|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tránh nguy cơ 'nhân dân tệ hóa' nền kinh tế Việt Nam

15:18 | 21/06/2018
Chia sẻ
Kể từ năm 2016 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã đạt những kết quả được xem là thần kỳ. Tăng trưởng bình quân khách du lịch quốc tế lên tới gần 30% trong hai năm liên tiếp 2016 và 2017. Kết quả này có được là nhờ vào sự đóng góp rất lớn của khách du lịch đến từ Trung Quốc. Theo đó, số lượng khách Trung Quốc đạt trên 4 triệu, tăng tới 49% so với năm 2016 và chiếm 31% trong tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017.
tranh nguy co nhan dan te hoa nen kinh te viet nam Thanh tra việc thanh toán chui nhân dân tệ qua POS
tranh nguy co nhan dan te hoa nen kinh te viet nam

Du khách Trung Quốc tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Ảnh: ĐÀO LOAN

Hoạt động thanh toán của khách du lịch Trung Quốc gần như không bị kiểm soát

Trong khi các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn còn đang loay hoay ước tính mức chi tiêu bình quân của một du khách quốc tế là bao nhiêu, để từ đó có cơ sở đánh giá tác động của ngành du lịch tới cán cân vãng lai (current account) của nền kinh tế, thì hiện nay, phát sinh hàng loạt vấn đề mang tính hệ lụy đến hoạt động thanh toán tiền tệ tại Việt Nam. Đó là việc xuất hiện nhiều tour du lịch 0 đồng của Trung Quốc.

Theo đó, du khách Trung Quốc sẽ gần như không phải trả tiền vé máy bay cũng như khách sạn, nhưng ngược lại họ sẽ buộc phải mua thêm hàng hóa, dịch vụ với giá rất cao. Sẽ không có gì đáng bàn nếu mọi việc chỉ dừng lại như vậy, vì đây là cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán. Điều đáng nói là hoạt động thanh toán của du khách Trung Quốc hoàn toàn không cần dùng tiền mặt mà thông qua các ví điện tử như WeChat Pay hay Alipay đến từ Trung Quốc.

Diễn biến này lại càng phức tạp hơn khi vào tháng 11-2017, Công ty cổ phần Công nghệ Vi Mô của Việt Nam chính thức trở thành đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên có thể cho phép khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán bằng đồng Việt Nam (VND) tại các cửa hàng chấp nhận VIMO(1).

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam sẽ không cần mang theo tiền mặt cũng như thẻ thanh toán quốc tế (Debit/Credit) được bảo trợ bởi Visa hay Master Card. Đây là hoạt động thanh toán mang tính chất xuyên biên giới nhưng dòng tiền lại hoàn toàn không xuất phát từ Việt Nam mà chảy ngược sang Trung Quốc trước khi quay lại hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Phải có ngay một hành lang pháp lý đủ mạnh

Diễn biến trên có tác động như thế nào đến hoạt động tiền tệ tại Việt Nam?

Thứ nhất, nếu du khách Trung Quốc chỉ mua hàng hóa tại các cửa hàng của người Trung Quốc, vấn đề sẽ chỉ đơn giản là chúng ta không thu được thuế. Trong trường hợp thứ hai, nếu du khách Trung Quốc mua hàng tại các cửa hàng của người Việt Nam thì câu chuyện đầu tiên cũng dừng lại ở việc không thu được thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp này, còn có một hệ lụy rất lớn có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát các dòng tiền đến và đi ra khỏi Việt Nam. Đó có thể là hoạt động rửa tiền hay chuyển tiền bằng ngoại tệ ra nước ngoài mà hoàn toàn không bị kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải có ngay một hành lang pháp lý đủ mạnh để kiểm soát thực trạng này.

Theo quan điểm của người viết, cách đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất và cũng nhanh nhất hiện nay là yêu cầu WeChat Pay hay Alipay mở các tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Theo đó, mọi hoạt động chuyển tiền, thanh toán giữa du khách Trung Quốc với các đại lý của cả người Trung Quốc và Việt Nam đều phải đi qua các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Chỉ có như vậy thì Pháp lệnh về quản lý ngoại hối của Việt Nam mới được tuân thủ.

Để tránh nguy cơ “nhân dân tệ” hóa nền kinh tế trong tương lai

Vào cuối năm 2017, Alipay đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas). Theo đó, Alipay chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam như một trung gian thanh toán mà chỉ được phục vụ khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, mục tiêu của Alipay sẽ không chỉ vậy, mục tiêu xa hơn chính là việc cung cấp dịch vụ thanh toán cho cá nhân cũng như doanh nghiệp của Việt Nam. Bởi lẽ, cán cân thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2017 lên tới 93,6 tỉ đô la Mỹ và hoàn toàn có thể cán mốc 100 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018(2). Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng cho các công ty thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Động thái tiếp theo của WeChat Pay hay Alipay sẽ là xây dựng và kết nối thanh toán với các cửa hàng hay đại lý (merchants) tại Việt Nam. Khi đó, toàn bộ chu trình thanh toán từ người sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng cuối cùng sẽ được hoàn tất.

Với tiềm lực tài chính hùng hậu, Alibaba có thể sẽ triển khai các chương trình khuyến mại “khủng” nhằm đánh bật và chiếm thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cách mà Alibaba đã làm tại các thị trường như Indonesia, Malaysia và Singapore.

Như vậy, quá trình các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc rồi bán lại cho người tiêu dùng trong nước hoàn toàn có thể được thực hiện trên nền tảng thanh toán của WeChat Pay hay Alipay. Đến lúc này, có lẽ chúng ta sẽ không còn bàn đến câu chuyện chống đô la hóa mà là chống nhân dân tệ hóa nền kinh tế.

(1) https://vimo.vn/tin-tuc/chi-tiet-242.html

(2) http://baocongthuong.com.vn/nam-2018-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-co-the-dat-100-ty-usd.html

tranh nguy co nhan dan te hoa nen kinh te viet nam

Ngọc Khanh