|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Triển vọng đầu tư chứng khoán 2022 (Bài 2): Đi tìm ba chữ cái 'mang tiền về' năm tới

11:47 | 31/12/2021
Chia sẻ
Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ tiếp tục đi lên với mức độ biến động cao với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá. Theo đó, các cơ hội đầu tư sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào câu chuyện và triển vọng tăng trưởng của từng công ty niêm yết.

Cơ hội đầu tư năm 2022 cần nhiều sự chọn lọc hơn sau những con sóng tăng không đúng bản chất

Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021. Trải qua một năm đầy khó khăn và thách thức, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn đem lại lợi nhuận tốt. Từ mốc 1.100 điểm trong những ngày đầu năm, VN-Index từng bước chinh phục những cột mốc cao hơn và thiết lập kỳ lục mới tại 1.500 điểm, đánh dấu mức đỉnh lịch sử trong 21 năm hoạt động của sàn chứng khoán Việt Nam.

Triển vọng đầu tư chứng khoán 2022 (Bài 2): Đi tìm 3 chữ cái cho năm Nhâm Dần - Ảnh 1.

Nguồn: Mirae Asset Việt Nam.

Đáng chú ý, sau các đợt giảm điểm khi dịch COVID-19 bùng phát trong nước, thị trường thường bật tăng mạnh mẽ nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế. Tính đến ngày 30/12, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới.

Theo dự báo của các Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên.

Sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu gia tăng trong giai đoạn quý IV, theo đó , các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết - dựa trên kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh "bình thường mới" của từng doanh nghiệp cụ thể.

Điều này là dễ hiểu vì trong bối cảnh thị trường đã trải qua một giai đoạn tăng nóng và nhiều cổ phiếu đầu cơ đã vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp thì rủi ro đầu tư đã gia tăng đáng kể.

Công ty chứng khoán gợi ý 3 chữ cái cho năm 2022

Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2022 của Chứng khoán VNDirect dự báo giá cả hàng hóa có thể vẫn duy trì ở mức cao trong năm tới, theo đó các nhà phân tích cho rằng những công ty có mức độ phụ thuộc vào giá hàng hóa cao sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này, chẳng hạn như dầu khí và các ngành xuẩt khẩu hàng hoá. Các cổ phiếu được ưa thích trong nhóm này gồm QNS, PVD, GAS, STK và DGC.

Song song đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một trong những cơ sở quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài. 

"Chúng tôi cho rằng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển và năng lượng sẽ là điểm nhấn trong hai năm tới. Các doanh nghiệp có dự án mở rộng công suất lớn để nắm bắt nhu cầu tăng trưởng trong những lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Các lựa chọn hàng đầu của chúng tôi theo chủ đề này là KBC, PHR, SZC, GMD, POW, NT2", báo cáo của VNDirect cho hay.

Triển vọng đầu tư chứng khoán 2022 (Bài 2): Đi tìm 3 chữ cái cho năm Nhâm Dần - Ảnh 2.

Nguồn: Chứng khoán VNDirect.

Cũng theo nhóm phân tích, các cổ phiếu FPT, VTP và MWG là các cơ hội đầu tư dài hạn với luận điểm các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như các công ty có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu "digital" của người tiêu dùng sẽ vượt trội hơn so với các đối thủ khác.

Cuối cùng, với kỳ vọng ngành dịch vụ lấy lại vị thế nhờ sự phục hồi của cầu nội địa thì các cổ phiếu như ACV, MWG, VRE và VNM là những mã tiềm năng mà các nhà đầu tư có thể cân nhắc.

Năm 2022, VCBS gợi ý một số cơ hội đầu tư. Thứ nhất, các doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm 2022. Đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, VCBS đánh giá triển vọng đối với TIP và NTC. VHM và AGG là hai mã được lựa chọn trong phân khúc bất động sản nhà ở.

Với cơ hội đầu tư thứ hai, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành (BID, MSBB, MSB, TCB). Thứ ba, một số doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và thích nghi "bình thường mới" (PET).

Thứ tư, nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như: dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu (PLX, GAS). Ngoài ra, một vài cổ phiếu vốn hóa lớn có thể đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của chỉ số chung trong một số giai đoạn nhất định với những sóng tăng ngắn.

Danh mục đầu tư của quỹ ngoại: Nắm giữ cổ phiếu nhóm thép, bất động sản và ngân hàng

Bên cạnh khuyến nghị của bộ phận phân tích tại các công ty chứng khoán, nhà đầu tư cũng có thể xuôi theo dòng tiền lớn thông qua việc theo dõi danh mục đầu tư của các quỹ ngoại với quy mô nhiều tỷ USD.

Đơn của như quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý với quy mô tài sản ròng lên đến 2.575 triệu USD (cập nhật đến ngày 29/12/2021).

Trong top10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VEIL, HPG của Hòa Phát hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 12,21%. Tiếp theo đó, quỹ ngoại nắm giữ nhiều cổ phiếu của các nhà băng, lần lượt là VPB (tỷ trọng 10,05%), ACB (9,55%), VCB (6,26%), TCB (3,86%).

Là nhóm được kỳ vọng tiếp tục dẫn sóng trong năm 2022 khi các chính sách đẩy mạnh đầu tư công và cơ sở hạ tầng được triển khai, các cổ phiếu đầu ngành nhóm bất động sản – xây dựng cũng đóng góp không nhỏ trong danh mục gồm VHM (7,04%), VIC (5,77%), DXG (3,73%).

Triển vọng đầu tư chứng khoán 2022 (Bài 2): Đi tìm 3 chữ cái cho năm Nhâm Dần - Ảnh 3.

Top 10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục quỹ VEIL cập nhật đến ngày 29/12/2021. (Nguồn: VEIL).

Tương tự, danh mục của Quỹ VCVOF – VinaCapital Vietnam Opportunity Fund cũng phân bổ nhiều nhất ở cổ phiếu HPG (tỷ trọng 15,4%). Bên cạnh "ông lớn" ngành thép, VCVOF cũng ưu tiên nắm giữ nhiều đại diện ngành ngân hàng trong danh mục của mình, tập trung ở nhóm các ngần hàng với vốn hóa nhỏ hơn gồm ACB (5,9%), OCB (5,5%), EIB (5,3%).

Cập nhật đến ngày 30/11/2021, quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý đang có tổng giá trị tài sản đạt 1.388 triệu USD (tương đương hơn 31.500 tỷ đồng).

Triển vọng đầu tư chứng khoán 2022 (Bài 2): Đi tìm 3 chữ cái cho năm Nhâm Dần - Ảnh 4.

Nguồn: VCVOF (cập nhật đến ngày 30/11/2021).

Trong báo cáo hoạt động tháng 11 vừa được công bố, Pyn Elite Fund đạt hiệu suất danh mục 7,27%, vượt trội so với mức tăng 2,4% của VN-Index. Tính chung trong 11 tháng, hiệu suất đầu tư của quỹ Phần Lan đạt 36,14%.

Tại thời điểm cuối tháng 11, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt khoảng 932 triệu USD. Trong đó, VHM là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 17,9%, xếp tiếp theo lần lượt là CTG (11,3%), VRE (8,9%), TPB (8,8%), VEA (8,6%), MBB (8,5%)…

Tăng trưởng vượt trội của Pyn Elite Fund có đóng góp lớn từ CEO với mức tăng trưởng gần 230%. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng, bất động sản cũng đóng góp phần lớn vào lợi nhuận năm 2021 của PYN Elite Fund.

Triển vọng đầu tư chứng khoán 2022 (Bài 2): Đi tìm 3 chữ cái cho năm Nhâm Dần - Ảnh 5.

Nguồn: PYN Elite Fund.

Trong năm 2022, quỹ ngoại kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục ở mức cao với P/E đạt 20 - 25 lần và hoàn toàn có thể đạt được 2.500 điểm trong vài năm tới. Do đó, Pyn Elite kỳ vọng hiệu suất đầu tư sẽ đạt 28% vào năm 2022, 20% vào năm 2023 và 18% vào năm 2024.

Thu Thảo - Thảo Bùi