|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tranh chấp từ hợp đồng FIDIC lên đến 250 triệu USD

20:18 | 12/10/2019
Chia sẻ
Theo Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu rõ về FIDIC nên đã gặp phải những tranh chấp thương mại với giá trị hàng trăm triệu USD.

Hợp đồng FIDIC là những mẫu phổ biến nhất được sử dụng trong hợp đồng xây dựng quốc tế trên thế giới. Tại Việt Nam, việc áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC cho hoạt động xây dựng phổ biến tại các dự án ODA, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dự án sử dụng vốn tư nhân, dự án đấu thầu quốc tế của một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Tại hội thảo "Hợp đồng FIDIC - Hiểu để áp dụng hiệu quả cho doanh nghiệp và người sử dụng" diễn ra ngày 11/10, tại TP HCM, ông Hoàng Hải, Cục Trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Xây dựng) cho biết mẫu hợp đồng FDIC cũng đã được Chính phủ khuyến khích sử dụng tại các dự án có vốn Nhà nước tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP Qui định chi tiết về hợp đồng xây dựng, song cần được sửa đổi cho phù hợp với pháp luật Việt Nam. 

Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC tại Việt Nam, đòi hỏi nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cần quan tâm tìm hiểu kĩ về các loại mẫu hợp đồng FIDIC để tránh những tranh chấp.

fccf44f3a98d4fd3169c

Toàn cảnh hội thảo "Hợp đồng FIDIC - Hiểu để áp dụng hiệu quả cho doanh nghiệp và người sử dụng". Ảnh: Như Huỳnh

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết số lượng tranh chấp xây dựng đưa ra giải quyết bằng trọng tài tại VIAC và hòa giải tại Trung tâm hòa giải Việt Nam đang ngày càng tăng, với những vụ tranh chấp có trị giá lớn và độ phức tạp ngày càng cao. 

"VIAC đã gặp các hợp đồng tranh chấp sử dụng mẫu FIDIC với trị giá tranh chấp thường ở mức 100 triệu USD và cao nhất khoảng 250 triệu USD", ông Huỳnh cho hay.

Trong thực tiễn Việt Nam, khác với phần lớn các điều khoản về giải quyết tranh chấp ở các lĩnh vực khác thường bị bỏ quên. Các điều khoản về giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong mẫu hợp đồng FIDIC được các bên lưu tâm tới ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc quản lí và giải quyết các khiếu nại, các tranh chấp vốn luôn rất phức tạp trong quá trình thực hiện một dự án xây dựng theo mẫu hợp đồng FIDIC.

Cụ thể, gần như toàn bộ các tranh chấp từ các hợp đồng theo mẫu FIDIC đều có điều khoản trọng tài, phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khả thi cho các tranh chấp xây dựng lớn. Đồng thời đòi hỏi chuyên môn sâu về xây dựng và mẫu hợp đồng FIDCI của những người giải quyết tranh chấp năng lực quản lí chuyên nghiệp các thủ tục tố tụng trọng tài của tổ chức hỗ trợ giải quyết tranh chấp.

Ông Lê Nết, Trọng tài viên VIAC cho biết, có 2 loại tranh chấp tiêu biểu đó là tranh chấp liên quan đến bàn giao mặt bằng và tranh chấp giao diện, phối kết. Ngoài ra, còn có một số tranh chấp khác trong thanh toán, trượt giá, lạm phát... 

Trong đó, giải quyết tranh chấp xây dựng bằng hòa giải và trọng tài đang trở thành xu thế mới được doanh nghiệp quan tâm. Bởi khi có tranh chấp, việc hòa giải thương mại có thể giúp các bên kiểm soát được kết quả hòa giải, hiệu quả về cả thời gian và chi phí tố tụng.

429f8511696f8f31d67e

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS), có những mẫu hợp đồng FIDIC khác nhau tương ứng với các loại dự án khác nhau. 

"Việc sử dụng mẫu hợp đồng không phù hợp sẽ đem lại nhiều bất lợi cho doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp xây dựng cần phải nắm rõ hợp đồng FIDIC để áp dụng cho hiệu quả", bà Duyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao khả năng sử dụng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại  là việc các chủ đầu tư và các đơn vị tổng thầu cần lưu ý để không "bỡ ngỡ" nếu buộc phải tham gia vào các vụ khiếu kiện.

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.