|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tránh vàng thau lẫn lộn với trái phiếu doanh nghiệp

07:57 | 04/08/2020
Chia sẻ
Gần đây Bộ Tài chính liên tiếp đưa ra các khuyến cáo khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chưa hài lòng vì thông tin còn chung chung, không ít doanh nghiệp chạnh lòng vì bị vàng thau lẫn lộn. Vậy khi đầu tư TPDN, nhà đầu tư cần quan tâm các khuyến cáo gì? Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Cẩn trọng với trái phiếu lãi suất cao

Trong phát hành TPDN, chủ trương chung là phải sửa các văn bản, qui định tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trong hai năm qua nhiều qui định đã được sửa đổi nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tự phát hành trái phiếu ra thị trường để trực tiếp huy động vốn, giảm chi phí tài chính, giảm gánh nặng về tín dụng. 

Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn và uy tín đã phát hành trái phiếu thành công. Nhiều ngân hàng thương mại cũng đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp phát hành thành công trên thị trường.

Tuy nhiên, vì trái phiếu có độ tín nhiệm và rủi ro gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp nên về mặt quản lí nhà nước, ngoài các qui định cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân (nhà đầu tư) trong vấn đề đánh giá trước khi quyết định mua trái phiếu. 

Đặc biệt, nếu thị trường có sự chạy đua lãi suất huy động, người dân phải rất cẩn trọng với doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao vì nguyên tắc cái gì lợi lớn thì rủi ro cao.

Theo tôi, người dân không nên đi mua trái phiếu thành phong trào như mua cổ phiếu năm 2006. Nhà nước cần khuyến nghị người dân không làm theo kiểu phong trào vì rất nguy hiểm. Muốn đầu tư vào kênh TPDN thì người dân phải dựa vào tổ chức tư vấn chuyên nghiệp. 

Tránh vàng thau lẫn lộn với trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tòa nhà Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - đơn vị tập hợp thông tin về các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Song Ngọc.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Tiềm ẩn rủi ro nếu đầu tư vào doanh nghiệp kém uy tín

Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên đã phát hành trái phiếu, bởi các ngân hàng không thể đáp ứng được hết nhu cầu về vốn của doanh nghiệp. Về phía người dân, khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng sẽ chịu mức lãi suất thấp hơn so với đầu tư vào trái phiếu nên nhiều người chọn đầu tư vào trái phiếu.

Thời gian qua, thị trường TPDN có sự bùng nổ (giá trị trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm nay thông qua kênh trái phiếu riêng lẻ lên đến hơn 156.000 tỉ đồng). Trong đó có cả doanh nghiệp uy tín và doanh nghiệp kém uy tín cùng phát hành. 

Nếu đầu tư vào các doanh nghiệp kém uy tín sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cho các nhà đầu tư. Thực tế, Nhà nước chưa có cơ chế để kiểm soát được hết các rủi ro này. Vì vậy, việc khuyến cáo tới người dân là cần thiết song cần tránh làm tổn thương các doanh nghiệp thực sự uy tín. 

Ông Phan Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam: 

Bộ Tài chính đang "đánh đồng" các doanh nghiệp

Việc phát hành trái phiếu trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với trước dịch COVID-19. Các doanh nghiệp qui mô nhỏ, không có tên tuổi, cơ cấu tài chính không tốt sẽ khó hút vốn thông qua phát hành trái phiếu nên họ phải đẩy lãi suất lên rất cao để thu hút nhà đầu tư. 

Bộ Tài chính đưa ra các khuyến cáo đối với doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư khi đầu tư vào TPDN là cần thiết. Tuy nhiên, khuyến cáo với nhà đầu tư còn khá chung chung. Vô hình trung, điều này đang đánh đồng tất cả doanh nghiệp với nhau. Do đó, Bộ Tài chính cần làm rõ hơn để tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn". 

Thực tế, việc phát hành TPDN hiện nay vẫn còn mới và chưa có sự kiểm soát tốt từ phía Nhà nước khiến nhà đầu tư mù mờ, cứ thấy lãi suất cao đổ xô vào mua. Có những khu đất bất động sản không bán được, doanh nghiệp đẩy lên làm tài sản bảo đảm hoặc không có dòng tiền trả nợ vẫn phát hành trái phiếu với lãi suất cao, lên tới 13 – 14%/năm. Vậy khi đáo hạn liệu doanh nghiệp có trả được nợ? 

Do đó, Bộ Tài chính cần có khuyến cáo sâu hơn, kĩ hơn, chi tiết hơn như nên có xếp hạng tín nhiệm về trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành.

Về phía nhà đầu tư nên mua trái phiếu của doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, uy tín, chấp nhận lãi suất ít hấp dẫn hơn nhưng an toàn. Đồng thời, phải tìm hiểu tài sản bảo đảm và nguồn tiền trả nợ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có ngân hàng hoặc công ty chứng khoán nào đứng ra bảo lãnh thì sẽ an toàn hơn cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup:

Nên sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm độc lập

Thời gian qua đã chứng kiến sự bùng nổ của TPDN. Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã phân định nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân, đưa ra các ràng buộc cho đơn vị phát hành, phân phối TPDN là một sự thay đổi rất kịp thời. 

Nhà đầu tư cổ phiếu được biết thông tin qua đại hội cổ đông, công bố thông tin rất đầy đủ, nhưng nhà đầu tư trái phiếu thì không được như vậy. Vì thế, chuẩn hóa công bố thông tin để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu là đặc biệt quan trọng. 

Đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng dịch vụ của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dựa trên kết quả xếp hạng đó, nhà đầu tư sẽ biết được chất lượng của trái phiếu, qua đó doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn.

Mới đây, Lễ vinh danh TOP 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2019 (TOP 50) đã công bố các doanh nghiệp uy tín, như Vinhomes, VietJet… Đây cũng là một kênh tham khảo uy tín cho các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp này… 

Mới đây, Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) tổ chức Lễ vinh danh TOP 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2019 (TOP 50).

TOP 50 là bảng xếp hạng giá trị và uy tín với phương pháp đánh giá khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế, có sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế hàng đầu từ Trường Kinh doanh Harvard và tham chiếu các bảng xếp hạng lớn của thế giới như Bloomberg, Businessweek, Fortune, Forbes toàn cầu nhằm tìm kiếm các công ty kinh doanh hiệu quả trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

TOP 50 lần này đo lường kết quả của các công ty trong 3 năm liên tiếp 2017 - 2019, dựa trên các chỉ số tăng trưởng: doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) nhằm đánh giá khách quan năng lực của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong TOP 50 ở nhiều lĩnh vực như bất động sản (Vinhomes, Khang Điền…), ngân hàng (Vietcombank…), hàng không (Vietjet)…

Chẳng hạn, theo kết quả công bố, tăng trưởng doanh thu kép (SR-CAGR) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3 năm của Vietjet lần lượt là 23% và 45%. Vốn hóa thị trường đạt 2,23 tỉ USD, Vietjet cũng nằm trong top doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Kể từ ngày niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào năm 2017, Vietjet luôn nằm trong top 3 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tích cực nhất nhận được giải thưởng này…

Bích Thu