Trang web bán hàng hiệu giá rẻ phục vụ hàng triệu dân châu Á
Daniel Lim biết cảm giác thèm khát hàng xa xỉ và anh luôn phải kiềm chế nó. Lớn lên ở Singapore trong một gia đình nghèo, nhưng anh rất quan tâm tới thời trang và hàng hiệu. Song chúng quá xa vời đối với anh cả về giá lẫn cách người ta thường bán chúng trong các cửa hàng.
3 người sáng lập trang bán hàng hiệu giá rẻ trực tuyến Reebonz. Ảnh: Reebonz |
Hãy vào Reebonz. Đó là trang web bán hàng hiệu giá rẻ có trụ sở tại Singapore mà Lim, em trai Samuel và người đồng sáng lập Benjamikn Han tạo ra. Nó ra đời dựa trên ý tưởng “hàng hiệu giá thấp”. Nhờ Reebonz, hàng trăm triệu người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á có thể mua những sản phẩm mà bình thường họ có thể cảm thấy chúng xa tầm với. Trang web giúp họ mua hàng hiệu cũ hoặc hàng hiệu với giá chiết khấu từ 30 tới 70% so với các cửa hàng.
“Đưa hàng hiệu giá rẻ tới tầng lớp trung lưu ở châu Á là việc có thể tác động tới hàng triệu khách hàng. Chúng tôi phấn khởi khi đáp ứng nhu cầu này”, Samuel, vị giám đốc điều hành 38 tuổi của Reebonz, phát biểu.
Ra đời vào năm 2009, Reebonz bắt đầu hoạt động khi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều nhãn hàng cao cấp và nhà phân phối bắt đầu bán tháo kho hàng. Hồi ấy, thương mại điện tử bắt đầu hình thành ở châu Á. Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn, các nhà sáng lập Reebonz quyết định bán hàng xa xỉ trên mạng.
“Ben và tôi là bạn thân từ khoảng thời gian phục vụ quân đội. Chúng tôi luôn nghĩ tới ý tưởng khởi nghiệp cùng nhau. Vì thế, chúng tôi rủ Samuel, em trai tôi và là người có kinh nghiệm quản lý kinh doanh”, Daniel nói.
Samuel thừa nhận ý tưởng về Reebonz không phải là kết quả của một nghiên cứu kỹ lưỡng. Nó xuất hiện từ quá trình quan sát hành vi mua hàng của người tiêu dùng.
“Tôi thấy nhiều người xung quanh khao khát sở hữu một sản phẩm hàng hiệu, nhưng họ cảm thấy ngại khi bước vào một cửa hàng để mua chúng”, Han kể.
Nhóm sáng lập cảm thấy giải pháp là giúp người tiêu dùng trải nghiệm mua hàng xa xỉ trên mạng, nơi mọi người có thể tìm sản phẩm, dự tính việc mua hàng mà không phải đối mặt với cảnh tượng người bán hàng chờ đợi một cách kiên nhẫn khi khách ra quyết định. Họ cũng phát hiện nhu cầu mua hàng độc và hàng hiệu cũ tăng.
Tới nay, Reebonz đã huy động 64 triệu USD sau 3 vòng gọi vốn, theo dữ liệu từ trang Crunchbase. Vào năm 2015, trị giá công ty đạt 300 triệu USD, theo các bản tin của giới truyền thông. Tuy nhiên, nhóm sáng lập không bình luận về con số ấy, cũng không tiết lộ giá trị hiện tại của công ty.
Kee Lock Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Vertex Holdings, đã quyết định đầu tư vào Reebonz.
“Sam và nhóm sáng lập là những người tiên phong không chỉ trong thương mại điện tử, mà còn trong lĩnh vực bán hàng xa xỉ trực tuyến. Với lợi thế của người đi trước, họ chiếm thị phận rất nhanh”, Kee bình luận.
Một túi hàng hiệu mà tín đồ thời trang có thể mua trên Reebonz. Ảnh: Reebonz |
Vì nhóm sáng lập không có kinh nghiệm trong mảng bán hàng xa xỉ trực tuyến, Reebonz nhập cuộc với tư cách là trang bán hàng giảm giá chớp nhoáng, nghĩa là họ tung ra những đợt bán sản phẩm với mức chiết khấu trong khoảng thời gian nhất định. Một năm sau, vào năm 2010, công ty tung ra ứng dụng trên điện thoại di động để tận dụng xu hướng sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng. Hiện tại, Han nói rằng hơn 50% doanh thu của công ty tới từ những giao dịch trên điện thoại.
Năm 2016, Reebonz đạt tổng doanh thu 257 triệu USD, theo Han. Giá trị trung bình của mỗi đơn đặt hàng là 800 tới 1.000 USD. Con số này thay đổi theo quốc gia. Hiện nay Reebonz bán hơn 150.000 sản phẩm trên mạng – bao gồm túi, đồ da, nữ trang, đồng hồ, quần áo – từ hơn 550 nhãn hàng xa xỉ cho 5 triệu thành viên khắp thế giới.
Từ một cậu bé khao khát hàng hiệu nhưng phải chi tiêu tằn tiện, Daniel đã trải qua chặng đường rất dài. Đam mê đưa hàng hiệu giá thấp tới tầng lớp trung lưu như anh vẫn là động lực để Reebonz phát triển trong hiện tại và cả tương lai.