Hòa giải thương mại là sự lựa chọn phù hợp để giải quyết tranh chấp Hợp đồng tổng thầu EPC
Ở Việt Nam, những dự án trọng điểm về năng lượng điện và khai khoáng đang chủ yếu lựa chọn áp dụng hình thức quản lý dự án là thông qua cơ chế tổng thầu EPC (Thiết kế - Cung ứng vật tư thiết bị - Xây lắp). Tuy nhiên, trên thực tế một số các dự án đang gặp vướng mắc bởi các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC.
Tại hội thảo "Giải quyết hiệu quả tranh chấp từ Hợp đồng tổng thầu EPC – Khơi thông tắc nghẽn tại các dự án trọng điểm của Việt Nam" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Toà Trọng tài quốc tế (ICA) thuộc Phòng Thương mại quốc tế ICC tổ chức ngày 19/4 tại TP HCM, nhiều vấn đề khúc mắc trong việc sử dụng hợp đồng tổng thầu EPC được các chuyên gia, các nhà quản lý nêu ra bàn luận và tìm cách giải quyết.
Ông Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, trong các hình thức quản lý dự án xây dựng hiện nay, cơ chế tổng thầu EPC đang được ưa chuộng sử dụng tại Việt Nam bởi nhiều ưu điểm của hình thức này phù hợp với những dự án đặc thù với yêu cầu việc thiết kế và sản xuất thiết bị không thể thực hiện tách rời, luôn đòi hỏi tính đồng bộ cao.
Cơ chế tổng thầu EPC cũng được đánh giá là phù hợp để giúp chủ đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước, các tổng công ty nhà nước tận dụng được trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu và trong quá trình thực hiện chủ đầu tư cũng cần đến ít nhân lực và chi phí cho công tác quản lý dự án hơn, ông Phong chia sẻ.
Các chuyên gia tham dự hội thảo "Giải quyết hiệu quả tranh chấp từ Hợp đồng tổng thầu EPC – Khơi thông tắc nghẽn tại các dự án trọng điểm của Việt Nam" diễn ra vào ngày 19/4 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh
Hình thức tổng thầu EPC cũng được nhiều chuyên gia khuyên dùng khi chủ đầu tư thấy rằng chưa có đủ nhân lực chuyên môn có năng lực quản lý dự án khi chia thành nhiều gói thầu có tính chất khác nhau. Hoặc trường hợp dự án có yêu cầu thực hiện theo tiến độ gấp rút mà không thể chờ thực hiện xong thiết kế mới bắt tay vào xây dựng.
Tuy nhiên, xoay quanh việc nhận diện một số tranh chấp điển hình thường phát sinh từ các dự án xây dựng lớn được quản lý bằng cơ chế tổng thầu EPC, bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam cho biết, thực tế hầu hết các dự án quản lý theo cơ chế EPC của các ngành năng lượng điện hay hóa chất ở Việt Nam hiện nay đều theo mẫu FIDIC Silver 1999.
"Nhưng dường như các chủ đầu tư và các đơn vị Tổng thầu vẫn chưa thực sự nắm rõ các khuyến nghị của FIDIC đối với các mẫu FIDIC Silver và FIDIC Yellow khiến cho việc áp dụng mẫu hợp đồng đôi khi chưa phù hợp, gây khó khăn cho chính các bên khi hiểu và giải thích nghĩa vụ theo hợp đồng, cũng như sự phân chia rủi ro giữa đơn vị tổng thầu và chủ đầu tư trong quá trình triển khai của dự án", bà Duyên nhận định.
Trong khi đó, phân tích các khó khăn gặp phải trong hợp đồng tổng thầu EPC, ông Lưu Tiến Dũng, Luật sư thành viên Công ty TNHH Luật YKVN nói rằng, cơ chế giải quyết tranh chấp được khuyến nghị tại mẫu hợp đồng FIDIC thường được áp dụng cho các dự án lớn tại Việt Nam và một số những “trúc trắc” gặp phải ở một số phương án sửa đổi cơ chế giải quyết tranh chấp theo mẫu hợp đồng FIDC.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam phân tích về những rủi ro trong hợp đồng tổng thầu EPC. Ảnh: Như Huỳnh.
Theo ông Dũng, trong thực tiễn Việt Nam, khác với phần lớn các điều khoản về giải quyết tranh chấp ở các lĩnh vực khác thường bị bỏ quên. Các điều khoản về giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong mẫu hợp đồng FIDIC được các bên lưu tâm tới ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng.
"Dù vậy các điều khoản này lại được các bên tùy chỉnh, sửa chữa rất nhiều. Điều này khiến cho nhiều trường hợp việc giải quyết, xử lý các khiếu nại, tranh chấp khi có xung đột phát sinh trên thực tế lại trở nên khó khăn. Thậm chí một số trường hợp rơi vào tình trạng không thể thực hiện được" Luật sư Dũng trình bày.
Thông qua việc phân tích, các chuyên gia chỉ ra rằng, việc quản lý và giải quyết các khiếu nại, các tranh chấp vốn luôn rất phức tạp trong quá trình thực hiện một dự án xây dựng theo mẫu hợp đồng FIDIC, đặc biệt là các dự án EPC.
Cụ thể, theo ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, gần như toàn bộ các tranh chấp từ các hợp đồng theo mẫu FIDIC đều có điều khoản trọng tài, phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khả thi cho các tranh chấp xây dựng lớn.
"Hợp đồng tổng thầu EPC có tính phức tạp cao không chỉ đòi hỏi chuyên môn sâu về xây dựng và mẫu hợp đồng FIDCI của những người giải quyết tranh chấp mà còn cả năng lực quản lý chuyên nghiệp các thủ tục tố tụng trọng tài của tổ chức hỗ trợ giải quyết tranh chấp", ông Bắc nhận định.
Theo đó, để giải quyết các tranh chấp này phương thức hòa giải thương mại là một sự lựa chọn phù hợp. "Với các quy định tại chương 33 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cho phép một văn bản về kết quả hòa giải thành có thể được tòa công nhận để có hiệu lực cưỡng chế thi hành", Phó Tổng thư ký VIAC thông tin.
Nhấn mạnh thêm về lý do lựa chọn giải pháp hòa giải thương mại là lựa chọn khả thi và hiệu quả, ông Bắc cho hay: "Khi có tranh chấp, việc hòa giải thương mại có thể giúp các bên kiểm soát được kết quả hòa giải, hiệu quả về cả thời gian và chi phí tố tụng".
Bên cạnh đó, việc tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao khả năng sử dụng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại kết hợp phương thức ADR khác (phương thức giải quyết tranh chấp thay thế) và quản lý thủ tục giải quyết tranh chấp là việc các chủ đầu tư và các đơn vị tổng thầu cần lưu ý để không "bỡ ngỡ" nếu buộc phải tham gia vào các vụ khiếu kiện.