|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đâu là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công - tư PPP?

07:00 | 07/07/2019
Chia sẻ
Về bản chất mối quan hệ công – tư (PPP) vẫn tiềm ẩn yếu tố tiềm ẩn rủi ro cần nhà đầu tư và Nhà nước phòng tránh, quản lí cũng như lựa chọn hướng giải quyết tối ưu.

Sẽ hoàn thiện và đơn giản qui định khi xây dựng luật đầu tư PPP

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng tại TP HCM mới đây. 

Theo đó, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI TP HCM nhận định: "Việt Nam được kì vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới và mô hình hợp tác công - tư được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng".

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 289 dự án PPP với tổng số vốn 54 tỉ USD, trong đó có 207 dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, 18 dự án năng lượng.

Riêng TP HCM có 23 dự án đã hoàn thành với tổng số vốn 71.000 tỉ đồng, 130 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị với tổng số vốn 400.000 tỉ đồng và 243 dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn khoảng 870.000 tỉ đồng

Ông Hong Sik Chung, Giáo sư luật tại Đại học Chung Ang, Hàn Quốc, cho biết hiện nay do nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông PPP ở Hàn Quốc đã bão hòa, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực như đường, điện, giao thông, cảng hàng không, bệnh viện…

Tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng băn khoăn về vấn đề doanh thu, chuyển đổi tiền tệ, chấm dứt sớm hợp đồng, các khoản thanh toán… khi tham gia dự án PPP ở Việt Nam, 

"Việc triển khai dự án PPP thường có thời gian rất lớn nên các doanh nghiệp không thể tránh khỏi được các rủi ro, đặc biệt là rủi ro về mặt chính sách", ông Sik Chung cho hay.

bbd392481e67fa39a376

Toàn cảnh hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, thực tiễn quốc tế và Định hướng chính sách diễn ra ngày 5/7 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Liên quan đến vấn đề chính sách, theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, Luật về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang được xây dựng. Trong đó sẽ hoàn thiện và đơn giản hóa các qui định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc phê duyệt và quản lí các dự án sử dụng vốn hỗn hợp từ Nhà nước và tư nhân hoặc vốn tư nhân hoàn toàn.

Cụ thể, luật về dự án PPP cũng sẽ cung cấp, sửa đổi các qui định pháp luật về hỗ trợ dự án PPP và các nhà đầu tư, trong đó có việc bảo lãnh của Chính phủ về doanh thu tối đa cho doanh nghiệp, bảo lãnh rủi ro ngoại hối và các khoản vay.

"Luật sẽ giảm thiểu quan liêu, quấy rối và tham nhũng ở các ngành, đồng thời tăng cường minh bạch, đối xử công bằng với các doanh nghiệp, đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phán quyết trọng tài và quyết định của tòa án", Luật sư Nghĩa cho hay.

Ưu tiên hòa giải và trọng tài thương mại để xử lí tranh chấp PPP

Luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ thêm về một số vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam. Cụ thể, như pháp luật trong nước thường xuyên thay đổi, có nhiều luật nhưng quy định pháp luật chưa rõ ràng. 

Đồng thời  khả năng thực thi của hợp đồng và các cam kết chưa cao, cơ chế giải quyết tranh chấp và xét xử hợp đồng các dự án PPP thiếu nhất quán. Đến nay nhiều doanh nghiệp đang có vướng mắc trong việc xử lý tranh chấp. 

Cụ thể, doanh nghiệp băn khoăn rằng tranh chấp các hợp đồng PPP ngoài việc được áp dụng ở Việt Nam có được áp dụng ở các nước nơi doanh nghiệp tham gia hợp đồng hay không? Khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan nào đứng ra giải quyết? có trường hợp hòa giải thành, có trường hợp phải đưa ra trọng tài Việt Nam, trọng tài quốc tế

Do đó, Luật sư Nghĩa cho rằng những vấn đề này cần qui định cụ thể trong luật về các dự án PPP. Điều cần thiết là phải điều chỉnh những luật liên quan để tạo cú hích cho các nhà đầu tư nước ngoài an tâm đầu tư vào Việt Nam.

Trước những chia sẻ của nhà đầu tư, các chuyên gia nhận định rằng về bản chất mối quan hệ công – tư trong mô hình hợp tác này vẫn có một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho cả phía nhà nước và cả phía nhà đầu tư. 

Cụ thể về, rủi ro pháp luật thay đổi trong Luật Đầu tư, đầu tư công, đất đai, ngân sách, xây dựng, môi trường; rủi ro về các cơ chế quản lý, giám sát, định giá các dự án BOT, BT; rủi ro về tài chính, thuế…

Do đó cần lưu ý phòng tránh rủi ro và quản lý tranh chấp đối với nhà đầu tư trong khi tham gia vào quan hệ PPP với nhà nước.

1721cfb84397a7c9fe86

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và cách xử lí tranh chấp trong các hợp đồng PPP. Ảnh: Như Huỳnh.

Nói về cơ chế giải quyết tranh chấp, theo Luật sư Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng,  Luật Đầu tư 2014 qui định các tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh được giải quyết bằng phương thức trọng tài thương mại, trong đó Nhà nước là một trong các bên tố tụng Trọng tài thương mại.

Tuy nhiên, hiện nay hòa giải thương mại được xem là hướng tiếp cận mới, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đối tác công tư. 

"Ưu tiên xử lý tranh chấp mô hình đối tác công – tư bằng hình thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại là lựa chọn hiệu quả, giảm khả năng các tranh chấp PPP bị đẩy thành các vụ kiện về đầu tư theo các hiệp định bảo hộ đầu tư hoặc các hiệp định thương mại mới", Phó Tổng thư ký VIAC nói.

Đồng quan điểm, bà Ngô Quỳnh Anh, Luật sư điều hành điều hành Công ty Luật EP Legal cũng nhận thấy hòa giải thương mại tại Việt Nam có tính ưu việt cao.

"Thục tế Chính phủ cũng đang tiếp cận theo hướng nỗ lực xử lí ngay, dứt điểm các tranh chấp phát sinh ở cấp độ hợp đồng hoặc xử lý tranh chấp thông qua đối thoại. Điều này tránh nguy cơ leo thang thành tranh chấp đầu tư, tạo môi trường kinh doanh ổn định cho nhà đầu tư và doanh nghiệp", Luật sư Quỳnh Anh cho hay.

Ngoài ra để phòng ngừa phát sinh tranh chấp trong các hợp đồng PPP các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp khi lập hợp đồng nên được đàm phán trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, cân bằng lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.

Đồng thời, các bên cần lưu ý một số điều khoản trong hợp đồng PPP để giải quyết trong trường hợp pháp luật có sự điều chỉnh hoặc thay đổi điều kiện cơ bản. Nhứng thay đổi này khiến một bên gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện hợp đồng và các trường hợp điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với thực tế.



Như Huỳnh