|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trần Uyên Phương - 'người được chọn' cho mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD của Tân Hiệp Phát

12:44 | 02/03/2017
Chia sẻ
Thông tin trên báo chí nước ngoài thời gian qua dường như cho thấy, ông Trần Quý Thanh - ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã lựa chọn cô con gái Trần Uyên Phương làm người kế nghiệp.

Trong series truyền hình có tên “The Successors” (tạm dịch: Người kế nghiệp) phát trên kênh Channel News Asia ngày 28/2 vừa qua, bà Trần Uyên Phương – Phó Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, con gái của ông Trần Quý Thanh đã được gọi tên là “người kế nghiệp” của công ty này.

Theo Channel News Asia, “[Tân Hiệp Phát] là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực đồ uống. Cha của bà [Trần Uyên Phương], ông Trần Quý Thanh, đã đặt mục tiêu cho người kế nghiệp của mình: doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2030, tăng gấp 6 lần doanh thu hàng năm hiện nay của công ty này”.

Nói với Channel News Asia, bà Trần Uyên Phương dùng từ “đỉnh cao” khi nhắc đến nhà máy có dây chuyền Aseptic đầu tiên ở Đông Nam Á và Việt Nam mà Tân Hiệp Phát xây dựng.

“Cha tôi dự định xây dựng các nhà máy để nâng công suất sản xuất từ 100.000 chai lên hàng triệu chai/ngày, trong khi giới marketing tin rằng chúng tôi chỉ có thể bán từ 10.000 đến 100.000 chai/ngày là tối đa”, bà Phương nói, điều mà ông Trần Quý Thanh cho rằng cần sử dụng “giác quan thứ sáu về kinh doanh” để nhận dạng được cơ hội.

Theo Channel News Asia, Việt Nam nằm trong top các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm tới, với số người thuộc tầng lớp trung lưu tăng nhanh trong tổng quy mô thị trường hơn 90 triệu dân.

“Nhu cầu tiêu thụ đồ uống tại thị trường Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh trong 15 năm qua. Với mục tiêu trước mắt tăng quy mô doanh thu lên một tỷ USD, việc xây dựng các nhà máy có năng lực sản xuất lớn là rất quan trọng trong kế hoạch của công ty”, bà Uyên Phương bình luận về cơ hội này.

Là Phó Tổng Giám đốc của Tân Hiệp Phát, bà Uyên Phương đã xuất hiện trong tất cả các hoạt động quan trọng của công ty này trong vài năm qua, và có vai trò lớn trong việc giữ và phát triển thị phần của công ty này trong ngành nước giải khát trước sự cạnh tranh khốc liệt của những đối thủ khổng lồ như Suntory Pepsico Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam, URC…

Theo một báo cáo thị trường mới đây, trong phân khúc trà uống liền (ready-to-drink tea), 2 dòng sản phẩm chủ lực của Tân Hiệp Phát là Trà Xanh 0 độ (gần 41% thị phần) và Dr. Thanh (gần 13% thị phần) đang giúp công ty này củng cố vị trí số 1 phân khúc, bỏ xa các đối thủ khác như trà chanh C2, trà ô-long TEA+.

Tân Hiệp Phát và cá nhân bà Uyên Phương cũng nhận được sự quan tâm lớn của giới truyền thông quốc tế, dù không thường xuyên xuất hiện một cách chủ động trước truyền thông trong nước.

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ CNBC và kênh tài chính hàng đầu thế giới Financial Times hồi năm ngoái, bà Phương xuất hiện như “nhân vật số 2” ở Tân Hiệp Phát, trong câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông Trần Quý Thanh.

Trên CNBC, ông Thanh từng tiết lộ, sau khi Tân Hiệp Phát chiếm 37% thị phần ngành đồ uống tại Việt Nam vào năm 2011, nhiều công ty toàn cầu như Coca-Cola, Pepsi, Universal Robina Corp, Ito En đã tới đàm phán hợp tác, hoặc mua lại cổ phần.

Nhưng vì không tìm được tiếng nói chung về tầm nhìn phát triển, ông đã quyết định “nói không” với những người khổng lồ này và muốn để lại sản nghiệp cho con gái.

Hai trong số ba người con của ông Thanh hiện đang làm việc tại Tân Hiệp Phát. Con gái lớn Trần Uyên Phương phụ trách marketing, và con gái thứ Trần Ngọc Bích phụ trách hành chính, nhân sự.

Ông Thanh thừa nhận các con gái đã thừa hưởng sự đam mê công việc của mình, khi thường làm việc 16 giờ mỗi ngày. Dù cho biết có ý định trao lại quyền lãnh đạo công ty cho các con, ông Thanh khẳng định các con sẽ phải phấn đấu nếu muốn có vị trí Giám đốc điều hành công ty.

“Các con tôi có thế mạnh của chúng, và chúng cũng có khao khát phát triển công ty như tôi, nhưng chúng còn thiếu kinh nghiệm và sợ rủi ro”, ông Thanh nói. “Tôi muốn chúng sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm hơn nữa, bởi đó là cách tốt nhất để học và đưa công việc kinh doanh lên tầm cao mới”.

Ở chiều ngược lại, ông Thanh cũng lo ngại Tân Hiệp Phát đang trở lên quá lớn khiến các con có thể gặp khó khăn khi điều hành.

“Người lãnh đạo rất quan trọng. Khi công ty ngày một lớn mạnh, việc điều hành sẽ càng khó khăn, phức tạp và đó sẽ là một thách thức”, ông Thanh nói với CNBC.

Ông Thanh, người trưởng thành từ trại mồ côi, khởi nghiệp với triết lý kỷ luật, tin rằng chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Tân Hiệp Phát là phải đào tạo để các thế hệ tiếp theo có được kỹ năng và kinh nghiệm phát triển công ty.

“Thừa kế hoạt động kinh doanh không phải một món lợi, đó là cả một trách nhiệm”, ông Thanh nói, khi ngồi bên cạnh ông trong cuộc phỏng vấn là Trần Uyên Phương.

Hoành San