do nước này đã hoãn kỳ họp Quốc hội thường niên, trước đó dự kiến diễn ra vào tháng 3/2020, để tập trung cho các nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19.