|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM xét nghiệm 1 triệu mẫu gộp/ngày, chuẩn bị cho kịch bản 10.000 ca nhiễm

14:57 | 30/06/2021
Chia sẻ
Từ ngày 29/6 đến 10/7, TP HCM sẽ triển khai kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội trong vòng một tuần với hàng loạt các biện pháp như xét nghiệm 1 triệu mẫu gộp/ngày, tăng tốc tìm nguồn cung vắc xin...

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vào ngày 28/6, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM, được thực hiện từ ngày 29/6 đến 10/7.

Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch

UBND TP HCM yêu cầu việc áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội cần xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính.

Đồng thời, phải tiến hành kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo; phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng trong giám sát việc thực hiện.

TP HCM: Xét nghiệm 1 triệu mẫu gộp/ngày, phấn đấu 2/3 người dân TP được tiêm trong năm 2021 - Ảnh 1.

Người dân TP HCM xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Thanh niên).

Sau khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19 phải tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong vòng một tiếng hoặc sớm hơn. Trong đó ưu tiên xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao, có kết quả trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình diễn biến dịch trên địa bàn quản lý để điều chỉnh mức độ nguy cơ và có các giải pháp chỉ đạo phù hợp.

Tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm

TP HCM cũng sẽ tiến hành tăng cường lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân, người lao động tại tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức, trong đó tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm như: Quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.

TP HCM sẽ tổ chức triển khai tự test nhanh COVID-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động một lần/tuần.

Bên cạnh đó, từ ngày 29/6 đến ngày 10/7, TP HCM sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày, phân tích tình hình các ca (F0) và các F1 tại các khu cách ly, khu phong tỏa để xác định nguyên nhân. Trường hợp test nhanh âm tính thì tiến hành xét nghiệm mẫu gộp 5, 10 bằng RT-PCR, phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao

UBND TP HCM yêu cầu thành lập Bộ phận kiểm tra, giám sát phòng chống dịch COVID-19 TP và 100 đoàn kiểm tra hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong sản xuất.

Các nơi áp dụng là các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và các doanh nghiệp có nhiều lao động trên địa bàn.

TP HCM: Xét nghiệm 1 triệu mẫu gộp/ngày, phấn đấu 2/3 người dân TP được tiêm trong năm 2021 - Ảnh 2.

TP HCM yêu cầu giám sát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như chợ đầu mối, chợ truyền thống. (Ảnh: Zing).

Đồng thời, các đơn vị cũng phải khẩn trương triển khai hướng dẫn 22 doanh nghiệp theo đề xuất của Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp với 25.000 lao động để tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất.

Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh.

Đối với các khu vực chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP, phải tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người nhập cảnh; thành viên các tổ bay quốc tế; nhân viên sân bay; thuyền viên, hành khách, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh…

Tăng cường cách ly

Các khu cách ly tập trung bố trí mỗi phòng chứa tối đa hai người, theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ. Đồng thời, giường được xếp đảm bảo khoảng cách 2 m và có nhà vệ sinh riêng.

Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa cho thông thoáng. Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất hai lần/ngày. Đảm bảo các khu cách ly đều có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly.

Người cách ly có nguy cơ lây nhiễm chéo vì vậy cần đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không được giao lưu với các phòng khác.

UBND TP HCM yêu cầu rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng các khu cách ly tập trung, đáp ứng nhu cầu khi có số lượng các ca F1 tăng nhanh. Bên cạnh đó, rà soát và nâng cao năng lực cách ly tập trung thuộc địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện (không tiếp tục sử dụng trường học làm nơi cách ly tập trung).

Ngoài ra, vận động các khách sạn đủ điều kiện trên địa bàn tổ chức cách ly cho các trường họp F1 có nhu cầu trả phí. Các đơn vị tổ chức thí điểm cách ly y tế tại nhà cho các trường họp F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tăng cường năng lực điều trị

TP HCM yêu cầu chủ động sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống TP HCM có 10.000 ca nhiễm. Các đơn vị nhanh chóng thực hiện chuyển đổi công năng của các bệnh viện trực thuộc TP đảm bảo đủ điều kiện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngoài ra, TP HCM yêu cầu rà soát, thống kê lượng oxy dự trữ, trang thiết bị y tế và mua sắm bổ sung một số trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị COVID-19.

Thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin

UBND TP HCM giao Tổ Công tác đàm phán và mua vắc xin TP khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất vắc xin để đẩy nhanh tiến độ mua và nhập khẩu vắc xin, chậm nhất trong cuối quý 3/2021 phải tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên.

Hiện, TP HCM đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có 2/3 người dân TP được tiêm vắc xin.

TP HCM: Xét nghiệm 1 triệu mẫu gộp/ngày, phấn đấu 2/3 người dân TP được tiêm trong năm 2021 - Ảnh 3.

TP HCM tăng tốc tìm nguồn vắc xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. (Ảnh: HCDC).

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

TP HCM yêu cầu kiểm tra, mở rộng hệ thống camera giám sát lắp đặt tại 46 khu cách ly tập trung và một số điểm tiêm chủng trên địa bàn TP. Đồng thời, triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR; cập nhật thường xuyên bản đồ số COVID-19...

Tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10

UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống; cương quyết đóng cửa tạm thời đối với các chợ đầu mối và chợ truyền thống không đảm bảo an toàn theo các quy định....

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền

TP HCM cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân đồng thuận, chia sẻ cùng những khó khăn của TP, và cả kết quả, nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP HCM trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phương Trang