|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trái cam của Campuchia có thể sớm được cấp chỉ dẫn địa lý

14:04 | 09/02/2019
Chia sẻ
Theo Khmer Times, cam được trồng ở Pursat và Battambang có thể sớm trở thành sản phẩm nông nghiệp tiếp theo của Campuchia đạt được cấp chỉ dẫn địa lý (GI).

Các chuyên gia cho biết việc được cấp văn bằng GI sẽ bảo vệ danh tiếng và hương vị của sản phẩm trong khi tăng thu nhập cho nhà sản xuất.

Cam được trồng ở các tỉnh Pursat và Battambang, ở phía tây Campuchia, đang tạo ra thu nhập đáng kể cho người trồng địa phương. Tuy nhiên, danh tiếng của sản phẩm đang có nguy cơ bị hủy hoại khi các thương nhân địa phương quảng bá trái cây không rõ nguồn gốc là "cam Pursat-Battambang".

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thương mại Campuchia và người trồng đang xem xét việc thành lập Hiệp hội Cam Pursat-Battambang, và hy vọng sẽ nhận được chứng nhận trái cây là một sản phẩm GI.

Trả lời phỏng vấn từ Khmer Times, ông Sok Sarang, chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp và đại diện quốc gia của tổ chức chứng nhận hữu cơ Ecocert, cho biết Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) có thể sẽ hỗ trợ nỗ lực của Bộ để đạt được chứng chỉ GI cho loại trái cây này.

Ông nói thêm có ít nhất hai sản phẩm khác của Campuchia có thể đạt được chứng nhận GI.

"Gần đây, chúng tôi đã đến Preah Viget để nghiên cứu về gạo hữu cơ ở đó. Chúng tôi cũng đã đến Pursat và Battambang để nghiên cứu về cam cũng như lụa", ông Sarang cho hay.

"Trên thực tế, tất cả các sản phẩm này đều có tiềm năng, nhưng chúng tôi không biết liệu Bộ Thương mại có hỗ trợ cam để đạt GI hay không. Đầu tiên, chúng ta cần triển khai một nghiên cứu khả thi, vốn đang được thực hiện".

Vì danh tiếng và được sự ủng hộ của Bộ Thương mại, những quả cam được trồng ở Pursat và Battambang là những ứng cử viên mạnh có thể nhận được chứng chỉ, ông nói.

trai cam cua campuchia co the som duoc cap chi dan dia ly
Ảnh: Khmer TImes/Mai Vireak.

Thách thức để đảm bảo "một suất chứng nhận GI"

Thách thức lớn nhất để đảm bảo chứng nhận có thể là quyết định dùng tên nào để đăng kí cho loại trái cây này, theo ông Sarang.

"Trong một cuộc hội thảo với nhiều nhà sản xuất cam Pursat và Battambang vào tháng trước, các nhà sản xuất không thể quyết định tên cho sản phẩm này", ông Sarang nói.

"Các nhà sản xuất từ Pursat cho hay tên đăng kí nên là ‘cam Pursat', trong khi những người từ Battambang muốn gọi nó là ‘cam Pursat-Battambang'.

Quyết định cuối cùng về chủ đề này sẽ được Bộ Thương mại đưa ra", ông nói thêm.

Lay Piseth, giám đốc bộ nông nghiệp Pursat, cho biết việc có được chứng nhận GI sẽ thúc đẩy danh tiếng của cam ở nước ngoài.

"Hiện, cam của chúng tôi chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, mặc dù chúng tôi xuất khẩu một số sang Thái Lan.

Cam của chúng tôi có vị ngọt độc đáo với một chút vị chua, và cũng được hưởng lợi từ việc được trồng phần lớn mà không có hóa chất", ông Piseth nói.

Ông cho biết tỉnh Pursat có khoảng 5.000 ha diện tích trồng cây cam, và một thùng 40 quả cam có giá dao động trong khoảng 8,75 - 15 USD.

Theo ông Op Rady, Giám đốc sở hữu trí tuệ của Bộ Thương mại Campuchia, các quan chức và chuyên gia đang tổ chức các cuộc thảo luận về tên của loại trái cây, đặc điểm và tiềm năng thị trường của nó.

"Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu, chỉ mới thực hiện một vài nghiên cứu và thảo luận.

Chúng tôi đều biết rằng cam Pursat có tiềm năng rất lớn, nhưng có một số yếu tố mà chúng tôi cần xem xét trước khi tiến hành cấp chứng chỉ", ông Rady cho hay.

Năm ngoái, Bộ Thương mại Campuchia đã trao tư chứng chỉ GI cho bưởi được trồng ở Koh Trung, Kratie; trong khi các nhà chức trách công bố nhãn hiệu gạo "Malys Angkor", một nhãn hiệu mới gồm một loạt các giống lúa thơm của Campuchia.

Đăng ký nhãn hiệu với Bộ Thương mại đã tăng 11% trong năm 2018, với 4.186 nhãn hiệu được phê duyệt, so với con số 3.917 trong năm 2017, theo Khmer Times.

Gần 1.500 thương hiệu được phê duyệt đến từ các địa phương, tăng khoảng 400 so với năm trước đó, trong khi 2.702 đơn đăng kí có nguồn gốc nước ngoài.

Lyly Cao